Đại diện thương mại Mỹ ở Nga: Doanh-lợi ở Nga cực tốt

ngày 28/12/2019

Kinh doanh ở Nga có tỷ suất lợi nhuận ở mức cao nhất thế giới

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Công ty Tư vấn và Dịch vụ tài chính Deloitte cho thấy năm 2019 là một năm ấn tượng của các doanh nghiệp kinh doanh tại Nga, khi có tỷ suất doanh lợi ở mức cao nhất thế giới, The Moscow Times đưa tin.

Trước tiên, dựa trên phong vũ biểu của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Nga là thị trường hoạt động tốt hơn ở bất cứ đâu trên thế giới, khi chỉ số giao dịch bằng đô la Mỹ tăng hơn 40%, trong bối cảnh Nga chủ trương giảm giao dịch bằng USD.

Và điều này cũng giúp xác lập kỷ lục của mọi thời đại về giao dịch bằng đồng bạc xanh trên thị trường tài chính Nga, bao gồm cả thị trường tài chính sơ cấp lẫn thị trường tài chính thứ cấp.

Dựa trên các chỉ số thực tế về doanh lợi hệ thống doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp liên doanh liên kết và doanh nghiệp nước ngoài, thì hoạt động tại Nga cũng đạt những con số mơ ước so với bất cứ thị trường nào.

Giám đốc Điều hành Phòng thương mại Mỹ ở Nga Alexis Rodzianko

Năm 2019, lợi nhuận của hệ thống doanh nghiệp Nga tăng vọt - tăng tới 12% và đạt tổng mức giá trị lợi nhuận trên 15 nghìn tỷ ruble, tương đương hơn 340 tỷ USD, cao hơn tỷ suất lợi nhuận của bất cứ hệ thống doanh nghiệp quốc gia nào.

"Cho đến nay, Nga là nơi hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cực tốt. Thông điệp tôi luôn nghe thấy là Nga vượt qua Trung Quốc và châu Âu dựa trên lợi nhuận", Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ ở Nga Alexis Rodzianko nhận định.

Còn dựa trên tỷ trọng đóng góp vào quy mô GDP, lợi nhuận doanh nghiệp của Nga đóng góp khoảng 14% vào GDP của Nga, cao hơn gấp đôi mức của Trung Quốc, còn ở Mỹ cũng chỉ ở mức 8,5%.

Khảo sát của Công ty Tư vấn và Dịch vụ tài chính Deloitte cho thấy hệ thống doanh nghiệp đang hoạt động tại Nga tin tưởng mức doanh lợi cao của năm 2019 sẽ lặp lại trong năm 2020.

"Sự lạc quan của hệ thống doanh nghiệp đang ở mức cao thứ hai kể từ cuộc khủng hoảng năm 2014, khi 7/10 tiêu chí về doanh lợi của các doanh nghiệp sẽ tăng trong năm 2020.

Hầu hết ban lãnh đạo các doanh nghiệp đang lên kế hoạch tăng lương cho nhân viên. Kỳ vọng tuyển dụng ở mức cao nhất trong 5 năm khi số người không chắc chắn hay lo lắng cho tương lai đã giảm mạnh trong 18 tháng qua", báo cáo của Deloitte.

Có thể thấy, kinh tế Nga đã dần bước vào giai đoạn phát triển ổn định, các lĩnh vực kinh tế tài chính, kinh tế sản xuất, kinh tế dịch vụ và kinh tế tiêu dùng đã có nền tảng ổn định cho phát triển.

Kinh nghiệm vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 được cho là nền tảng quan trọng giúp chính phủ Nga có thể tương kế tựu kế để vượt cấm vận trong bối cảnh không thoát được cấm vận.

Theo giới phân tích, đây được nhận diện là cơ sở chính và nền tảng căn bản đảm bảo cho Moscow tự tin đón nhận trừng phạt, mà không phải có những nhượng bộ nhằm thoát cấm vận của Mỹ và phương Tây.

Bởi khi biện pháp trừng phạt thiết kết cho ngắn hạn phải áp dụng cho dài hạn không đã khiến cho nó giảm tác hiệu, mà ngược lại còn tạo ra những hiệu ứng tích cực cho kinh tế Nga. Tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp đạt mức cao đã chứng minh điều đó.

Năm 2019, kinh tế Nga đã có những chỉ số tích cực, trong đó có tỷ suất doanh lợi của vốn đầu tư

Washington đang tự xé lưới cấm vận-trừng phạt Nga

Còn nhớ, ngày 20/11, phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Tiếng gọi từ nước Nga, tổ chức ở Moscow, Tổng thống Putin đã cho rằng việc chính quyền Mỹ trừng phạt-cấm vận Nga chỉ là hành động 'tự bắn vào chân mình' của Washington mà thôi.

Theo nhà lãnh đạo Nga thì "những hạn chế mà Mỹ và đồng minh áp đặt lên Moscow từ khi Crimea tái hợp với Nga và cuộc xung đột Ukraine, đã tạo động lực cho Nga có bước tiến lớn trong thúc đẩy chủ quyền kinh tế và công nghệ", RT tường thuật.

Nhận định của nhà lãnh đạo Nga đương thời được cho là đã được giới đầu tư quốc tế đồng thuận, bởi theo một báo cáo của Tạp chí Forbes, trái phiếu của Nga hiện được coi là hấp dẫn hơn rất nhiều so với Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin còn cảnh báo, 'trừng phạt Nga đã gây ra hiệu ứng ngược, khi hàng trăm doanh nghiệp Mỹ bị cấm tham gia vào các dự án có tỷ suất lợi nhuận cao ở Nga hoặc mất tiền đầu tư vào Nga, vì quyết định đưa ra ở Washington".

Và trong trường hợp này, theo ông Putin, Nga đã trở thành chiếc áo chống đạn cho các nhà đầu tư Mỹ. Điều đó thể hiện qua chính sách của chính phủ Nga tạo lợi ích và bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư.

Giới phân tích cho rằng chiếc áo chống đạn Nga dành cho các nhà đầu tư là chiếc "áo lợi ích", được may bằng "tấm vải lợi ích" và "sợi chỉ chính sách" gia tăng và bảo toàn lợi ích cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Mỹ.

Các nhà đầu tư có thể tìm kiếm được "vải lợi ích" từ việc mở rộng cửa của chính phủ Nga, đang đạng hóa lĩnh vực và cách thức hợp tác-đầu tư, giúp các nhà đầu tư dễ dàng xúc tiến đầu tư và yên tâm thực hiện hoạt động đầu tư.

Vì vậy,"dù Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga từ năm 2014, nhưng các tập đoàn lớn của Mỹ, như Pepsi, McDonald's... vẫn luôn coi Nga là thị trường chiến lược vì có tăng trưởng lợi ích mạnh mẽ", theo Reuters.

Theo thống kê của Reuters, gần như trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ, từ công nghệ, hàng tiêu dùng, dược phẩm đến hàng không, vận tải đều có thực thể đầu tư tại Nga và luôn không muốn bị mất cơ hội khai thác lợi ích mang về cho nước Mỹ.

Trong khi đó, sợi chỉ chính sách của chính phủ Nga không những giúp tối đa hóa lợi ích, mà còn bảo toàn lợi ích cho các nhà đầu tư, từ đó tạo niềm tin và sức hấp dẫn với giới đầu tư quốc tế.

Tỷ suất lợi nhuận của hệ thống doanh nghiệp hoạt động tại Nga đạt mức cao nhất thế giới, dù nước Nga bị siết cấm vận

Chính phủ Nga áp dụng sách tài chính thận trọng, đảm bảo khả năng hỗ trợ của tài chính công với tài chính doanh nghiệp, thông qua ưu đãi thuế và các công cụ tài chính khác, giúp tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận của vốn đầu tư.

Chính quyền Tổng thống Putin không kích thích tăng trưởng dựa trên nợ vay, từ đó đảm khả năng thanh khoản cao trong các giao dịch, đồng thời giữ cho số đòn cân nợ của hệ thống doanh nghiệp luôn ở mức thấp, gia tăng hệ số an toàn cho vốn đầu tư.

Không những vậy, khi vốn đầu tư đổ vào Nga còn diễn ra quá trình lành mạnh hóa, giúp khả năng bảo toàn vốn đầu tư được nâng lên, và không chỉ với vốn đầu tư vào Nga, mà cả với nguồn vốn sở hữu chủ.

Theo giới phân tích, đây mới chính là nội dung thông điệp của Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ ở Nga Alexis Rodzianko, khi nhận định Nga là nơi hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cực tốt, chứ không chỉ là cực cao.

Chính hiệu ứng tích cực này từ xứ sở bạch dương đã tác động rất mạnh mẽ tới chính sách trừng phạt-cấm vận của chính phủ Mỹ, mà có thể nhận diện chính Washington dường như đang tự xé lưới trừng phạt-cấm vận.

Bởi cho đến nay tất cả các lệnh trừng phạt của Mỹ - dù đã được luật hóa - chưa bao giờ leo thang đến mức có thể khiến Moscow có thể làm khó các nhà đầu tư Mỹ, như đánh giá của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD).

Và tất cả các biện pháp trừng phạt của Mỹ chưa bao giờ nhắm đến thực thể là nhà nước Nga, mà chỉ được áp đặt đối với các lĩnh vực cụ thể, các tổ chức hay cá nhân cụ thể. Đây là lý do đầu tư của Mỹ vào Nga tăng mạnh, theo WB.

Tóm lại, chính quyền Tổng thống Putin đã tương kế tựu kế thành công, không những tối thiểu hóa tác hại của trừng phạt-cấm vận, ngược lại còn biến trừng phạt-cấm vận thành động lực cho nước Nga, từ đó tạo ra những thành quả tích cực, làm thay đổi dòng chảy lợi ích tại nước Nga và từ nước Nga.


Nguồn: Báo Đất Việt