Đan Mạch, Hy Lạp ra mắt 'Chứng nhận kỹ thuật số COVID-19'

ngày 29/05/2021

Ứng dụng của Đan Mạch mang tên Coronapas, do Bộ Y tế, Cơ quan Dữ liệu y tế Đan Mạch, Viện Huyết thanh Statens (SSI) và Cơ quan Số hóa Đan Mạch phát triển. Coronapas cung cấp thông tin về kết quả xét nghiệm và tiêm chủng bằng cả tiếng Đan Mạch và tiếng Anh.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch Nicolai Wammen, Coronapas có thể được sử dụng để đi lại trong châu Âu từ ngày 1/7 tới. Ứng dụng này được mô tả là một sáng kiến kỹ thuật số nhằm giúp hạn chế sự lây lan của COVD-19, "góp phần giúp người Đan Mạch có thể đi ra nước ngoài tự do hơn".

Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch Lars Sandahl Sorensen bày tỏ sự vui mừng khi Coronapas tương thích với chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 mà EU đang phát triển.

Cùng ngày, Hy Lạp cũng đã công bố chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của mình. Theo Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, chứng nhận này sẽ được mở cho tất cả người dân EU chậm nhất là vào ngày 1/7 và Hy Lạp sẽ nỗ lực để bắt đầu chương trình này sớm hơn thời gian trên.

Trong một phát biểu đưa ra tại Athens, Phó Chủ tịch EU Margaritis Schinas cho biết các quốc gia vốn phụ thuộc vào ngành du lịch ở châu Âu đều háo hức chờ đợi ngày ra mắt chứng nhận kỹ thuật số COVID-19. Đây là một minh chứng cho thấy châu Âu có thể hành động khi có sự đoàn kết, quyết tâm.

Hành khách xếp hàng tại cửa lên máy bay ở sân bay Brussels, Zaventem, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về "Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” (EU digital COVID certificate) - một công cụ được đề xuất với mục tiêu tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân EU và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7 tới sau khi được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua trong phiên họp toàn thể sắp tới.

Chứng nhận đang được kỳ vọng sẽ trở thành "chìa khóa" để mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch của EU này, gồm 3 nội dung là chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc COVID-19, cho thấy người sở hữu chứng nhận không gây lây lan dịch bệnh.

Cũng trong ngày 28/5, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-15. Đây là loại vaccine đầu tiên được EMA "bật đèn xanh" sử dụng cho trẻ em trong khối.

Trong một tuyên bố, EMA nêu rõ không có quan ngại lớn nào về việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ trong độ tuổi từ 12-15. Theo EMA, dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm cho thấy vaccine này phát huy hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa dịch bệnh ở lứa tuổi thiếu niên. Dự kiến, Đức sẽ bắt đầu tiêm vaccine này cho trẻ trong độ tuổi nói trên từ ngày 7/6 tới.

Mỹ và Canada cũng đã phê duyệt việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ trong độ tuổi từ 12-15.

Nguồn Tin Tức TTXVN