Điểm sàn cao, trường lo thiếu nguồn tuyển

ngày 26/07/2019

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), số thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay hơn 887.000, giảm gần 40.000 so với năm 2018. Trong đó, chỉ tiêu sư phạm là 46.285, tăng hơn 30% so với năm ngoái.

Nguyện vọng xét tuyển vào sư phạm giảm

Về việc tăng chỉ tiêu sư phạm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, lý giải việc xác định chỉ tiêu năm 2019 theo nguyên tắc căn cứ vào nhu cầu của các tỉnh, các vùng miền và năng lực đào tạo của các trường. Năm 2019, dự báo nhu cầu giáo viên của các địa phương cao nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm tăng. Nếu năm ngoái khoảng 35.000 thì năm nay lên khoảng 46.000. Tổng chỉ tiêu năm 2019 đã xác định giao cho các cơ sở đào tạo giáo viên là hơn 46.000, đạt 73% nhu cầu của các tỉnh.

Trong khi chỉ tiêu sư phạm tăng thì số nguyện vọng xét tuyển vào các trường này lại giảm. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy ở hệ trung cấp có 7.702 chỉ tiêu nhưng chỉ có 444 thí sinh đăng ký xét tuyển, tỉ lệ chọi 1/0,06. Hệ CĐ có 17.512 chỉ tiêu thì có 17.281 thí sinh đăng ký xét tuyển, tỉ lệ chọi 1/0,99. Ở hệ ĐH, có 100.623 nguyện vọng đăng ký, trong khi có 22.019 chỉ tiêu, tỉ lệ chọi 1/4,6.

Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển tại Trường THPT Marie Curie (TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH

Điểm sàn mà Bộ GD-ĐT công bố (18 đối với hệ ĐH, 16 đối với hệ CĐ, 14 đối với hệ trung cấp) khiến nhiều trường lo lắng vì phải đối mặt với nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu. Năm 2018, điểm sàn ĐH sư phạm ở mức thấp hơn năm nay nhưng nhiều trường lao đao vì nguồn tuyển. Thống kê chung cho thấy các ngành sư phạm chỉ tuyển được chưa đến 70% chỉ tiêu, thấp hơn hẳn so với nhu cầu đào tạo của địa phương. Mức điểm sàn này cũng đẩy các trường CĐ sư phạm địa phương vào thế vô cùng khó khăn, còn các trường trung cấp thì gần như tuyệt vọng trong việc thu hút thí sinh. Một số trường CĐ sư phạm địa phương chỉ tuyển được vài sinh viên, thậm chí có trường đã nâng điểm chuẩn lên (từ 20 điểm), với mục đích đánh trượt thí sinh để đóng cửa lớp.

Lãnh đạo một trường ĐH sư phạm cho rằng để duy trì chất lượng đào tạo giáo viên, cần phải xác định điểm sàn. Nhưng Bộ GD-ĐT nên tính toán mức sàn hợp lý, vì với mức điểm sàn như năm nay, phần lớn các trường đào tạo sư phạm sẽ rất khó khăn về nguồn tuyển" - vị này cho biết. Ông cho rằng có thể tính toán mức điểm sàn thấp hơn nhưng có thêm điều kiện như ngưỡng điểm của môn thi liên quan đến ngành mà thí sinh sẽ theo học.

Khối sức khỏe trường tỉnh khó khăn

TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho hay ở nhóm ngành sức khỏe, Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn xét tuyển đối với ngành y khoa, ngành răng - hàm - mặt là 21 điểm cho tất cả tổ hợp xét tuyển, ngành dược học 20 điểm; y học dự phòng, hộ sinh, điều dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, phục hồi chức năng là 18 điểm không làm khó các trường ở TP nhưng sẽ khó khăn với các trường ở tỉnh. Ngay như năm 2018 khi đề thi khó thì mức điểm trúng tuyển ngành dược học ở Trường ĐH Công nghệ cũng trên 20.

Theo TS Nguyễn Quốc Anh, nếu xét trên bình diện chung cả nước để xét vào khối ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề thì 18 điểm là phù hợp hơn cho với trường ở tỉnh.

TS Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), cho rằng năm nay bộ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe theo xét tuyển học bạ phải loại giỏi, còn xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia với mức điểm sàn bộ vừa công bố thì chắc chắn các trường ĐH ở tỉnh sẽ gặp khó. Khó ở chỗ những thí sinh có kết quả tốt thì các em sẽ trúng tuyển ở những trường công lập có nhóm ngành sức khỏe như Trường ĐH Y Dược TP HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Nhiều thí sinh muốn học nhóm ngành sức khỏe thì điểm không đạt.

TS Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, nhận định với quy định điểm sàn xét tuyển học bạ và điểm sàn xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia như năm nay thì trường thật sự khó khăn. Ở đợt đăng ký tháng 4 cũng như xét tuyển bằng kết quả học bạ thì số đăng ký vào 2 ngành sức khỏe mà trường đang đào tạo là xét nghiệm y học, điều dưỡng không nhiều. Ông Sơn đề nghị khi đã cấp phép mở ngành cho các trường đào tạo thì phải cho nguồn tuyển vì các trường còn phải nuôi bộ máy của nhóm ngành này. Ngoại trừ ngành y đa khoa, các ngành còn lại không nên áp sàn mà cứ để cho các trường có nguồn tốt để tuyển sinh và đào tạo còn khi ra hành nghề thì cần một kỳ sát hạch để cấp phép, chứng chỉ hành nghề. "Chất lượng nguồn nhân lực không hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng đầu vào mà phụ thuộc vào quy trình đào tạo" - ông Sơn nói.

Nguồn: Báo NLĐ