Ghi sai hóa đơn điện: Nếu không bị phát hiện, tiền chênh lệch về đâu?

ngày 17/07/2015

 Chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải đặt ra câu hỏi nếu việc ghi sai hóa đơn không bị phát hiện thì số tiền chênh lệch sẽ đi về đâu?

Hóa đơn điện tăng vọt do ghi sai


Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội phản ánh tới báo chí về việc hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường. Đa phần các hộ gia đình đều cho rằng nguyên nhân hóa điện cao bất thường chính là do nhân viên điện lực ghi sai chỉ số điện.

Ngay sau khi nhận thông tin, EVN Hà Nội nhanh chóng vào cuộc và kết luận có trường hợp người dân phản ánh không đúng (nghĩa là nhân viên ngành điện ghi đúng số) và cũng có trường hợp sai sót thuộc về ngành điện.

Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra của ENV Hà Nội đã giải thích cho khách hàng hiểu việc ghi chỉ số là sai và sẽ tiến hành thực hiện hủy bỏ, lập lại hóa đơn mới cho khách hàng theo đúng thực tế.

Đồng thời Công ty Điện lực Đống Đa thi hành kỷ luật hình thức “khiển trách” với công nhân ghi chỉ số tại Đội quản lý điện 1 (ông Lê Sỹ Tân) và bà Lê Thanh Thủy - Tổ Điều hành hóa đơn thuộc Phòng Kinh doanh Công ty, tiến hành làm lại hóa đơn theo đúng quy trình kinh doanh.

EVN Hà Nội
Đã có trường hợp nhân viên EVN Hà Nội ghi sai khiến hóa đơn điện tăng vọt. (Ảnh minh họa)

EVN Hà Nội cho biết đối với một vài trường hợp báo chí đã nêu nhưng không rõ địa chỉ, EVN Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra và làm rõ.

Được biết cũng thời điểm này năm 2014, đã có 2 nhân viên ngành điện bị kỷ luật vì hành vi ghi sai chỉ số điện của hơn 200 hộ dân ở Sóc Sơn, Hà Nội. Đại diện EVN Hà Nội cho rằng đây là sự cố ngoài ý muốn và mong khách hàng cảm thông.

Dường như EVN Hà Nội rất cầu thị khi nhanh chóng kiểm tra, xác minh các thông tin do báo chí và khách hàng phản ánh. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, điều đó vẫn chưa đủ.

Tiền chênh lệch về đâu?

TS Lê Dăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết ông rất hoan nghênh thái độ cầu thị và khẩn trương của EVN Hà Nội, trong đó có việc nhìn nhận những gì báo chí nêu lên. EVN Hà Nội đã xử lý, kỷ luật những trường hợp vi phạm.

“Nhưng chỉ như vậy là chưa đủ, EVN Hà Nội cần có sự đánh giá đầy đủ, có hệ thống về những sự cố đã xảy ra và tiến hành kiểm tra tìm các biện pháp khắc phục các sai lầm kể trên. Chỉ kỷ luật các sai phạm là chưa đủ, làm sao phải để các sai lầm đó không xảy ra trong tương lai” – Ông Doanh nhận xét.

Theo ông Doanh, cũng cần phải xác định xem các sai sót xảy ra là do vô tình hay cố ý. Nếu nhân viên ngành điện cố ý làm sai trái thì EVN phải tìm cách loại hành động sai trái vĩnh viễn. Cần đề phòng trường hợp những người có ý đồ xấu ngày càng tin ranh hơn, có thể rút ra nhiều kinh nghiệm để lặp lại sai sót với hình thức tinh vi hơn.

Bên cạnh đó, ông Doanh phân tích, EVN Hà Nội cũng cần kiểm tra quy mô sai sót. Liệu rằng ngoài những sai sót mà báo chí chỉ ra, ngoài đời sống, còn có sai sót nào nữa không. Điều này rất quan trọng. EVN cũng cần tự mình phát hiện ra những trường hợp tương tự.

"Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng EVN Hà Nội. EVN cũng cần có ý kiến về việc liệu EVN đã rút ra được kinh nghiệm gì từ những sai sót mà EVN Hà Nội mắc phải hay chưa", ông Doanh nói.

Đồng quan điểm với ông Doanh, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cần kiểm tra kĩ xem liệu những sai sót kể trên là do vô tình hay cố ý. Nếu người ghi công tơ điện có trình độ thấp, không được đào tạo, tắc trách dẫn đến sai sót thì phải có hình thức kỷ luật phù hợp và thay người có trình độ cao hơn.

Còn với trường hợp không phải do chất lượng cán bộ mà do người ghi cố tình ghi sai thì cần kiểm tra kỹ lưỡng hơn.

Theo ông Phong, theo logic, khi ghi sai, bản thân người ghi không được hưởng lợi gì. Ở đây không có lợi ích cá nhân mà có lợi ích nhóm.

Không loại trừ khả năng số tiền chênh lệch sẽ được chia đều, chia theo “công trạng” của từng người trong nhóm. Như vậy, sẽ có tham nhũng. Điều này chưa khẳng định được nhưng cũng cần phải tính tới, phải điều tra kĩ hơn, sâu hơn. Cần phải làm rõ nếu không bị phát hiện, số tiền chênh lệch sẽ về đâu.

Nguồn VTC News