Đánh NV sân golf: "Cán bộ hành xử như côn đồ"

ngày 25/09/2013

Vụ việc tổng giám đốc một doanh nghiệp công ích tại Hà Nội đánh nhân viên phục vụ sân golf bất tỉnh khiến dư luận phẫn nộ. Đây không phải là lần đầu tiên một cán bộ Nhà nước có hành vi xúc phạm thể xác và tinh thần của nhân viên sân golf.

"Coi người phục vụ như rơm rác"

Trước đó, vào tháng 8/2012, một chuyên viên Văn phòng Quốc hội đã “tung chưởng” với nữ caddie tại sân golf Star Đại Lải, Vĩnh Phúc, khiến nhân viên này phải nhập viện. Vụ việc gây xôn xao dư luận và công an phải vào cuộc giải quyết. Ngày 15/9 vừa qua, ông Nguyễn Đức sơn, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội lại dùng gậy “putt” đánh vào đầu caddie Trương Tiến Công, khiến anh Công ngất xỉu.

Lên án hành động của vị tổng giám đốc, độc giả tại địa chỉ laihang…@gmail.com bình luận: Đây là hành động coi thường và xúc phạm thể xác con người, coi thường luật pháp. Đó là hành vi cố ý gây thương tích và làm nhục người khác. Cần phải xử lí hình sự vị tổng giám đốc này, bắt buộc bồi thường cho người bị hại.

Đồng tình với quan điểm trên, độc giả La_van_thao… @yahoo.com.vn cho rằng: Một cán bộ Nhà nước mà hành xử như côn đồ. Lãnh đạo Hà Nội nên chỉnh lại tư cách của ông ta, liệu có còn đủ uy tín để làm lãnh đạo một doanh nghiệp Nhà nước nữa hay không?

Mặc dù ông Nguyễn Đức Sơn giải thích rằng đây chỉ là hành động “vô ý”, “lỡ tay”, nhưng độc giả vẫn vô cùng bức xúc trước hành động phản cảm này.

Độc giả tại địa chỉ: dukluu…@gmail.com viết: Không thể chấp nhận lời giải thích của ông Sơn. Hành động của ông ta không phải là không may hay vô tình, mà đó là hành vi coi thường người dân lao động. Dù vụ việc xảy ra vào ngày nghỉ nhưng ông Sơn vẫn là một cán bộ công chức. Vì vậy, cơ quan Nhà nước cần phải kiểm điểm ông này.

Đánh NV sân golf:

Caddie không chỉ là người phục vụ, mà còn là người hướng dẫn khách chơi golf

“Không thể nói là vô tình mà phải nói là cố ý làm nhục, xúc phạm người khác. Nhiều golfer ỷ có tiền, coi người phục vụ như rơm rác. Nếu ai đã từng làm việc tại sân golf thì không lạ gì những golfer như thế này, khi sự việc trở nên nghiêm trọng thì kiếm cách chối tội”, độc giả phanvo…@gmail.com nói.

Độc giả anhnhu… @yahoo.com cũng cho rằng, ông tổng giám đốc này cậy có chức, có tiền, làm nhục người lao động: Đây là một biểu hiện của suy thoái đạo đức. Đáng ra, ông ta phải biết các caddie vất vả như thế nào. Có thể ông không phải là một người chơi golf giỏi, nhưng ít nhất ông cũng nên là một người chơi golf có văn hóa.

Độc giả hoanghai…@yahoo.com - Thành viên Câu lạc bộ Golf Hà Nội chia sẻ: Văn hóa golf là sự tổng hợp của nhiều yếu tố và tính cách của con người. Các tay golf lên sân là để rèn luyện sự bình tĩnh và kiên nhẫn. Nhưng trên thực tế, không ít trường hợp khi thua đã cay cú đến mức không làm chủ được bản thân và có cách hành xử “không giống ai”. Cho dù bạn có là một doanh nhân thành đạt, một chủ tịch tập đoàn hay một quan chức Chính phủ thì văn hóa golf vẫn là chuẩn mực, không thể bỏ qua khi lên sân. Hành động của vị tổng giám đốc này là không thể chấp nhận được, trái với văn hóa của người chơi golf.

“Các caddie không chỉ là người bạn đồng hành của golfer mà còn là người hỗ trợ họ khi gặp tình huống khó. Đối với caddy, không gì tuyệt vời hơn khi được đi cùng những vị khách cởi mở và trân trọng sự phục vụ của họ trên sân. Đơn giản vì họ coi caddie là bạn bè, không hề tỏ thái độ trịch thượng, chủ tớ. Tuy nhiên, nhiều golfer vì thua độ đã không tiếc lời mắng chửi, thậm chí quăng giày đinh, vung gậy trúng đầu caddy”, một caddie tâm sự.

Lương 10 triệu có đủ tiền chơi golf?

Trao đổi với PV sáng 23/9, ông Nguyễn Đức Sơn cho biết, lương của ông mỗi tháng gần 10 triệu đồng.

“Để có thể đi chơi golf, tôi phải chọn giờ giảm giá. Mỗi tuần chỉ dám đi một hoặc hai lần, tiền sân golf cho mỗi lần chơi khoảng trên dưới một triệu đồng. Đồ chơi golf của tôi cũng chỉ khoảng 30 triệu đồng/bộ, là đồ dành cho người mới chơi”.

Từ lời giải thích này, dư luận lại đặt câu hỏi: Là cán bộ công ích nhà nước, mức lương gần 10 triệu đồng, liệu có đủ để chơi môn thể thao quý tộc này không?

Bạn đọc tại địa chỉ duanlequang…@gmail.com cho biết: Lương 10 triệu/tháng, mỗi tuần chỉ đi 1 hoặc 2 lần thì 1 tháng cũng hết ít nhất 6 triệu, chưa kể tiền xăng, tiền ăn uống, tiền tip cho caddie. Ông này là tổng giám đốc một công ty công ích lấy tiền đâu mà mua thẻ golf mấy chục nghìn USD một năm nhỉ?

Đánh NV sân golf:

Golf - Sân chơi chỉ dành cho đại gia

Độc giả: tuan…@gmail.com khẳng định: Làm gì có giá trên dưới 1 triệu. Ngày 15/9/2013 là ngày Chủ nhật thì không có giá dưới 100 USD đâu ông nhé. Tôi đang tập chơi chỉ dám ra sân tập, chưa dám ra sân thật vì quá đắt ông ạ. Tiền đâu để ông chơi?

Đồng tình với ý kiến trên, độc giả quoctuan…@yahoo.com cũng cho rằng: Lương 10 triệu/tháng thì không thể có tiền chơi golf. Tính sơ sơ, mỗi buổi đi chơi golf mà tiền ai người đấy trả và không có thẻ hội viên thì phí không dưới 100 USD/buổi. Còn có thẻ hội viên thì cũng phải tầm 32-35 USD/buổi. Rồi đồ nghề chơi goft, ăn uống, tiền tip, phí di chuyển mỗi lần đi chơi golf cũng không phải ít. Nghe ông Sơn nói thì phải 60% người ở Hà Nội có thể đi đánh golf.

“Là một tổng giám đốc doanh nghiệp Nhà nước, mỗi tháng thu nhập 10 triệu đồng, không đủ chi tiêu trong gia đình, chứ đừng nói gì đến chơi golf. Để được chơi golf thì phải đóng góp khoản phí không nhỏ. Vậy vị tổng giám đốc này lấy đâu tiền và thời gian để đi chơi golf?”, bạn đọc hoangha…@yahoo.com.vn nói.

Độc giả ericsmith...@gmail.com - một golfer đặt câu hỏi với vị tổng giám đốc: Ông bảo ông chỉ đi đánh golf vào ngày giảm giá. Thưa ông, giảm giá chỉ có vào ngày làm việc (thứ 4, thứ 5 và tùy sân). Vậy ông nghỉ làm việc để đánh golf? Ông đánh golf vào ngày 15/9 là ngày Chủ nhật, giá hội viên ở sân Tam đảo cũng khoảng trên 2 triệu/ngày đó. Đâu phải ngày giảm giá.

Cho rằng một số cán bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải mất quá nhiều thời gian để chơi golf, làm ảnh hưởng đến công việc, năm 2011, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ra văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ về việc không tổ chức hoặc tham gia các giải golf để tập trung giải quyết công việc chuyên môn.

Những chức danh bị cấm chơi môn thể thao được coi là “mốt của quan chức” này gồm: Chủ tịch, thành viên hội đồng thành viên, chánh phó tổng giám đốc/giám đốc, chủ tịch công ty và tương đương tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ, lãnh đạo cấp vụ và tương đương trở lên thuộc diện bộ quản lý.

{fcomment}