Donald Trump gây bất ngờ lớn, Trung Quốc nín thở chờ tín hiệu Nhà Trắng

ngày 08/11/2019

Các thị trường tài chính biến động mạnh

Chứng khoán Mỹ chùng lại vào cuối phiên đêm qua (giờ Việt Nam) nhưng cũng kịp lên mức cao kỷ lục mới sau những thông tin tích cực về các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Các báo cáo cho thấy, Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị kế hoạch cùng dần dần rút lại các mức thuế áp lên nhau. Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 của Mỹ tăng vọt trong phiên đêm qua, nhưng hụt hơi một chút vào cuối phiên sau khi Reuters cho biết kế hoạch này đang gặp cản trở từ phía Nhà Trắng.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow sau đó cho biết nếu có một thỏa thuận thương mại giai đoạn một thì “sẽ có những thỏa thuận về thuế và sẽ có sự nhượng bộ”.

Chốt phiên giao dịch 7/11 (đầu giờ sáng giờ Việt Nam), chỉ số S&P 500 tăng 8,4 điểm lên đỉnh cao lịch sử mới 3.085,18 điểm. Chỉ số này đã tăng tổng cộng hơn 23% kể từ đầu năm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 182 điểm lên đỉnh cao mới: 27.674,8 điểm, tăng gần 18% từ đầu năm.

Chứng khoán Mỹ lên đỉnh cao kỷ lục mới trong bối cảnh có nhiều thông tin cho thấy Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đẩy nhanh thỏa thuận với nhau. Hai bên đã đồng ý về việc dỡ bỏ dần dần các mức thuế quan đối với các mặt hàng bị nâng thuế trước đó.

Theo người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Cao Phong, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí dỡ bỏ các mức thuế quan đối với hàng hóa của nhau theo từng giai đoạn.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng mạnh từ đầu năm tới nay.

Một số nguồn tin trước đó cho rằng, Trung Quốc muốn Mỹ xóa bỏ mức thuế quan 15% đối với khoảng 125 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của nước này vốn có hiệu lực từ ngày 1/9. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng muốn Washington xóa hoặc hạ mức thuế 25% đối với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa bao gồm máy móc, chất bán dẫn và đồ nội thất nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đồng Nhân dân tệ tăng mạnh so với đồng USD. Tuy nhiên, đồng bạc xanh cũng tăng so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt. Tất cả nhờ những tín hiệu lạc quan từ thương mại Mỹ-Trung. Đồng USD tăng còn do EU vừa hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 từ mức 1,2% trước đó xuống còn 1,1%.

Giá vàng tụt giảm trong phiên đêm qua (7/11 giờ Việt Nam).

Trước báo cáo của Reuters, hàng loạt các loại tài sản là kênh trú bão từ vàng cho tới trái phiếu chính phủ đã tụt giảm cùng với sự đi xuống của các loại cổ phiếu phòng thủ như cổ phiếu trong lĩnh vực hàng hóa tiện ích và bất động sản. Giới đầu tư tìm đến các loại tài sản có độ rủi ro cao hơn. Giá dầu thô có lúc tăng mạnh thêm 2%. Giá vàng giảm khoảng 30 USD/ounce.

Trái phiếu chính phủ khắp nơi trên thế giới tụt giảm sau thông tin Mỹ-Trung đồng ý dần gỡ bỏ thuế. Lợi tức trái phiếu kho bạc 30 năm của Mỹ do đó lên mức cao nhất kể từ tháng 8. Lợi tức trái phiếu 10 năm của Pháp và Bỉ bò lên trên mức 0% lần đầu tiên trong nhiều tháng, trong khi đó trái phiếu Đức tăng 10 điểm cơ bản.

Chỉ số S&P 500 tăng hơn 23% từ đầu năm.

3 tuần thận trọng, chờ một quyết định từ Nhà Trắng

Tuy nhiên, các thị trường chùng lại đôi chút vào cuối phiên sau khi có thông tin từ Reuters cho biết kế hoạch này đang gặp cản trở từ phía Nhà Trắng. Hơn thế, Mỹ và Trung đang tranh cãi về địa điểm cho việc ký kết thỏa thuận giai đoạn 1. Giới đầu tư chuyển sang thế chờ đợi.

Tình trạng chờ và xem có thể sẽ được duy trì cho tới khi thỏa thuận được ký kết.

Hiện tại, rủi ro vẫn còn. Đại diện Trung Quốc cũng như Mỹ chưa đưa ra thời điểm cụ thể cho việc gỡ bỏ các mức thuế quan. Địa điểm cho cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vẫn chưa được xác định và có thể bị hoãn tới tháng 12/2019.

Nhiều người đang tính đến London (Anh), nơi hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau sau Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Tổng thống Trump dự định tham dự từ ngày 3-4/12.

Dù vậy, chứng khoán Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng kéo dài kể từ đầu tháng 11, không chỉ nhờ những tín hiệu tích cực từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung mà còn các số liệu tích cực về kinh tế Mỹ, trong đó có số liệu từ thị trường lao động.

Một số dự báo cho thấy, các hoạt động dịch vụ của Mỹ trong tháng 10 sẽ vượt dự đoán, trong khi thị trường lao động vẫn hoạt động mạnh mẽ khi tạo thêm nhiều việc làm hơn so với tháng trước đó. Hầu hết các công ty đều ghi nhận kết quả lợi nhuận hoạt động khả quan trong mùa báo cáo tài chính này.

Chứng khoán Mỹ tăng còn do Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất lần thứ 3 trong phiên họp hôm 29-30/1p vừa qua với mức giảm 25 điểm phần trăm xuống còn 1,5-1,75%.

Ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình đều đang cần một thỏa thuận để giảm áp lực trong nước.

Nhưng điều quan trọng hơn là Fed đã có thái độ bồ câu hơn, không cứng rắn như dự báo trước đó. Đây là một tín hiệu cho thấy Fed có thể còn giảm lãi suất hoặc ít nhất sẽ còn rất lâu nữa mới tăng lãi suất trở lại. Nó giúp nền kinh tế Mỹ sẽ có động lực tăng trưởng mới.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng muốn nhanh chóng có một thỏa thuận với Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế nước này liên tục phát đi những tín hiệu xấu, từ tăng trưởng ở mức thấp nhất 27 năm cho đến lợi nhuận ngành công nghiệp sụt giảm. Nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm 53 tỷ USD trong 9 tháng, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 14,5 tỷ USD.

Diễn biến thị trường tài chính tích cực là một điểm tựa mạnh cho ông Donald Trump trong bối cảnh vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đang ở trong một tình trạng khó khăn hơn với áp lực từ một cuộc điều tra luận tội được Hạ viện (do Đảng Dân chủ chi phối) thực hiện.

Ông Trump bị cáo buộc đã hối thúc Ukraine điều tra hoạt động của con trai ông Joe Biden, cựu phó tổng thống và hiện là ứng cử viên tổng thống tiềm năng nhất của Đảng Dân chủ, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine hồi tháng 7.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross kỳ vọng thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc có thể sẽ được ký trong tháng 11 này và cho biết Mỹ sẽ sớm cấp giấy phép cho doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cho hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc.


Nguồn: Báo VietnamNet