Xuất khẩu đứng đầu thế giới, nhưng ngành gỗ Việt Nam lại đang thua đau ở thị trường nội địa.
Khảo sát nhiều phố nội thất ở Hà Nội, không dễ để tìm được những sản phẩm “made in Việt Nam”, mà đa phần là hàng Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Malaysia… Tại Melinh Plaza, một trong những siêu thị nội thất lớn tại Hà Nội, có tới 80 - 90% sản phẩm nội thất được bày bán là hàng ngoại nhập, từ bàn ăn, bàn làm việc, ghế sofa, giường ngủ, bàn ghế văn phòng….
Nhân viên tư vấn của siêu thị cho hay, trong nước cũng có nhiều sản phẩm nội thất có chất lượng tốt của Xuân Hòa, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai… Tuy nhiên, sản phẩm trong nước thường không đa dạng mẫu mã, hình thức cũng không đẹp bằng hàng nhập khẩu, trong khi giá cả còn đắt hơn, nên nguời tiêu dùng không ưa chuộng.
Đã đến lúc doanh nghiệp ngành gỗ cần đánh giá đúng tầm quan trọng của thị trường nội địa. Ảnh: Đầu tư |
Theo Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam, Việt Nam nằm trong 6 nước xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp tự hào bởi gỗ là một trong những mặt hàng nông lâm sản không bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Tuy nhiên, trong khi mải mê “đem chiêng đi đánh xứ người”, họ lại để trống thị trường nội địa cho doanh nghiệp nước ngoài thỏa sức tung hoành.
Tại Hội thảo nâng cao năng lực cung cấp thông tin về FLECT - VPA, bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ ra một thực tế đáng quan ngại: “Hiện nay, thị trường gỗ nội địa đang bị bỏ trống cho các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan… Rất nhiều công sở, ngay cả phòng họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng toàn hàng Đài Loan, Trung Quốc. Đây là điều đáng xấu hổ cho một quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gỗ”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cũng cho biết, trên 80% thị phần đồ gỗ, nội thất trong nước là của các công ty đa quốc gia, công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Thị trường gỗ trong nước đang bị lấn át bởi sản phẩm nhập khẩu hay được sản xuất theo mẫu mã nhập từ nước ngoài.
Lý giải thực tế trên, bà Vân cho rằng, dù xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng dăm gỗ, xuất khẩu nguyên liệu thô. Trong khi xuất sản phẩm nội thất có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 4% thị phần nội thất xuất khẩu thế giới. Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản cũng thừa nhận, trong tổng giá trị hàng tỷ USD gỗ xuất khẩu mỗi năm, tỷ lệ những sản phẩm do chính doanh nghiệp Việt thiết kế chiếm rất khiêm tốn, chưa đến 10 triệu USD.
Đại diện Công ty Kiến trúc và Nội thất N.A.N cho biết, sản phẩm nội thất trong nước tập trung vào số ít doanh nghiệp và phân rõ thị phần hai miền Nam – Bắc. Thị trường miền Bắc chủ yếu thiên về sản xuất hàng nội thất bình dân, phục vụ trường học, các công ty nhà nước với giá cả chấp nhận được như Hòa Phát, Nội thất 190... Trong khi đó, các công ty nội thất ở phía Nam tập trung sản xuất hàng cao cấp cho các showroom, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp… như AA corporation, Công ty AHD - Phố xinh…
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản cho hay, thị trường gỗ nội thất trong nước có tiềm năng tăng trưởng rất mạnh, vì nhu cầu sắm đồ gỗ của các hộ gia đình tương đối lớn, khoảng 6 triệu đồng một hộ mỗi năm). Bên cạnh đó, nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới cũng có xu hướng tăng nhanh.
Tuy nhiên, ông Quyền cũng thừa nhận, sản phẩm trong nước chưa cạnh tranh được với hàng nhập khẩu ở mảng bán lẻ, mà chỉ mới đi được vào một số công ty, công trình, dự án. Trên thực tế, hầu như chỉ có các làng nghề, doanh nghiệp nhỏ mới tham gia sản xuất hàng nội thất với quy mô nhỏ, còn các đơn vị có quy lớn thường chỉ chú trọng khâu xuất khẩu.
“Chỉ cần có vài hợp đồng xuất khẩu là đủ để doanh nghiệp sản xuất nửa năm trời, lại không phải lo đầu ra hay lo thiết kế. Trong khi nếu sản xuất hàng bán trong nước thì số lượng nhỏ mà chưa biết có bán được không. Hơn nữa, mạng lưới phân phối của doanh nghiệp gỗ trong nước không có, nên cạnh tranh bán lẻ là rất khó”, giám đốc một doanh nghiệp gỗ cho biết.
Ngoài ra, việc phụ thuộc tới 80% nguyên liệu và gần như 100% phụ liệu nhập khẩu cũng là lý do khiến đồ gỗ nội thất không thể cạnh tranh trên sân nhà. Hiện hầu hết các linh phụ kiện sản xuất đồ gỗ nội thất như mâm xoay, tay nắm, vít pát, bản lề, thanh trượt, bánh xe, chân bàn, khung sắt… đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước tình hình trên, bà Nguyễn Tường Vân cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp ngành gỗ cần đánh giá đúng tầm quan trọng của thị trường nội địa để lấy lại thị trường này. Còn ông Nguyễn Tôn Quyền kỳ vọng, với phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang được đẩy mạnh, ngành gỗ sẽ dần chiếm lĩnh sân nhà.
Theo Đầu tư
{fcomment}
-
Khám phá hạ tầng tiện ích dự án Meyhomes Capital Phú Quốc
-
Thói quen nhiều người mắc gây ra các bệnh tiêu hóa
-
Dịch COVID-19 (cập nhật sáng ngày 13/3): Việt Nam công bố thêm 5 trường hợp nhiễm
-
Kiểu dạy con của bố nóng tính
-
Quý ông gặp họa khôn lường khi trăng hoa thế này
-
Vivo T1 Pro 5G ra mắt: Chip Snapdragon 778G, màn hình AMOLED 90Hz, giá 7,2 triệu
-
Giá xăng dầu giảm lần thứ 5 liên tiếp
-
Shop rượu vang Hoàng Quốc Việt, người mê vang không thể bỏ qua
-
Giết bạn để lấy tiền chuộc xe cá độ, lĩnh án tử hình
-
Làm thế nào khi chàng không thích dùng bao cao su?