Đánh mạnh đối tượng vi phạm hoạt động khai thác kinh doanh cát, sỏi

ngày 05/11/2019

Đại tá Nguyễn Văn Viện - Phó Giám đốc CATP Hà Nội

Đó là thông tin được Đại tá Nguyễn Văn Viện – Phó Giám đốc CATP Hà Nội nêu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết tình hình, kết quả thực hiện các kế hoạch của Bộ Công an về tăng cường phối hợp quản lý Nhà nước, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản do Bộ Công an tổ chức vào ngày 5-11.

Xây thế trận liên hoàn

Thông tin nhanh về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh tập kết cát sỏi trái phép trên tuyến sông và địa bàn giáp ranh thành phố Hà Nội, Đại tá Nguyễn Văn Viện cho biết, Hà Nội có 15 tuyến sông lớn, nhỏ các loại với tổng chiều dài 493,3 km, trong đó có 7 tuyến sông có hoạt động khai thác, nạo vét cát lòng sông, gồm: sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Công, sông Đáy, sông Cà Lồ và sông Cầu.

Do nhu cầu và lợi nhuận thu được từ các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản lớn, nên các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên cát, sỏi trên các tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Công... đặc biệt là tại các địa bàn giáp ranh giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh lân cận diễn biến phức tạp gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, bắt giữ và xử lý vi phạm; ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, làm biến đổi dòng chảy, sạt lở để điều, đất canh tác, bãi bồi ven sông trên địa bàn và các tỉnh lân cận.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và thành phố Hà Nội, trong những năm vừa qua, CATP Hà Nội đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh giáp ranh; các sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp, biện pháp tích cực; đồng thời, ban hành những văn bản chỉ đạo, tổ chức các hội nghị, chuyên đề bàn chủ trương, giải pháp, đối sách phòng ngừa, ngăn chặn đấu tranh với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Điển hình, CATP Hà Nội đã chỉ đạo phòng Cảnh sát môi trường chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát đường thủy và Công an các quận, huyện, thị xã có đường sông chảy qua, đặc biệt trong trường hợp cần thiết, tăng cường lực lượng Cảnh sát cơ động, tạo thế liên hoàn, chủ động tấn công trấn áp mạnh, không để các đối tượng có tư tưởng manh động, chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, công tác điều tra cơ bản, chủ động nắm rõ tình hình địa bàn, đối tượng, nắm vững từng phương tiện hoạt động trên địa bàn quản lý để làm tiền đề cho việc triển khai các phương án, biện pháp đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, theo hướng nhằm vào lợi ích kinh tế, làm mất khả năng, điều kiện tái hoạt động vi phạm pháp luật, như: tịch thu các tàu, thuyền hoặc sên, vòi, ống hút, cát, sỏi... Quá trình xử lý chủ động đấu tranh, khai thác, làm rõ hành vi vi phạm, các đối tượng liên quan để xử lý ở mức cao nhất nhằm nâng cao tính răn đe, phòng ngừa các đối tượng tái vi phạm.

Đáng chú ý, trên cơ sở quy chế phối hợp, CATP Hà Nội đã ký kết với Công an 8 tỉnh giáp ranh, gồm: Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam từ năm 2016 nên việc thông tin hai chiều được trao đổi kịp thời trong việc phối hợp triển khai các biện pháp kiểm tra, bắt giữ các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh để khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông.

Qua 3 năm (2016 - 2019) triển khai Kế hoạch của Bộ Công an về việc tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên sông và cửa biển và Kế hoạch của Bộ Công an về tăng cường phối hợp quản lý nhà nước đối với khoáng sản và đấu tranh với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông, CATP Hà Nội đã kiểm tra, bắt giữ gần 1.100 vụ, hơn 1.200 đối tượng, khởi tố 7 vụ, 7 đối tượng vi phạm, xử phạt hành chính hơn 33 tỷ đồng.

Vẫn còn khó khăn trong việc xử lý

Đồng thời, CATP Hà Nội cũng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý gần 500 trường hợp bến bãi tập kết vật liệu xây dựng ven sông vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa, đê điều, bảo vệ môi trường...

CATP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ truy quét "cát tặc" trên thượng nguồn sông Hồng

Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Văn Viện, trong quá trình thực hiện, triển khai công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên sông tại địa bàn Hà Nội vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, đó là những bất cập trong quy định của pháp luật.

Đại tá Nguyễn Văn Viện viện dẫn, sở dĩ CATP Hà Nội mới chỉ khởi tố được 7 vụ, 7 đối tượng trên tổng số gần 1.100 vụ được phát hiện, xử lý là do luật quy định phải chứng minh được hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, trong khi chưa có văn bản hướng dẫn về nội dung này; hoặc khối lượng cát hút được bán có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mới truy tố được theo Điều 227 BLHS. Nhưng thực tế 1 phương tiện chứa đầy cát được hút lên giá thị trường chỉ từ 9 đến 10 triệu đồng.

Do vậy, muốn xử lý được hình sự phải chứng minh các đối tượng bán được với số lượng gấp vài chục lần hoặc thu giữ được đầy đủ sổ sách, chứng từ, hóa đơn mua bán của đối tượng vi phạm.

Bên cạnh đó, việc phân định mốc giới, địa giới hành chính tại địa bàn giáp ranh giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận chưa kịp thời; sự thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trong cấp phép, quản lý, giám sát hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản còn chưa đạt hiệu quả dẫn đến cấp phép chồng lấn địa giới hành chính.

Các đối tượng thường lợi dụng việc cấp phép khai thác cát của các địa phương khác (hiện có 11 tổ chức được cấp phép khai thác khu vực giáp ranh với thành phố Hà Nội) để khai thác cát trái phép trên địa bàn Thành phố. Hiện nay, các lực lượng CATP Hà Nội được trang bị thiết bị định vị cầm tay, tuy nhiên, chỉ phục vụ mục đích tra cứu. Khi bắt giữ các đối tượng tại địa bàn giáp ranh, phải mời các đơn vị chức năng của hai địa phương để xác định mốc giới gây mất nhiều thời gian, khó khăn trong việc xử lý hành vi vi phạm…

“Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh tài nguyên, khoáng sản còn chồng chéo, lỏng lẻo; sự phân công, phân cấp trong kiểm tra, quản lý, giám sát... chưa thống nhất, chưa giao đơn vị chủ quản để quản lý tài nguyên, khoáng sản. Hiện có 4 cơ quan quản lý, gồm các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và UBND cấp tỉnh”, Đại tá Nguyễn Văn Viện cho biết.

Từ thực tế này, Đại tá Nguyễn Văn Viện cũng đề xuất Bộ Công an kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản. Đồng thời, nghiên cứu, giao trách nhiệm cho một đơn vị chủ quản, chịu trách nhiệm chính để quản lý về tài nguyên, khoáng sản; xây dựng quy hoạch tổng thể, thống nhất việc xác định cụ thể các mỏ, bãi được phép khai thác cát và phê duyệt các dự án nạo vét trên từng tuyến sông (nhất là trên tuyến sông Hồng) không phân định theo địa giới hành chính, đảm bảo các yêu cầu pháp luật, bảo vệ môi trường sinh thái và đê điều, tránh những xung đột pháp lý về công tác quản lý nhà nước giữa các tỉnh, thành phố có chung một tuyến sông.

Đồng thời đề xuất Bộ Công an giao Cục CSGT chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội và Công an các tỉnh giáp ranh thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý các vị phạm liên quan đến Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhất là các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm hành vi khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông; đặc biệt là các hành vi “bảo kê”, tiếp tay, bao che cho vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này…


Nguồn: Báo ANTĐ