Đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng: Cần tính toán, tránh tạo gánh nặng với dân!

ngày 14/04/2018

Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng hiện nay thu nhập người dân vẫn còn mức thấp nhưng giá nhà đất nhiều nơi bị đẩy lên cao rất nhiều. Do vậy, việc đánh thuế tài sản cần phải được tính toán kỹ, tránh tạo gánh nặng cho người dân. 

Bộ Tài chính vừa đề xuất đánh thuế tài sản đối với đất ở và nhà.

Bộ Tài chính vừa đề xuất đánh thuế tài sản đối với đất ở và nhà.

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.

Bộ Tài chính giải thích cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.

Còn đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất.

Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) nêu quan điểm: Luật thuế tài sản là cần thiết. Tuy nhiên phải cân nhắc về thời điểm thực hiện, tính toán xem thu nhập người dân đang ở trình độ này thì thực hiện thế nào cho hợp lý và công bằng.

Ông Khánh cho rằng, có một vấn đề cần được xem xét kỹ đó là hiện nay thu nhập người dân vẫn còn mức thấp nhưng giá nhà đất lại cao, thậm chí nhiều nơi bị “đẩy” cao hơn nhiều lần so với giá trị thực tế. Do vậy đánh thuế tài sản như thế nào cần phải tính toán kỹ để tránh tạo nên gánh nặng cho người dân.

Theo ông Khánh, thuế tài sản ở nhiều nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì chắc chắn tỷ lệ này phải thấp hơn.

“Các mức thuế suất đưa ra phải được tính toán kỹ, những đối tượng nào khó khăn phải được miễn thuế cũng phải có, nếu có nhà nhưng làm không đủ ăn thì nộp thuế kiểu gì? Ở các nước khác cũng vậy người ta thu thuế nhưng những đối tượng khó khăn thì sẽ phải miễn hoặc có cách nào đó để bù trừ để đảm bảo tính công bằng xã hội”, ông Khánh nói.

Theo quan điểm của ông Khánh, một số nước có thu nhập cao nên họ áp thuế 1%, trong khi đó, thu nhập người Việt Nam còn thấp nên 0,3% cũng có thể là một con số phù hợp. “Nhưng muốn biết nó có thực sự hợp lý hay tạo nên gánh nặng đối với đại đa số người dân thì cần được xem xét, điều tra, tính toán với số liệu cụ thể chứ không thể nói khơi khơi được”, ông Khánh nói.

Cũng theo vị này, việc thu thuế ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn với người dân nên chắc chắn khi đưa ra sẽ vấp phải những phản đối không nhỏ. Do vậy, cần thiết phải đánh giá nó trong mối quan hệ với các thuế khác nhằm đảm bảo không có chuyện “thuế chồng thuế”, đảm bảo tính công bằng để thuyết phục người dân.

So với đề xuất đánh thuế nhà thứ 2 trở đi, ông Khánh cho rằng việc áp thuế đối với nhà đất theo phương án mới sẽ hợp lý hơn. Nếu đánh thuế nhà thứ 2 trở đi thì có một số bất cập bởi một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà mỗi nhà diện tích nhỏ lại bị ảnh hưởng.

“Hơn nữa, đánh thuế với căn nhà thứ hai sẽ khó khăn trong triển khai thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở”, ông Khánh nói.

Theo vị này, ở một số nước người ta không thực hiện đánh thuế chung mà áp thuế đối với nhà để không, mục đích tránh sự lãng phí. Hoặc cũng có những nước áp thuế để hạn chế ở những khu vực mật độ đã quá đông đúc hoặc những khu họ không muốn phát triển. Đây cũng là phương án hợp lý có thể xem xét.

“Điều quan trọng làm sao để việc thu thuế vừa có nguồn nuôi bộ máy vừa hạn chế được các vấn đề tiêu cực của xã hội, đồng thời phát huy những cái tích cực, mang lại lợi ích dài lâu cho đất nước”, ông Khánh nêu quan điểm.

Trước đề xuất áp thuế tài sản đối với nhà đất, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất tăng một loạt thuế khác như bảo vệ môi trường với xăng, tăng thuế VAT lên 12%... Trả lời câu hỏi với một loạt đề xuất tăng thuế như vậy có khiến người dân cảm thấy áp lực về thuế khoá quá nặng nề hay không, ông Khánh nêu quan điểm: Chắc chắn không thể tránh khỏi tâm lý đó. Do vậy khi đưa ra phải có những đánh giá tác động cụ thể, phải giải thích cho người dân bằng những lập luận rõ ràng, có căn cứ.

“Về nguyên tắc quản lý nhà nước phải đảm bảo làm sao kinh tế phát triển. Nếu đánh thuế quá nặng thì năng lực cạnh tranh doanh nghiệp sẽ bị giảm, khi người dân doanh nghiệp giảm năng lực cạnh tranh thì đương nhiên cạnh tranh quốc gia sẽ bị giảm. Do vậy bất kỳ có một chính sách thuế nào đưa ra cũng phải có những đánh giá vĩ mô trong một tổng thế nền kinh tế và với toàn bộ những thuế khác”, ông Khánh nhấn mạnh.

Theo ông Khánh, nếu xét về lợi ích lâu dài thì thuế tài sản là cần thiết. Loại thuế này mới nên bao giờ triển khai cái mới cũng sẽ gặp vô cùng nhiều khó khăn. Mà trước hết đó là vấp phải sự phản ứng của những đối tượng chịu thuế.

Tuy nhiên nếu về lợi ích lâu dài thì luật thuế này sẽ có những tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Đặc biệt đối với những người có ý định mua nhà để không, để đầu cơ thì họ sẽ phải tính toán lại. “Khi nhà đất được đưa về giá trị thực, bớt sốt nóng, tăng ảo thì người dân, nhà đầu tư sẽ chuyển từ kinh doanh bất động sang tập trung sản xuất kinh doanh hơn. Về mặt lâu dài thì là có lợi và cần thiết. Tuy nhiên trước mắt có thực hiện hay không và thực hiện thế nào thì phải nghiên cứu kỹ, có những đánh giá tác động”, ông Khánh nhấn mạnh.

Nguyễn Khánh

Nguồn Dân trí