“Việt Nam đánh giá cao việc Mỹ đóng góp 4 tỷ USD cho chương trình COVAX và việc Tổng thống Joe Biden quyết định hỗ trợ bổ sung 80 triệu liều vaccine cho các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế”, Đại sứ Hà Kim Ngọc nói với Zing ngay sau khi Tổng thống Joe Biden công bố chi tiết việc chia sẻ 25 triệu liều vaccine đầu tiên - 7 triệu trong số này được dành cho các nước châu Á qua cơ chế COVAX, trong đó có Việt Nam.
Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh thời điểm chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố Việt Nam thuộc nhóm các nước đầu tiên nhận viện trợ vaccine trong tháng 6 này "rất có ý nghĩa".
Nội dung hợp tác mới, có ý nghĩa
Trước làn sóng Covid-19 thứ 4 đang lan rộng tại Việt Nam với các chủng virus nguy hiểm và lây lan nhanh chóng, Đại sứ Hà Kim Ngọc nói hỗ trợ của Mỹ giúp Việt Nam phân bổ kịp thời nguồn vaccine tới các lực lượng y tế đang căng mình chống dịch tuyến đầu và các nhóm đối tượng ưu tiên.
“Trước đây, Mỹ hỗ trợ chúng ta trong cuộc chiến chống Covid-19 và phục hồi kinh tế. Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhiều đại diện của chính quyền Mỹ chia sẻ mong muốn hỗ trợ Việt Nam vào thời khắc khó khăn này", Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết.
"Họ cũng nhớ lại khoảng thời gian chúng ta hỗ trợ vật tư y tế vào lúc Mỹ phải đối phó với các làn sóng dịch bệnh. Tôi cho rằng đây là nội dung hợp tác mới, rất có ý nghĩa trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ”, ông Ngọc nói thêm.
Đại sứ Hà Kim Ngọc cũng thông tin về nỗ lực của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ trong quá trình vận động nguồn cung vaccine.
Đại sứ cho biết ngay khi có chủ trương của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc vận động tiếp cận các nguồn vaccine Covid-19, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam trên thế giới khẩn trương, quyết liệt vận động các đối tác tiềm năng, trong đó có Mỹ.
Tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế… cũng vận động các cơ quan đại diện các nước liên quan.
Vận động qua nhiều kênh
Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tích cực triển khai vận động, làm việc với các đối tác ở Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế Mỹ, để Việt Nam được tiếp cận nguồn vaccine sớm nhất.
“Xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, cán bộ đại sứ quán tiến hành hàng chục cuộc gặp, điện đàm ở nhiều cấp, nhiều kênh, không kể ngày đêm. Chúng tôi làm việc với không khí của một chiến dịch thực sự, đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính 'quyết liệt, thần tốc'", Đại sứ chia sẻ với Zing.
Theo Đại sứ Ngọc, trong quá trình chuẩn bị trước đó, Mỹ có sự cân nhắc thứ tự ưu tiên hơn với các đối tác khác. Lý do là bởi tình hình dịch ở Việt Nam rất khả quan, có khả năng mua vaccine và đang trong quá trình thử nghiệm để sản xuất vaccine.
Tuy nhiên, khi Việt Nam gặp thách thức trước làn sóng dịch bệnh mới và hạn chế của Việt Nam trong tiếp cận nguồn vaccine, đặc biệt là sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chính thức gửi thư tới Tổng thống Biden, phía Mỹ ghi nhận và kịp thời điều chỉnh.
Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết đạt được thành công bước đầu như hiện tại là nhờ sự tham gia nỗ lực vận động ở cả Washington D.C và Hà Nội, cùng nhiều bộ, ngành của Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đang kinh doanh tại Việt Nam và một số cá nhân, tổ chức người Việt tại Mỹ.
Đại sứ đánh giá cao những đóng góp quan trọng và hiệu quả nói trên. Tuy nhiên, ông nói đây mới là kết quả bước đầu khi Mỹ dự kiến phân bổ 7 triệu liều vaccine cho nhóm 16 nước và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi đang tiếp tục thúc đẩy và mong muốn Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước đối tác trong cuộc chiến ứng phó với đại dịch vào thời điểm quan trọng này”, Đại sứ Ngọc cho hay.
Trước đó vào tối ngày 3/6, Việt Nam nằm trong nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ nhận được 7 triệu liều vaccine do Mỹ chia sẻ thông qua chương trình COVAX.
Chính quyền Mỹ cam kết đến cuối tháng 6, nước này sẽ chia sẻ khoảng 80 triệu liều vaccine với thế giới. Kế hoạch với 25 triệu liều vaccine là "gói" vaccine đầu tiên trong số 80 triệu liều này.
Theo tuyên bố đăng tải trên trang web chính thức của Nhà Trắng, 75% trong số 25 triệu liều vaccine (tức gần 19 triệu liều) sẽ được chia sẻ thông qua cơ chế COVAX.