Doanh nghiệp Việt đi thụt lùi

ngày 05/10/2014

Doanh nghiệp tăng cạnh tranh, nhà nước đẩy mạnh cải cách là giải pháp căn cơ nhất giải quyết vấn đề sống còn thời hội nhập.

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Theo lộ trình, đến năm 2015, Việt Nam sẽ có FTA (Hiệp định Thương mại tự do) với khoảng 55 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cuộc chơi lớn đang mở ra, mang đến nhiều cơ hội cũng như tác động khốc liệt đến doanh nghiệp (DN) Việt.

Yếu và thiếu đủ thứ

Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số gần 500.000 DN đang hoạt động trên cả nước, có đến 96% DN vừa và nhỏ. Các DN nhỏ có năng suất lao động thấp và nhiều hạn chế khác nên khó tham gia các chuỗi cung ứng nội địa.

Tỉ trọng các DN quy mô vừa và lớn vốn thấp lại đang có xu hướng giảm, chỉ chiếm 4% tổng số DN. Không chỉ thiếu DN dẫn đầu, Việt Nam còn thiếu cả một khu vực đủ lớn các DN cỡ vừa đủ sức tiếp cận công nghệ mới, thị trường nước ngoài, trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia và tham gia các giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt đi thụt lùi - 1

Sản xuất thực phẩm chế biến tại Công ty Việt Hương (huyện Củ Chi, TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH

Chuyên gia kinh tế - TS Phạm Chi Lan cho biết bà rất lo lắng vì Việt Nam chuẩn bị bước vào cuộc chơi mới với sân chơi rộng hơn và những cam kết sâu hơn, thách thức của cạnh tranh nặng nề hơn rất nhiều song chúng ta lại đang trong thế yếu. Bản thân nền kinh tế Việt Nam cũng đang chững lại và bộc lộ nhiều thế yếu rất rõ ràng, cốt lõi. Đó là sự tụt hậu tương đối của Việt Nam so với các nước xung quanh, xếp sau cả Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia… về tốc độ tăng trưởng. Khu vực tư nhân thiếu DN tầm trung lẫn lớn, DN cỡ lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa đủ hình thành đội ngũ DN mạnh để ra biển lớn; thiếu sự liên kết, thiếu cách phát triển chuỗi, cụm trong khi thế giới ngày nay là thế giới của chuỗi giá trị.

“Không có nhiều DN Việt Nam tự tin sẽ chiến thắng. Một trong những điểm mấu chốt hiện nay là DN quan tâm rất nhiều đến tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại nhưng chưa thật sự lo nghĩ đến cơ hội, thách thức từ đó. DN cần chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho mình, thay vì hỏi bao giờ kết thúc đàm phán thì tự hỏi xem đã biết gì về nó và đang chuẩn bị gì cho nó, mình đã sẵn sàng chưa và quan sát DN các nước xem họ chuẩn bị thế nào. Vào lúc này, DN rất cần bình tĩnh, xem xét lại mọi thứ để điều chỉnh chiến lược hợp lý hơn, tập trung vào những gì có thể tạo cho mình sức mạnh tốt nhất, vị thế tốt nhất trong cuộc chơi ” - bà Phạm Chi Lan khuyến cáo.

Mưu sự tại doanh nghiệp, thành sự tại... chính sách!

Trong khi đó, nhiều DN cho rằng trong cạnh tranh chỉ có thắng hoặc thua, sống hay chết chứ không có khái niệm các bên cùng thắng.

“Để chiến thắng, DN phải có lộ trình, chiến lược phát triển và kiên trì thực hiện để tạo nên giá trị bền vững. Thiệt thòi của DN Việt là chưa giàu, chưa tích lũy được và vừa trải qua 2 cuộc khủng hoảng lớn thì đã phải hội nhập. Để thành công, DN phải tích cực và tìm cái cần làm, phải biến không thành có, từ yếu thành mạnh một cách khoa học. Chúng ta đừng đòi hỏi phải có gì mà phải suy nghĩ tìm ra cơ hội, tạo ra từng việc nhỏ để làm nên cái lớn. Phải tạo nên giá trị thông qua sản phẩm, dịch vụ” - ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải, nhìn nhận.

Còn ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn liên Thái Bình Dương, cho rằng thành công hay thất bại của DN là do chính sách của Chính phủ. Những rào cản về pháp lý, cơ chế, rào cản từ địa phương, ban, ngành vô hình trung gây khó cho cuộc chạy đua của DN trong hội nhập.

Điều đáng mừng là Chính phủ đang lắng nghe, tiếp thu và có những động thái tích cực, trước mắt là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh để nâng chất lượng cạnh tranh. Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), việc đầu tiên của Chính phủ là phải có tầm nhìn thời đại, gắn với cải cách thể chế trong nước - cụ thể nhất là cải cách thể chế liên quan đến kinh doanh, để giảm chi phí hành chính cho DN và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, làm cho luật lệ Việt Nam tương thích với các cam kết và thực thi một cách nghiêm túc. Chính phủ phải xây dựng hình ảnh thân thiện với kinh doanh và hỗ trợ DN chống chọi, vượt qua những cú sốc kinh tế.

Khó khăn lớn nhất: Đầu ra

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2014, cả nước có 44.500 DN gặp khó khăn, buộc phải giải thể, ngừng hoạt động - tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo động thái DN Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014 của VCCI chỉ ra rằng đến 50% DN ngừng hoạt động trong những tháng đầu năm là do không tìm được thị trường đầu ra.

Như vậy, bên cạnh những khó khăn trong sản xuất - kinh doanh như thiếu vốn, chất lượng nguồn nhân lực yếu, khả năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật thấp..., thì tiêu thụ sản phẩm vẫn là thách thức lớn cho DN.

Doanh nghiệp vừa và nhỏmà “có võ”

Không chỉ Việt Nam mà tại nhiều quốc gia, DN vừa và nhỏ đều chiếm 90%-95%. DN vừa và nhỏ luôn tồn tại những điểm yếu cơ bản nhưng chính các DN này là nền tảng cho sự phát triển của quốc gia. Đây là lực lượng DN tạo ra sự cạnh tranh và dám chấp nhận cạnh tranh. Trong môi trường kinh doanh mới, bên cạnh những thế yếu, DN vừa và nhỏ có những lợi thế nhất định như sử dụng công cụ công nghệ thông tin, internet để quảng bá; tham gia các thị trường nhánh.

cùng, sáng tạo trong thời đại ngày nay, với công nghệ thông tin và dòng ý tưởng chuyển dịch thì không phải chỉ DN vừa và nhỏ mà rất nhiều cá nhân cũng có thể sáng tạo. Nên nhớ rằng DN vừa và nhỏ Nhật Bản chính là chủ nhân sản sinh ra công nghệ chủ lực của nước này.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM

Lo chăm chút “sân nhà”

Sau một thời gian tăng trưởng thấp, các DN đối mặt với vấn đề tồn tại hay không tồn tại. Một số DN Việt chỉ tạo dựng được bước đầu; sau hội nhập, sáp nhập là bị nuốt chửng. Tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất 10 năm nữa.

Hiện có khoảng 15%-20% DN hội viên Hội Doanh nhân trẻ TP HCM (YBA - HCM) đã khẳng định được uy tín thương hiệu, có thị phần ổn định; 30%-35% DN đang trong quá trình trưởng thành. Bối cảnh hiện tại đòi hỏi DN không chỉ xoay trở, tạo dựng thương hiệu, xác lập vị thế mà còn phải vươn ra thế giới. Bản thân thị trường nội địa cũng đang cạnh tranh gay gắt, việc củng cố, phát triển thị trường nội địa là thách thức lớn. Niềm tin DN dần khôi phục, DN đã có dấu hiệu tái đầu tư. Các DN YBA - HCM tập trung ở thị trường nội địa và khu vực ASEAN. Vì vậy, mở cửa hội nhập, các DN chủ yếu là cuộc chống chọi ở sân nhà. DN nào lơ là chủ quan sẽ rất dễ “chết”. Tuy nhiên, tôi tin rằng đội ngũ DN trẻ hiện nay đủ trình độ, đủ nhận thức và chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều cơ hội sẽ đến từ hội nhập và chỉ cần thấy có kẽ hở, DN sẽ xông vào.

Ông Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch YBA - HCM

{fcomment}