Công dụng sừng tê giác: Âm mưu tiếp thị

ngày 29/07/2013

Theo báo cáo của Tổ chức bảo vệ động vật Traffic, "công dụng chữa bệnh của sừng tê giác được ghi nhận tại Việt Nam thực tế là một âm mưu tiếp thị".

 

 

Tận diệt một loài sinh vật quý để phô trương

Theo báo cáo khảo sát công bố ngày 23/7 của Tổ chức bảo vệ động vật Traffic, nhu cầu từ Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ nạn buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác, châm ngòi cho một thị trường bùng nổ hàng hóa xa xỉ và tạo ra hành vi tiêu dùng nhằm mục đích phô trương.

Theo đó, nhóm người tiêu dùng này thường sử dụng sừng tê giác mà không có lời khuyên của bác sĩ. Họ dùng những thứ hiếm và đắt tiền để "phô trương sự giàu có, địa vị và thành công" với bạn bè và cộng đồng. Có hẳn một ngành công nghiệp phụ trợ cung cấp những chiếc đĩa có mặt ráp dùng để mài sừng tê cũng là điều chỉ có duy nhất tại Việt Nam!

Tiến sĩ Naomi Doak - Trưởng đại diện của Tổ chức Bảo vệ động vật Traffic tại VN nhận định: Những người này cảm thấy mình có vị thế tốt và được những người có cùng vị thế xã hội ngưỡng mộ khi được sở hữu sừng tê giác.

Công dụng sừng tê giác: Âm mưu tiếp thị, Tin tức trong ngày, sung te giac, sung te giac khong co tac dung chua benh, chua benh bang sung te giac, thuoc y hoc lam tu sung te giac, tin tuc, tin nhanh, tin hot, vn

Mài sừng tê uống (Ảnh: Justinmott.photoshelter.com)

Cũng trong báo cáo, Tổ chức này khẳng định: Việc sử dụng sừng tê giác như một loại thuốc y học cổ truyền từ lâu đã bị giới truyền thông phương tây bóc trần như một "đặc tính lừa gạt" của thương mại. Vì vậy, "công dụng chữa bệnh của sừng tê giác được ghi nhận tại Việt Nam thực tế là một âm mưu tiếp thị" nhằm tăng khả năng sinh lời cho các hoạt động buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp.

Báo cáo chỉ ra rằng, giới nhà giàu VN còn sử dụng thứ quà tặng đắt tiền này như một phương tiện để "tìm kiếm sự ưu ái" từ nhân vật quyền lực có ảnh hưởng tới công việc của họ. Do đó, sừng tê giác cũng hiển nhiên được chào hàng, được mua bán như một loại quà tặng giá trị cao và thể hiện đẳng cấp. Biếu quà là bằng chứng cho thấy sừng tê giác đôi khi còn được sử dụng như một loại tiền tệ được chấp nhận cho những mục đích xa xỉ.

Ở Việt Nam, nhu cầu tiềm ẩn đối với sừng tê giác là rất lớn. Nhu cầu này xuất hiện ở giới sắp giàu, họ mong muốn được sở hữu ít nhất một chiếc sừng tê giác trong nhà ngay khi đủ khả năng tài chính để có thể chứng minh đẳng cấp - Đại diện Tổ chức Traffic chia sẻ về kết quả khảo sát nhóm người mua đối với mặt hàng nhạy cảm này.

Trưởng đại diện Traffic – Tiến sĩ Naomi Doak nhận xét: Sở thích phô trương của một số người có tiền đang khiến Việt Nam trở thành điểm đến và tiêu thụ sừng tê giác hàng đầu thế giới. Ở đất nước Australia của bà, khi nhận được một món quà bất hợp pháp như sừng tê là một điều đáng xấu hổ. "Chúng tôi không bao giờ làm như vậy" – Bà Naomi nói.

Công dụng sừng tê giác: Âm mưu tiếp thị, Tin tức trong ngày, sung te giac, sung te giac khong co tac dung chua benh, chua benh bang sung te giac, thuoc y hoc lam tu sung te giac, tin tuc, tin nhanh, tin hot, vn

Đĩa mài sừng tê (nguồn: AP)

Tê giác đang gần như tuyệt chủng!

Hầu hết những người được hỏi không biết rằng khi bị lấy sừng, tê giác đã chết. Họ cứ tưởng rằng sừng bị cưa đi khi tê giác vẫn còn sống. Đây là một nhận thức sai lầm. Có nên hủy diệt một loài sinh vật chỉ để thỏa mãn sở thích vô lý của con người như vậy hay không? Tê giác đang gần như tuyệt chủng! – Vị đại diện Tổ chức Bảo vệ động vật Traffic cảnh báo.

Tại Việt Nam, tất cả các hoạt động buôn bán sừng tê giác đều bị coi là bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo nhận định của Traffic, Việt Nam thiếu một hệ thống đáng tin cậy để theo dõi và mở các cuộc điều tra trên diện rộng các vụ buôn bán bất hợp pháp này. Cùng với đó, nhu cầu phô trương đẳng cấp trong xã hội Việt Nam đang là yếu tố khiến Việt Nam thành quốc gia trung chuyển và tiêu thụ sừng tê giác bất hợp pháp lớn nhất thế giới, đẩy tình trạng săn bắn tê giác lên mức báo động.

Tiến sĩ Naomi Doak cho rằng, Việt Nam là một quốc gia vừa trung chuyển, vừa tiêu thụ sừng tê giác lớn. Nhưng Việt Nam cũng đã ký kết nhiều công ước quốc tế bảo vệ động vật. "Việt Nam cũng cần có trách nhiệm đấu tranh chống lại việc trung chuyển sừng tê giác, bảo vệ cân bằng sinh thái toàn cầu” – Bà khẳng định.

 

 

Lưu Thủy (Khampha)

 

 

{fcomment}