Chuyên gia: `Việt Nam thừa sức làm ra ốc vít nhưng để làm gì`

ngày 02/11/2014

Không chỉ riêng ốc vít, Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao nhưng vấn đề làm ra để làm gì. Nếu không xác định được vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu thì doanh nghiệp nội chỉ theo “đuôi” nhu cầu thế giới.

Tại Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải từ sản phẩm Việt” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức 1/11, một lần nữa câu chuyện Việt Nam có làm được con ốc vít hay không lại được các doanh nghiệp “xới” lên.

Tập đoàn Công nghệ cao Bkav mang đến diễn đàn mô hình Smart Home như một minh chứng đầy đủ doanh nghiệp nội có thể làm ra những sản phẩm công nghệ cao 100% “Made by Vietnam”.

Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav cho biết khi tiến hành làm vỏ một số sản phẩm, Bkav đã đặt hàng gia công trong nước. Khi có sản phẩm, công ty đã xem xét và thấy rằng nhiều yếu tố chưa đạt yêu cầu nên đề xuất các doanh nghiệp tiếp tục chỉnh sửa. Sau một số lần góp ý, cuối cùng một chiếc vỏ thiết bị hoàn hảo cả về hình thức, chất lượng, giá cả đã hoàn thành.

“Điều này cho thấy Việt Nam hoàn toàn sản xuất được những thiết bị phụ trợ công nghệ cao. Nhưng điểm yếu nhất là các doanh nghiệp không khắt khe trong các tiêu chuẩn sản phẩm”, ông Thắng cho hay.

congnghiephotro317-copy-6468-1414895849.

Theo tiến sĩ Vũ Đình Ánh, doanh nghiệp nội nên tập trung làm bao bì thật tốt thay vì loay hoay làm ốc vít.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thăng Long Tech cho rằng, sự ngạc nhiên của cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp trước yêu cầu của Samsung về con ốc vít cho thấy sự loay hoay của Việt Nam.

Theo ông Tuấn, một thời gian dài doanh nghiệp nội quen với tư duy cái gì cũng làm được, sau khi kinh tế mở cửa mới nhận ra có quá nhiều thứ mà Việt Nam không thể làm được. Một phần do chính sách trải thảm cho các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào đã vô tình khiến doanh nghiệp trong nước mất niềm tin vào khả năng chính mình.

“Với câu chuyện con ốc vít thì câu trả lời ‘tôi làm được’ không quan trọng bằng việc ‘tôi làm như thế nào’. Một chiếc Iphone 6 nếu quyết tâm doanh nghiệp trong nước vẫn làm được. Nhưng làm theo kiểu chế tác hay công nghệ cao, nếu chọn cách làm chế tác thì nên đi sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ”, ông Tuấn bày tỏ.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng không nhất thiết cái gì cũng cần đẳng cấp quốc tế. Việt Nam thừa sức làm ra ốc vít nhưng để làm gì. “Samsung họ hỏi doanh nghiệp có làm được không không có nghĩa khi làm ra rồi họ sẽ mua của mình, vì còn rất nhiều vấn đề trong câu chuyện này”, ông Ánh nói.

Nhìn ở góc độ tích cực PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển doanh nghiệp cho biết bất kỳ sinh viên kỹ thuật ở một trường đại học của Việt Nam cũng có thể trả lời được Việt Nam đủ khả năng sản xuất. Nhưng vị Phó giáo sư cũng thừa nhận chắc chắn chẳng có doanh nghiệp nào sẵn sàng đầu tư để sản xuất ra một mớ ốc vít đạt chuẩn nhưng chẳng biết lắp vào đâu, dùng vào việc gì.

Thực tế cho thấy, hiện không ít doanh nghiệp trong nước đã sản xuất ra bao bì cho các sản phẩm công nghệ cao. Vì vậy theo ông Ánh, doanh nghiệp nội tập trung làm bao bì thật tốt để hàng hóa thế giới khi có nhu cầu sẽ tìm đến Việt Nam thay vì loay hoay làm ốc vít. Chuyên gia cũng lo ngại Việt Nam cứ mải chạy theo chuỗi giá trị toàn cầu không cẩn thận lại chỉ theo đuôi và nằm ở phân khúc thấp nhất của thế giới.

Với doanh nghiệp trong nước, một số ý kiến cho rằng cần chủ động hơn là nằm chờ chính sách ưu đãi từ nhà nước. Bên cạnh đó các doanh nghiệp nên liên kết thành khối để thực hiện một khâu trong chuỗi sản xuất.  “Chỉ là một chi tiết nhíp giữ pin của điện thoại Samsung có thể chặt đứt các khâu để mỗi doanh nghiệp đảm nhiệm như đục dập, pha thép, mạ nhíp, hoàn chỉnh…. Liên kết như vậy kể cả doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng vẫn có thể tham gia chuỗi cung ứng giá trị trong sản phẩm phụ trợ”, ông Tuấn đề xuất.

Thành Tâm

Theo Vnexpress

{fcomment}