Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã dừng thi công 18 tháng nay. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là một trong những điển hình yếu kém trong đầu tư xây dựng. Mặc dù không thiếu tiền, nhưng dự án này giải ngân rất chậm, không có công nhân làm việc.
Tiền không thiếu vẫn chậm tiến độ 18 tháng, vì đâu?
Trong khi các bệnh viện đang chịu sức ép lớn vì quá tải thì các dự án bệnh viện lớn lại có tình trạng chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực. Điều đáng nói là có vốn đầy đủ và nguồn đất sạch, nhưng việc xây dựng vẫn ì ạch.
Tại cuộc họp hôm 24/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, việc triển khai các dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã dừng thi công 18 tháng nay.
“Đây là một trong những điển hình yếu kém trong đầu tư xây dựng, mặc dù rất bức thiết, bệnh viện thì quá tải, người bệnh thì khổ sở, Nhà nước tập trung toàn lực vào đây, không thiếu tiền, nhưng dự án này giải ngân rất chậm, không có công nhân làm việc”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Liên quan đến 2 dự án này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới đây cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai cũng như nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên.
Bộ Y tế cho biết, tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 là 4.990 tỷ đồng; Bệnh viện Việt Đức là 4.968 tỷ đồng, sau đó Chính phủ phân bổ cho mỗi dự án là 4.050 tỷ đồng, còn lại 10% dự phòng chưa được phân bổ.
Đối với dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai: Liên danh nhà thầu Tổng công ty 36 – Tổng công ty 319 – Tổng công ty Thành An trúng thầu gói thầu khối nhà chính; Liên dành Thành Đạt – Vinaconex 25 trúng thầu gói thầu hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà và một số nhà thầu khác.
Đối với Dự án cơ sở 2 bệnh viện Việt Đức: Liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP và Công ty CP Hồng Hà Việt Nam trúng thầu gói thầu xây dựng khối nhà chính; Liên danh Thành Đạt – Vinaconex 25 trúng thầu gói thầu hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà và một số nhà thầu khác.
Nhà thầu thiết kế kiến trúc của cả 2 dự án là Công ty VK (Bỉ).
Dự án được khởi động vào 24/2/2015, chính thức thi công vào tháng 5/2015. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã triển khai được 3 năm. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, dự án đã chậm tiến độ khoảng 18 tháng và đã báo cáo Thủ tướng xin kéo dài thời gian thực hiện đề án 125 đến hết năm 2019 cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ Y tế cũng đã có quyết định điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án vào 12/2018 và quyết toán dự án vào 2019.
Báo cáo về nguyên nhân chậm tiến độ dự án, Bộ trưởng Y tế cho rằng, kế hoạch tiến độ của các dự án theo Đề án 125 đặt ra 2-3 năm là quá ngắn, rất khó thực hiện và không thể hoàn thành trong 3 năm được vì thực tế thời gian triển khai các dự án xây dựng bệnh viện lớn, hiện đại từ lúc chuẩn bị đầu tư, khởi công và hoàn thành thường 5-7 năm.
Thứ hai, thời gian đặt ra cho công tác thiết kế quá ngắn (6 tháng); không đủ thời gian hoàn thành nên phải kéo dài thời gian.
Cũng theo Bộ Y tế, nhà thầu tư vấn thiết kế kiến trúc VK (Bỉ) triển khai cùng một lúc 2 dự án bệnh viện lớn nên chưa đáp ứng với yêu cầu tiến độ, nhân lực, tài chính của các nhà thầu cũng gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, thời gian cho công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật – dự toán kéo dài nên phải chờ đợi lâu do việc chuyển đổi giữa Luật Xây dựng cũ và Luật Xây dựng mới.
Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình. Đến tháng 10/2017, Bộ Xây dựng đã thẩm định xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật hạng mục cơ điện, hạ tầng, xử lý nước thải, xây lắp công nghệ thông tin. Phần dự toán các hạng mục này đang được thẩm tra, thẩm định.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình. Đến nay, do chưa có dự toán được thẩm định nên Bộ Y tế vẫn đang rà soát để phê duyệt thiết kế các hạng mục còn lại của dự án.
Thứ 4, do thay đổi tổng mức đầu tư từ 5.000 tỷ đồng/dự án giảm xuống còn 4.050 tỷ đồng/dự án nên phải điều chỉnh thiết kế để giảm tổng mức đầu tư.
Cuối cùng, do công tác giải ngân thanh toán tại Kho bạc Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn do đã có khối lượng hoàn thành nhưng chưa có dự toán được phê duyệt, nên chỉ giải quyết thanh toán đến 50% giá trị khối lượng hoàn thành, dẫn đến nhà thầu bị khó khăn về tài chính làm ảnh hưởng đến công tác triển khai thi công hiện trường, mặt khác các quy định về bảo lãnh tạm ứng, thanh toán cũng gây khó khăn cho nhà thầu và chủ đầu tư.
Vướng khó khăn, Bộ Y tế xin cơ chế đặc thù
Trước thực tế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù trong thẩm định, phê duyệt thiết kế, thi công, thanh toán hợp đồng để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Cụ thể như Dự án thực hiện vừa thiết kế, vừa thi công theo từng phần, từng giai đoạn của công trình. Thẩm định, phê duyệt thiết kế trước để triển khai thi công ngay, thẩm định, phê duyệt dự toán triển khai sau.
Thi công ngay theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm tra, thẩm định và giao trách nhiệm cho chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu nghiệm thu tuân thủ đúng thiết kế được phê duyệt.
Thực hiện thanh toán theo khối lượng theo thực tế thi công và giá hợp đồng sẽ được điều chỉnh trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Đồng thời kiến nghị cho phép kéo dài tiến độ của Đề án đến hết năm 2019; dự án khánh thành khu khám và điều trị ban ngày vào 12/2018, hoàn thành tổng thể và quyết toán dự án trong năm 2019.
Bộ Y tế cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế đẩy nhanh thời gian thẩm định thiết kế, dự toán và giám định chất lượng công trình.
Về công tác giải ngân, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết: Tại dự án cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai, luỹ kế vốn đã giải ngân đến 10/5/2018 là 1.752 tỷ đồng trên tổng số vốn đã cấp là 2.285,8 tỷ đồng; đạt tỷ lệ 76,66%.
Dự án cơ sở 2 bệnh viện Việt Đức: Luỹ kế vốn đã giải ngân đến 10/5/2018 là 1.630 tỷ đồng trên tổng số vốn đã cấp là 2.134,6 tỷ đồng; đạt tỷ lệ là 76,36%.
Ngoài 2 dự án bệnh viện trên, được biết Bộ Y tế còn 8 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, trong đó có 3 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư là Bệnh viện Nhi cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Y tế (cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) là bộ có tiến độ giải ngân rất chậm, “chậm nhất toàn quốc”.
Nguyễn Mạnh
Nguồn Dân trí
-
Bốn chuyên gia Nhật cùng ngư dân ra khơi bắt cá ngừ
-
Đỗ xe không đúng quy định bị phạt gần 600 triệu đồng
-
May mắn thoát chết khi bị sét đánh nhờ áo ngực
-
Tuấn Tú: Sau Những ngày không quên, khán giả sẽ càng ghét tôi trong Lựa chọn số phận
-
Jack Ma: Chiến tranh nổ ra nếu như thương mại chấm dứt
-
Người đàn ông Hy Lạp òa khóc vì không rút được tiền
-
Nước chấm công nghiệp, mì tôm chứa phụ gia gây ung thư?
-
Toyota Wigo 2020 rao bán 1,2 tỷ ở TP HCM nhờ biển 'thần tài'
-
Đồng hồ Candino C4595/1 - Tuyệt tác dành cho quý cô thành đạt
-
Người bệnh nào có nguy cơ cao mắc hội chứng hậu COVID-19?