Chuyên gia Anh: 'Chưa có lý do chính đáng để tiêm liều vaccine thứ tư'

ngày 14/01/2022

Liều vaccine Covid-19 thứ 3 hiện vẫn làm tốt nhiệm vụ chống lại bệnh nặng, do đó chưa có đủ bằng chứng để kết luận tiêm thêm một liều tăng cường nữa sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt.

Dữ liệu cho thấy hiện nay, "mũi vaccine tăng cường có thể duy trì khả năng chống lại bệnh nặng bền vững hơn", giáo sư Peter Smith - thành viên Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) về vaccine Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - chia sẻ với Zing. “Do đó, chưa có bằng chứng để đánh giá về sự quan trọng của liều tăng cường thứ 2".

Giáo sư tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London cho rằng chỉ khi khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng giảm đi đáng kể thì mọi người mới cần tiêm thêm một liều tăng cường nữa.

Tuy nhiên, ông nghi ngờ khả năng xảy ra trường hợp này và sự cần thiết của mũi tiêm tăng cường thứ 4 bởi liều thứ 3 đã có hiệu quả tốt trong chống lại triệu chứng nặng khi nhiễm virus.

Ông cho rằng có nhiều yếu tố xác định con người có cần tiếp tục tiêm phòng hay không, và còn quá sớm để biết sẽ chủng ngừa Covid-19 hàng năm hay ở một tần suất khác. Giới khoa học hiện vẫn chưa thể khẳng định và thống nhất về số lượng mũi vaccine Covid-19 mà mỗi người cần nhận trong tương lai.

Hiệu quả chống lại bệnh nặng bền vững của mũi 3

Trong những tuần qua, các nhà phát triển vaccine đã phát hành tài liệu đánh giá sơ bộ về những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm để xác định xem liều thứ ba có tạo đủ kháng thể trung hòa chống lại biến chủng Omicron không.

Pfizer cho biết 3 liều vaccine mRNA có thể vô hiệu hóa Omicron, trong khi hai liều thì không. CNN dẫn dữ liệu của Viện Y tế Quốc gia (NIH), vaccine Pfizer đạt hiệu quả khoảng 80% chống lại lây nhiễm Omicron sau khi tiêm liều thứ 3.

Trong khi đó, dữ liệu sơ bộ từ Imperia College London cho thấy cả hai loại vaccine mRNA được sử dụng ở Mỹ đều có hiệu quả từ 55% đến 80% sau khi tiêm nhắc lại.

Giáo sư Smith cho biết các loại vaccine hiện có rõ ràng chỉ cung cấp khả năng bảo vệ hạn chế chống lại việc nhiễm biến chủng Omicron. Ông nhận định khả năng bảo vệ này sẽ được tăng cường khi tiêm thêm một mũi vaccine nữa, nhưng cũng giảm đáng kể sau vài tháng.

Tuy nhiên, vaccine lại cung cấp khả năng bảo vệ tuyệt đối ở khía cạnh khác. Ông Smith nhấn mạnh về tầm quan trọng và khả năng bảo vệ lâu dài của mũi vaccine thứ 3 trong việc chống lại bệnh nặng.

Israel là quốc gia đầu tiên tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 4 cho người dân. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, ngày 7/1, Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết khoảng 3 tháng sau khi tiêm mũi 3 vaccine Covid-19, khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ nhập viện ở người từ 65 tuổi trở lên vẫn giữ ở mức cao, khoảng 90%.

Cơ quan này cho biết để so sánh, khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng ở người từ 65 tuổi trở lên sau khi tiêm 2 mũi vaccine giảm xuống còn khoảng 70% sau 3 tháng và còn 50% sau 6 tháng.

Dữ liệu này rất đáng khích lệ và nhấn mạnh giá trị của mũi vaccine thứ 3. Nó cho thấy mũi vaccine thứ 3 tiếp tục cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại bệnh nặng, ngay cả ở những người cao tuổi - trường hợp dễ bị tổn thương nhất.

Vì điều này, Ủy ban Hội đồng Tiêm chủng và Miễn dịch kết luận rằng hiện không cần phải tiêm thêm mũi thứ tư. Sau này tùy theo tình hình, mới phải xem xét điều này.

Đồng quan điểm, ông Smith khẳng định “chưa thấy có lý do chính đáng nào để tiêm liều vaccine thứ 4 cho mọi đối tượng”. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu chứng minh được khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng của mũi thứ 3 giảm đi đáng kể, “chúng ta nên tiêm cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao”.

Ông cũng nhận định mục tiêu sức khỏe cộng đồng quan trọng nhất là đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine cao với đợt tiêm chính ở những người có nguy cơ xuất hiện triệu chứng nặng sau khi mắc, đặc biệt là người cao tuổi.

Do đó, "sẽ có những tác động tích cực tới sức khỏe cộng đồng nhiều hơn nếu như tiêm hết (mũi vaccine chính) cho người có nguy cơ cao, trước khi tính đến chuyện tiêm liều tăng cường", ông nói.

"Nếu nguy cơ mắc bệnh nặng cực kỳ thấp, con người sẽ ít đi tiêm phòng"

Vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna đã thay đổi cuộc chơi trong đại dịch Covid-19 khi một loại vaccine mới được phát triển, thử nghiệm và sản xuất hàng loạt trong một khoảng thời gian ngắn không tưởng, theo trang web sức khỏe STAT News. Những liều vaccine Pfizer đầu tiên được tiêm ở Anh và Mỹ khoảng 11 tháng sau khi các nhà khoa học Trung Quốc đăng tải trình tự di truyền của virus SARS-CoV-2 lên cơ sở dữ liệu quốc tế.

Các loại vaccine này có khả năng bảo vệ hiệu quả. Tuy nhiên, các tác dụng phụ của nó thì không hề dễ chịu. Phần lớn người tiêm vaccine mRNA đều cảm thấy đau đầu, mệt mỏi và khó chịu, trong khi một số người khác sốt, đau nhức cơ bắp và ớn lạnh. Một số chuyên gia cũng nghi ngại về tác dụng phụ cực kỳ hiếm gặp là viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine mRNA ở một số nam giới trẻ tuổi.

Trong đại dịch, mọi người có thể coi vaccine mRNA là hàng rào tốt nhất chống lại tỷ lệ tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, khi khả năng miễn dịch của con người dần tăng lên, STAT News dẫn lời một số chuyên gia cho rằng mọi người sẽ không sẵn sàng chịu đựng “cảm giác tồi tệ” trong 1-2 ngày sau khi tiêm những mũi tăng cường (nếu như tiếp tục cần phải tiêm nhắc lại).

Đề cập tới vấn đề trên, ông Smith chia sẻ với Zing rằng mặc dù loại vaccine mRNA có thể gây ra một số tác dụng phụ thông thường trong ngắn hạn, và tác dụng phụ rất hiếm gặp, “đây vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu tại những quốc gia có thể bảo đảm các yêu cầu bảo quản của loại vaccine này”.

Vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna có hiệu quả cao. Ảnh: AP.

Bộ Y tế dẫn lời bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam - cho biết, lọ vaccine Pfizer có hạn sử dụng là 9 tháng khi được bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất ở nhiệt độ từ -90°C đến -60°C. Trong khi đó, lọ vaccine đã được rã đông có thể được bảo quản ở nhiệt độ 2-8°C trong tối đa một tháng (31 ngày).

Điều kiện bảo quản khắt khe này của vaccine mRNA khiến nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình không thể đáp ứng, do đó ông Smith nhận định “nhiều khả năng họ sẽ ưu tiên lựa chọn các loại vaccine khác (không có nhiều yêu cầu bảo quản)”.

Tuy nhiên, ở nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh nặng cao, ông cho rằng họ sẽ sẵn sàng chịu đựng những tác dụng phụ trong ngắn hạn sau khi tiêm vaccine mRNA bởi hiệu quả cao của chúng.

“Ngược lại, nếu như nguy cơ xuất hiện triệu chứng nặng cực kỳ thấp, nhiều người có thể có xu hướng không đi tiêm phòng nữa”, ông nói.

Bàn về chương trình chủng ngừa trong tương lai, để quyết định nếu cần và khi nào cần tiêm nhắc lại, ông cho biết điều này còn phụ thuộc vào những biến chủng đáng lo ngại nào đang và sẽ xuất hiện.

“Khi sống chung với Covid-19 trong tương lai gần và các biến chủng mới lại xuất hiện, tiếp tục tiêm phòng sẽ là điều cần thiết”, ông nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng còn quá sớm để xác định tần suất tiêm phòng.

“Tuy nhiên, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như chúng ta cần phải tiêm nhắc lại ít nhất một lần/năm trong vài năm tới”, ông nói.

Giáo sư Smith nghĩ ưu tiên trung hạn (2-5 năm) là phát triển thế hệ vaccine Covid-19 tiếp theo - “loại vaccine bảo vệ cơ thể khỏi mọi biến chủng Covid-19 mới xuất hiện và chống lại các loại virus corona mà con người có thể phơi nhiễm”.

Ông cho rằng lý tưởng nhất là khả năng bảo vệ khỏi nhiễm và bệnh nặng của các loại vaccine mới sẽ tồn tại lâu dài.

Khi được hỏi về việc có nên phát triển một loại vaccine không có nhiều tác dụng phụ mà vẫn giữ nguyên được mục đích chính là bảo vệ khỏi bệnh nặng và tử vong, giáo sư cho rằng “nếu vaccine mới có khả năng bảo vệ rất cao chống lại sự lây nhiễm, thì việc loại bỏ (các tác dụng phụ của vaccine) sẽ được tính tới”.

“Tuy nhiên, có vẻ như còn lâu nữa chúng ta mới đạt được tới cái đích này”, ông nhận định.

Nguồn: https://zingnews.vn/chuyen-gia-anh-chua-co-ly-do-chinh-dang-de-tiem-lieu-vaccine-thu-tu-post1289541.html