Điểm danh các đại học xét tuyển đợt 2 hàng trăm chỉ tiêu

ngày 14/10/2020

Năm nay, bên cạnh những trường top đầu như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội… đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1 thì cũng còn nhiều trường phải xét tuyển bổ sung nhiều chỉ tiêu.

Điển hình là nhiều trường trong khối ngành kỹ thuật, xã hội đang phải tuyển bổ sung với hàng nghìn chỉ tiêu.

Cụ thể như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa thông báo tuyển thêm 780 chỉ tiêu. Học viện xét tuyển bổ sung theo 2 phương thức: dựa trên kết quả học tập năm lớp 12 và dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 hoặc kết quả thi THPT quốc gia các năm trước.

Hay Trường ĐH Điện lực xét tuyển bổ sung 8 ngành với 30 chỉ tiêu/ngành. Trường ĐH Lao động - Xã hội tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu.

Ảnh minh họa

Học viện Quản lý giáo dục cũng thông báo xét tuyển bổ sung 7 ngành đào tạo với mức điểm nhận hồ sơ từ 15 điểm trở lên.

Trường ĐH Xây dựng xét tuyển bổ sung 650 chỉ tiêu cho 12 ngành và chuyên ngành đào tạo với ngưỡng điểm từ 16 (riêng ngành quản lý xây dựng là 20 điểm).

Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM cũng công bố xét tuyển bổ sung bằng phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vào 16 ngành chương trình do trường cấp bằng và 10 ngành chương trình liên kết với ĐH nước ngoài.

Theo thông báo của trường, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cho các chương trình đào tạo do trường cấp bằng thấp nhất là 18, cao nhất là 22,5 điểm, tùy ngành; với chương trình liên kết quốc tế, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 18.

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng tuyển sinh bổ sung cho 14 ngành học với tổng chỉ tiêu là 756 em, mức điểm nhận hồ sơ chỉ từ 14 điểm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đây là mức điểm sàn thấp nhất trong mùa tuyển sinh năm nay của các trường ĐH trong đợt một vừa qua.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng đã có thông báo chính thức về việc xét tuyển bổ sung nhiều ngành đào tạo bậc ĐH hệ chính quy cho cơ sở TP.HCM bằng cả điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực.

Theo đó, trường này xét tuyển 5 ngành đào tạo thuộc chương trình đại trà gồm: IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, công nghệ hóa học, dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, quản lý tài nguyên môi trường.

Ngoài ra, trường xét tuyển bổ sung 3 ngành thuộc chương trình đào tạo chất lượng cao gồm: công nghệ thực phẩm, công nghệ hóa học, công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông.

Các ngành đại trà và chất lượng cao đều xét tuyển bổ sung theo 2 phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực.

Theo nhiều chuyên gia thì năm nay có nhiều thí sinh điểm cao nhưng chưa trúng tuyển ĐH đợt 1 nên các đợt xét tuyển sau chính là cơ hội cho các trường khó tuyển sinh có thể tuyển đủ chỉ tiêu mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào.

Còn bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện tại các trường được xét tuyển nhiều đợt trong năm, đợt 1 xét tuyển chung cũng chỉ là một trong nhiều đợt xét tuyển của các trường.

Các trường căn cứ vào số lượng thí sinh xác nhận nhập học, xem xét các chỉ tiêu tuyển sinh còn lại trong năm 2020 để quyết định có xét tuyển bổ sung nữa hay không ở các đợt tiếp theo.

Nếu xét tuyển bổ sung, các trường sẽ công bố chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ (lưu ý điểm nhận hồ sơ không thấp hơn mức điểm trúng tuyển đợt 1), thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển... và công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, các trường xét tuyển bổ sung phải đảm bảo điểm chuẩn các đợt sau không được thấp hơn đợt 1 và xét tuyển theo quy trình như đợt 1, xét điểm từ cao xuống thấp.

Thí sinh có thể căn cứ vào những thông tin này để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường (nộp tại trường, qua chuyển phát nhanh, hoặc theo quy định của từng trường); thí sinh cũng có thể nộp xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt khác nhau để xét tuyển.


Nguồn: Báo Infonet