Dạy con ý thức cộng đồng

ngày 28/08/2017

 Việc dạy cho trẻ ý thức nơi công cộng là việc làm vô cùng cần thiết trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Thế nhưng, đến lúc nào mới cần tập cho con ý thức cộng đồng, đặc biệt là những nơi công cộng?

Dạy con ý thức cộng đồng

“Trẻ con biết gì?”

Trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh trẻ cư xử thiếu văn minh như la khóc, trêu chọc, nói leo, nói trống không, không chào hỏi, chạy lung tung, la hét, tọc mạch, chen lấn, xô đẩy, phá phách đồ đạc của người khác hoặc nơi khác…

Chẳng hạn, một đứa bé ngồi trên xe đẩy theo bố mẹ vào siêu thị mua đồ. Đi ngang khu thực phẩm, bé bốc 1 trái táo ăn ngon lành. Cha mẹ chẳng những không rầy con còn cười tủm tỉm, khen bé “thông minh”?!. Và khi trái táo còn hạt thì người bố vứt ở quầy bán nước giải khát, xem như xong chuyện!

Một trường hợp khác trong công viên, một nhóm bé ngồi chơi với nhau, xung quanh có cha mẹ ngồi trông. Trong khi cha mẹ chúng huyên thuyên đủ điều thì các bé vô tư xả các loại vỏ trái cây, bao bánh mì ra bãi cỏ. Chúng còn lấy giấy báo xếp máy bay và thả lung tung trong công viên. Khi ra về, không ai thèm đoái hoài đến cái mớ hỗn độn do các bé để lại.

Nhiều phụ huynh cho rằng: “Trẻ con biết gì, đứa nào chả thế...”. Đây là câu cửa miệng mà người lớn thường đưa ra để biện minh cho những đứa trẻ có hành vi làm phiền người khác nơi công cộng. Vẫn có nhiều ông bố, bà mẹ trẻ nghĩ rằng đó chỉ là chuyện hết sức bình thường bởi con mình còn nhỏ. Nhiều người dễ tính nhìn thấy thì bỏ qua nhưng có người nghiêm khắc đã có lời nhắc nhở, góp ý khiến phụ huynh phật lòng, nảy sinh tranh cãi.

Cha mẹ phải làm gương

Theo TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội, việc dạy cho trẻ nhỏ ý thức nơi công cộng là rất cần thiết. Song điều này không phải bỗng dưng mà có được, cha mẹ cần tạo cho con những thói quen, những kỹ năng ngay từ khi còn ấu thơ để khi lớn lên những hành vi trở thành ý thức tự giác của trẻ.

Chẳng hạn, khi con đi ra quán xá hay đến nhà người khác chơi, cha mẹ nên yêu cầu con ngồi trên ghế, yên lặng để người lớn nói chuyện mà không chạy chơi lung tung. Điều đó sẽ giúp con không bị lạc, bị tai nạn do nghịch phá mà lại giữ được nét văn hóa, có giáo dục cho con.

Nếu vào siêu thị hoặc các trung tâm thương mại, cha mẹ nên dạy con kiên nhẫn xếp hàng đợi đến lượt mình. Không chen ngang, không xô đẩy, con cần phải biết nhường lối cho người khác để giữ an toàn và lịch sự.

TS Vũ Thu Hương cho rằng, cha mẹ phải làm gương cho trẻ. Nếu cha mẹ xem chốn công cộng giống như nhà mình, thoải mái nói chuyện điện thoại lớn tiếng; chiếm dụng ghế trống để đồ của mình trong khi người khác không có chỗ ngồi; ăn uống vứt rác bừa bãi, chửi tục; hút thuốc vứt tàn bừa bãi... thì trẻ sẽ nhìn vào đó để bắt chước và hình thành nên thói quen mất lịch sự nơi công cộng. Muốn con có thói quen tốt trước tiên cha mẹ cần nỗ lực làm “người mẫu” tốt.

Tại nơi có thang máy, chúng ta nên yêu cầu con sử dụng đúng cách và văn hóa. Tránh đường cho người bên trong ra trước hết rồi mới bước vào. Bấm tầng của mình và không nghịch các nút khác, tránh làm hỏng và rơi thang máy. Giữ trật tự trong khi di chuyển, đứng nép vào một bên cho người khác có chỗ đứng.

Nguồn GDTĐ