Ca tái mắc Covid-19 sau 3 tuần và người nhiễm nCoV lâu nhất thế giới là hai trường hợp gây chú ý tại Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu năm nay.
Khi Covid-19 dần lắng xuống ở nhiều khu vực trên thế giới, các nhà khoa học vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa thể giải đáp. Điển hình là nguồn gốc của nCoV hay vì sao một số người lại trở nặng, tử vong vì căn bệnh này.
Tại Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu (ECCMID) diễn ra ở Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 23-26/4, hai báo cáo ở Tây Ban Nha và Vương Quốc Anh được chú ý khi mô tả những ca mắc Covid-19 đặc biệt.
Tái mắc Covid-19 chỉ sau ba tuần
Theo Guardian, các nhà khoa học tại Tây Ban Nha báo cáo về một phụ nữ 31 tuổi, tái mắc Covid-19 chỉ sau 20 ngày. Đây là khoảng cách ngắn nhất giữa hai lần nhiễm nCoV từng được ghi nhận.
Bệnh nhân là nhân viên y tế, có kết quả dương tính với nCoV vào tháng 12/2021. Chỉ sau đó chưa đầy 3 tuần, cô lại tiếp tục mắc Covid-19 lần nữa vào tháng 1. Trường hợp này là bằng chứng cho thấy Omicron có thể né tránh khả năng miễn dịch, ngay cả khi F0 mới nhiễm virus gần đây.
Người phụ nữ đã được tiêm phòng đầy đủ và được tiêm mũi nhắc lại 12 ngày trước khi có kết quả xét nghiệm rRT-PCR dương tính vào ngày 20/12/2021. Cô không có bất kỳ triệu chứng nào và đã tự cách ly 10 ngày trước khi quay lại làm việc.
Nữ bệnh nhân mắc Covid-19 lần hai chỉ sau 3 tuần được cho là người tái nhiễm nhanh nhất ở Anh. Ảnh: Guardian.
Ngày 10/1, chỉ 20 ngày sau khi kết quả đầu tiên dương tính, người này bị ho, sốt và cảm thấy không khỏe. Xét nghiệm rRT-PCR cho kết quả dương tính. Giải trình tự toàn bộ bộ gene cho thấy bệnh nhân đã bị nhiễm hai biến chủng Covid-19 khác nhau. Lần đầu tiên là Delta và lần thứ 2 là Omicron.
Tiến sĩ Gemma Recio, thuộc Viện Nghiên cứu Institut Català de la Salut, tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Trường hợp này cho thấy khả năng của Omicron trong việc tránh khỏi miễn dịch mà chúng ta đã có từ lần lây nhiễm trước với biến chủng khác hoặc từ vaccine. Nói cách khác, những người đã mắc Covid-19 không thể tự tin họ được bảo vệ chống khỏi nguy cơ tái mắc, ngay cả khi đã tiêm phòng đầy đủ”.
Tái mắc Covid-19 đã ghi nhận nhiều ở Anh. Song, điều kiện để xác định người tái mắc Covid-19 là sau 90 ngày kể từ lần nhiễm gần nhất. Tính đến đầu tháng 4, khoảng 900.000 người ở quốc gia này đã mắc Covid-19 ít nhất hai lần. Tuy nhiên, con số này cũng chưa phải cuối cùng vì để chính xác nhất, cơ quan y tế phải giải trình tự gene và xác định loại biến chủng họ nhiễm.
Giáo sư Paul Hunter, Đại học East Anglia, nhận định: “Trường hợp này không có gì đáng ngạc nhiên, mặc dù khoảng cách giữa hai lần mắc Covid-19 đặc biệt ngắn. Chúng ta đã biết hiện tượng tái mắc Covid-19 sẽ xảy ra sau vài tháng khỏi bệnh ở một số người. Biến chủng Omicron với những ưu điểm lây truyền khiến nguy cơ này cao hơn”.
Giáo sư Lawrence Young, nhà virus học tại Đại học Warwick, Anh, cho biết: “Rất khó để suy ra kết luận từ một trường hợp duy nhất, nhưng chúng ta nhận thấy điều nổi bật từ báo cáo này đó là khả năng biến chủng Omicron và các dòng phụ khiến người tiêm phòng liều tăng cường vẫn tái mắc Covid-19. Điều này giải thích cho mức độ lây nhiễm cực kỳ cao mà chúng ta đã trải qua ở Vương quốc Anh”.
Người mắc Covid-19 lâu nhất thế giới
Trường hợp cũng gây chú ý tại Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu (ECCMID) năm nay đó là ca bệnh được cho là mắc Covid-19 lâu nhất thế giới.
Các bác sĩ tại Anh kêu gọi phương pháp điều trị mới khẩn để xóa bỏ nhiễm virus dai dẳng sau khi xác định trường hợp này, với gần 1,5 năm liên tục dương tính với nCoV.
Theo Guardian, bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch, nhiễm virus vào năm 2020 và qua đời sau 505 ngày liên tục có kết quả dương tính.
Các nhà nghiên cứu tại King's College London và Guy's & St. Thomas, NHS Foundation Trust đã theo dõi 9 người mắc Covid-19 dai dẳng để đánh giá virus tiến hóa thế nào trong quá trình lây nhiễm. Tất cả đều bị suy giảm hệ miễn dịch do cấy ghép nội tạng, nhiễm HIV, ung thư hoặc bệnh lý khác.
Các ca bệnh đều mắc Covid-19 ít nhất 10 tuần hoặc hơn, đặc biệt trong đó có hai người nhiễm virus hơn một năm. Ngoài bệnh nhân mắc bệnh trong 505 ngày liên tục, một người khác cũng có kết quả dương tính trong 412 ngày. Người này được cho là sẽ vượt qua bệnh nhân 505 ngày trong lần tái khám sắp tới.
Mùa hè năm 2021, các bác sĩ ở Bristol, Anh, cũng phát hiện ông Dave Smith, 72 tuổi, dương tính với nCoV trong 10 tháng liên tục. Trước đó, một bệnh nhân mắc Covid-19 và ung thư ở Mỹ cũng có 335 ngày mắc Covid-19.
Bệnh nhân có hệ thống miễn dịch suy yếu đặc biệt dễ bị mắc Covid-19 dai dẳng. Trong số 9 người được nghiên cứu, 4 người đã tử vong. Nhiễm trùng dai dẳng cũng được cho là nguồn gốc khiến nCoV đột biến, tiến hóa thành các biến chủng mới.
Bệnh nhân dương tính với nCoV liên tục trong 505 ngày được cho là ca mắc Covid-19 lâu nhất thế giới. Ảnh: iStock.
Theo tiến sĩ Luke Blagdon Snell, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Guy's & St. Thomas, NHS Foundation Trust, tác giả chính, một trường hợp khiến họ rất chú ý. Người này đang nhiễm bệnh nhưng xét nghiệm rRT-PCR âm tính với nCoV.
Sau khi nhiễm biến chủng Alpha vào năm 2021, các triệu chứng của người này giảm dần và xét nghiệm âm tính nhiều lần. Tuy nhiên, sau đó Alpha quay trở lại, gây hàng loạt triệu chứng khác, mặc dù khi đó biến chủng này không còn tồn tại ở Anh. Bệnh nhân chưa từng đi du lịch nước ngoài. Theo TS Snell, có thể nCoV đã ẩn náu sâu trong phổi người bệnh và các xét nghiệm dịch tỵ hầu họng không thể phát hiện ra.
Giáo sư Paul Hunter, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận định có thể một số người không bao giờ khỏi Covid-19. Bởi các loại thuốc kháng virus, liệu pháp kháng thể hiện nay khá suy yếu trước Omicron.
Virus đột biến hàng chục lần trong cơ thể
Trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 trong 505 ngày liên tục nói trên cũng khiến các bác sĩ đặc biệt chú ý khi cơ thể người này có tới 10 đột biến khác nhau. Những đột biến này khá phổ biến và từng được phát hiện ở các biến chủng như Alpha, Gamma và Omicron.
Điều này càng chứng minh khả năng miễn dịch trước nCoV của con người không thể tồn tại vĩnh viễn, nhất là ở những người vốn đã bị suy yếu, dễ tổn thương.
Tháng 9/2021, nghiên cứu về một người phụ nữ dương tính với HIV ở Nam Phi đã cho thấy nCoV ở trong cơ thể bệnh nhân này 216 ngày. Trong suốt khoảng thời gian đó, virus đã đột biến tới 32 lần. Một số đột biến của virus trong bệnh nhân nói trên đã xuất hiện ở những biến chủng đáng lo ngại.
Ngoài ra, tháng 1/2021, Brazil ghi nhận hai ca nhiễm cùng lúc hai biến chủng nCoV khác nhau. Đến tháng 7/2021, các nhà nghiên cứu Bỉ báo cáo về một cụ bà 90 tuổi đã tử vong sau khi nhiễm cùng lúc hai chủng Alpha và Beta.
Nhiều biến chủng tái tổ hợp (thay đổi đột biến của chủng này lắp vào chủng khác) cũng đã xuất hiện. Những phát hiện này cho thấy nCoV ngày càng biến đổi và chúng ta vẫn chưa thể nắm rõ đường tiến hóa của nó.
Nguồn: https://zingnews.vn/nhung-ca-benh-covid-19-dac-biet-post1311588.html
-
Tìm hiểu đặc điểm pháp lý của tài sản thẩm định
-
Căng thẳng vé máy bay Tết
-
Vụ 30.000 tấn chân gà Trung Quốc ngâm hoá chất: Nguy cơ hiện hữu cho dân nhậu Việt
-
Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng Trung Quốc luôn thay đổi để thành công
-
Những trường đại học nào dùng chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam để tuyển sinh?
-
Khô hạn "đốt" hàng ngàn tỉ đồng của dân Tây Nguyên
-
Trải nghiệm cảm giác lơ lửng trên "tổ chim" ở Quảng Bình
-
Ngân hàng hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và chính mình
-
Tình yêu đã khiến bạn trở nên lãng mạn như thế nào?
-
Càng chăm xông hơi khô, càng giảm nguy cơ đột quỵ