Cơ hội để nguồn vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông

ngày 16/05/2022

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố được Quốc hội thông qua là 142,5 nghìn tỷ đồng.

Nguồn kinh phí này chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025, hoàn toàn không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách trong giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các dự án giao thông trọng điểm khác trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã được UBND Thành phố phê duyệt.

Tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng mạnh đến nguồn thu dự kiến cho ngân sách, nhưng trong giai đoạn hiện nay Thành phố vẫn đang ưu tiên nguồn vốn ngân sách để đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh nên nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn rất khó khăn.

Phương tiện qua cầu Thủ Thiêm 2, cây cầu được đầu tư bằng vốn tư nhân.

Với các đồ án đã được phê duyệt, hệ thống GTVT của TP Hồ Chí Minh sẽ có đầy đủ các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa của toàn vùng Nam Bộ đi các vùng, miền khác trong nước và quốc tế. Vì vậy, mục tiêu Thành phố đặt ra là đến năm 2025 tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn Thành phố đạt 2,5km/km2. Đến năm 2030, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 17,8%, mật độ đường giao thông đạt 3,1km/km2.

Cùng với các mục tiêu trên, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cho giai đoạn 2021- 2025 lên đến 533 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Thành phố khoảng 218 nghìn tỷ đồng, các nguồn vốn khác là 315 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2026-2030, Thành phố tiếp tục cần hơn 437 nghìn tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng giao thông. Để giải quyết thực trạng thiếu vốn đầu tư trên, TP Hồ Chí Minh đã tập trung đẩy mạnh việc xúc tiến, mời gọi đầu tư nguồn lực từ khu vực tư nhân, tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm trong và ngoài nước và các nguồn lực phù hợp khác.

Ông Lâm cho biết, Sở GTVT cũng đã rà soát, lập danh mục dự án ngành GTVT dự kiến mời gọi đầu tư trong giai đoạn 2021- 2025. Đồng thời đề xuất UBND Thành phố các cơ chế, chính sách cũng như kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn giai đoạn 2021-2030, trong đó có các dự án lớn về phát triển hạ tầng giao thông. Để tăng cường năng lực giao thông khu vực và liên kết vùng, TP Hồ Chí Minh đã mời gọi đầu tư vào tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài với chiều dài 50km, đoạn chạy qua địa bàn Thành phố có chiều dài 25km. Trong tổng số vốn đầu tư lên đến gần 16 nghìn tỷ đồng, ngân sách Nhà nước tham gia đầu tư phần đền bù, giải tỏa mặt bằng với số tiền 7,4 nghìn tỷ đồng, phần vốn còn lại do tư nhân đầu tư.

Nằm trong nhóm dự án tăng cường năng lực giao thông và liên kết vùng còn có tuyến Vành đai 3 đoạn chạy qua địa bàn TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 47km. Tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An từ các huyện Hóc Môn, Củ Chi với chiều dài gần 20km, đoạn chạy trên địa bàn Thành phố có chiều dài 10 km, mặt đường rộng 40m hiện cũng đã được đưa ra mời gọi đầu tư. Ngoài ra, dự án có vốn đầu tư lớn như đường Vành đai trên cao tuyến số 5 nối huyện Hóc Môn, quận 12, Bình Tân và TP Thủ Đức với chiều dài 34 km, quy mô 4 làn xe, mức vốn đầu tư 15,4 nghìn tỷ đồng; Dự án kéo dài tuyến metro số 2 từ bến xe Tây Ninh đến khu Tây Bắc Củ Chi với mức vốn đầu tư dự kiến lên đến 59,7 nghìn tỷ đồng hiện cũng đã được đưa ra mời gọi đầu tư…

Về giao thông đường thủy, dự án nối tắt và liên kết tuyến thủy nội địa vùng Đồng Bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh, Bình Dương với số vốn đầu tư 4,5 nghìn tỷ đồng để cải tạo một loạt tuyến kênh rạch lớn cũng được đưa ra mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về đô thị, đặc điểm cao độ địa hình, địa chất của TP Hồ Chí Minh có nguy cơ chịu tác động rất lớn từ tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Thành phố cần nghiên cứu bổ sung quy hoạch giao thông, đô thị, như tuyến đường ven sông Sài Gòn kéo dài từ cầu Sài Gòn đến Bến Súc, huyện Củ Chi để kết nối vào Quốc lộ 22, cao TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, quốc lộ 13, tỉnh lộ 8. tuyến đường này sẽ tạo đà phát triển đô thị khu vực Tây Bắc Thành phố, cả huyện Trảng Bàng - tỉnh Tây Ninh, huyện Bến Cát - tỉnh Bình Dương và huyện Đức Hòa - tỉnh Long An.

Góp ý về việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã nhận xét, hiện các đô thị tại vùng Đông Nam bộ đều đã hình thành nhưng vẫn chưa gắn kết được vì không có giao thông kết nối dẫn đến đô thị không phát triển. Tắc nghẽn giao thông đã ảnh hưởng rất lớn và việc này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp hiện đang phải tốn chi phí logistics cao hơn bình thường. Chẳng hạn chi phí vận chuyển hàng hóa từ cảng Cái Mép - Thị Vải đi Tây Ninh còn cao hơn đưa hàng từ Trung Quốc về cảng Cái Mép. “Kinh tế vùng Đông Nam bộ tăng trưởng chậm là do hạn chế của hạ tầng giao thông. Do đó, TP Hồ Chí Minh cần mạnh dạn đề xuất để thay đổi cách làm về hạ tầng hơn nữa”, Phó GS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh cần bổ sung quy hoạch cầu vượt biển Cần Giờ, nối Cần Giờ với TP Vũng Tàu và làm đường ven biển phía Đông, từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Kiên Giang.

“Đối với đường sắt, cần bổ sung tuyến đường sắt chuyên dụng chở hàng hóa trên cao, kết nối ga Sóng Thần - cảng Cát Lái - cảng Cái Mép - Thị Vải - cảng Hiệp Phước để tách dòng xe container, xe tải nặng di chuyển trong đô thị gây ùn tắc giao thông như hiện nay”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố đề nghị.

Nguồn: https://cand.com.vn/giao-thong/co-hoi-de-nguon-von-tu-nhan-dau-tu-vao-ha-tang-giao-thong-i653809/