EVN nợ các ngân hàng gần 120.000 tỷ đồng

ngày 09/10/2013

Số liệu từ NHNN cho biết, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 118.840 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

 

EVN vay 118.840 tỷ đồng phục vụ các dự án điện (Ảnh minh họa)
EVN vay 118.840 tỷ đồng phục vụ các dự án điện (Ảnh minh họa)

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện rất lớn khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD. Tính bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4,9 tỷ USD.

Đầu mối đầu tư phát triển ngành điện phần lớn do EVN và các đơn vị thành viên thực hiện. Tuy nhiên, vốn tự có của tập đoàn này và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng từ 20 - 30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện, còn lại chủ yếu là vốn vay.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động nắm bắt nhu cầu vốn của EVN và tìm hướng tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án điện. Thông tin từ Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Tính đến ngày 31/7/2013, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 118.840 tỷ đồng.

Để có nguồn vốn cho vay này, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) bố trí đủ vốn để cho vay các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Tổng số tiền các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank đã cam kết tài trợ lên tới 17.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư của dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, NHNN còn hỗ trợ rất lớn về ngoại tệ để dự án nhập khẩu thiết bị nước ngoài và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho dự án thủy điện Sơn La.

Đối với dự án thủy điện Lai Châu, NHNN đã chỉ đạo Vietcombank là đầu mối thu xếp đủ 14.500 tỷ đồng. Nếu tính cả 6.000 tỷ đồng vốn ủy thác thông qua Vietinbank thì tổng số tiền mà các NHTM cho vay đối với dự án là 20.500 tỷ đồng.

Thống kê từ Vụ Tín dụng cho biết, chỉ tính riêng hai dự án trên, số vốn các ngân hàng huy động để cho vay đã là 38.000 tỷ. Đây là lượng vốn rất lớn, thể hiện sự nỗ lực quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc chung tay hiện thực hóa các công trình quan trọng của đất nước.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành thu xếp vốn cho các dự án điện trong tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải và phân phối điện, đặc biệt là các dự án điện cấp bách, quan trọng quốc gia, các dự án sử dụng nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời... Với số vốn giải ngân 118.840 tỷ đồng cho EVN hiện nay, đây là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Nguyễn Hiền

{fcomment}