Cuốn sách và triển lãm đặc biệt về chân dung 51 văn nghệ sĩ nổi tiếng

ngày 20/10/2020

Cuốn sách và triển lãm này nhằm giới thiệu 51 tranh chân dung văn nghệ sĩ mà Trần Thế Vĩnh mất khoảng 2 năm để hình thành.

51 chân dung gồm: Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Xuân Tiên, Lê Uyên Phương, Cung Tiến, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Ánh 9, Trúc Phương, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Hiến Lê, Trần Đức Thảo, Quang Dũng, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Bính, Nguyễn Bắc Sơn, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Minh Đức Hoài Trinh, Hàn Mặc Tử, Đỗ Long Vân, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Vũ Trọng Phụng, Trần Vàng Sao, Nguyễn Giá Trí, Vĩnh Phối.

Họa sĩ bên tác phẩm.

51 chân dung này được tác giả lựa chọn dựa trên một phác thảo mang tính cá nhân về những gương mặt tiêu biểu, xuyên suốt thế kỷ 20, trải dài từ Bắc chí Nam. Tiêu chí chọn nhân vật của họa sĩ Trần Thế Vĩnh đó là: tác phẩm của họ phải tạo được cảm hứng cho Trần Thế Vĩnh vẽ, nên Vọng có thể “sót” nhiều người, nhưng vẽ ai thì đều xuất phát từ sự đồng điệu.

Vẽ nhân vật là người nổi tiếng, nên họa sĩ cần đọc, nghiên cứu tác phẩm của họ trước khi vẽ. Trần Thế Vĩnh chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng vẽ, và thường vẽ vào buổi chiều đến đêm khuya. Vẽ cần sự tĩnh lặng bên trong lẫn bên ngoài và cùng với đó là sự nhập tâm. Dù trước lúc ấy, tôi đã đọc và nghiên cứu nhiều tác phẩm của họ, hiểu thơ ca và tư tưởng, nhưng khi vẽ, tôi quên mọi ngôn ngữ ấy đi để tập trung vào ngôn ngữ của chính mình. Không áp đặt. Vẽ trong vô thức. Và chính lúc này là khoảnh khắc diệu kỳ tạo nên trạng thái thăng hoa để đạt được một tác phẩm tốt”.

Trừ họa sĩ Vĩnh Phối là thầy dạy ở đại học, còn lại Trần Thế Vĩnh chưa gặp bất kỳ ai trong 50 nhân vật, vài người đã qua đời trước khi cha mẹ của Vĩnh sinh ra. Nên ký ức của Vĩnh là những dư âm từ lịch sử, từ sách vở, từ tinh thần văn nghệ, từ sự ngưỡng mộ… được truyền lưu qua năm tháng.

Bằng trí nhớ gián tiếp, sự tưởng tượng dạt dào, cũng như kiến văn tự thân, Vĩnh đã thành công trong việc lột tả thần thái. Chính điều này làm cho các tranh chân dung - mới nhìn tưởng giống nhau - nhưng lại có được hồn cốt riêng và câu chuyện sâu sắc.

Trần Thế Vĩnh quan niệm: “Vẽ chân dung là một chủ đề cơ bản của bất cứ ai khi bước chân vào nghiệp họa sĩ. Nhưng cái khó nhất của vẽ chân dung là lấy được thần thái của nhân vật. Khi bạn nhìn thấy ánh mắt Bùi Giáng trông như mắt thật, ấy chính là linh hồn tranh. Phải nghiên cứu về họ, đọc về họ, thấu cảm với họ, tôi mới có thể vẽ họ sống động như thế theo cách riêng của mình”.

Trần Thế Vĩnh bên chân dung Bùi Giáng.

Trần Thế Vĩnh còn trẻ, anh sinh năm 1986, người làng Phúc Lộc (xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), hiện sống tại Sài Gòn. Từ khi 3-4 tuổi đã đắm say hội họa, luôn cầm phấn sáp nguệch ngoạc khắp nơi. Cha Vĩnh là thợ vẽ trang trí, nên anh thừa hưởng truyền thống nghệ thuật của cha mình, say mê sắc màu, học hỏi theo cha, hầu như ngày nào cũng tập vẽ. Lớn lên, theo tiếng gọi mỹ thuật nồng nàn, Vĩnh chọn hội họa tại Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế.

Từ năm 2005 đến nay, anh có khá nhiều triển lãm mỹ thuật nhóm và cá nhân tại TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội và Hàn Quốc.


Nguồn: Báo Người Đô Thị