Chuỗi bán lẻ trà - café gia nhập hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ của Masan

ngày 26/05/2021

Theo thỏa thuận, hai bên cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc.

Mới đây, The Sherpa (công ty thành viên của Tập đoàn Masan) đã mua lại 20% Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage với giá 15 triệu USD. Hai bên sẽ hợp tác để mở rộng mô hình Kiosk Phúc Long tại hệ thống VinMart+. Phúc Long là thương hiệu trà và café đã có mặt tại Việt Nam hơn 50 năm.

ĐƯA TRÀ SỮA, CAFE TAKE-AWAY VÀO CỬA HÀNG TIỆN LỢI

Theo thỏa thuận, hai bên cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. Mô hình “Kiosk Phúc Long” trên nền tảng cửa hàng VinMart+ góp phần mang các thức uống trà và cà phê tươi ngon thương hiệu Phúc Long đến 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời chuyển đổi các cửa hàng VinMart+ thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và mọi nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Trước khi công bố hợp tác, đã có 4 Kiosk Phúc Long được thử nghiệm tại các siêu thị VinMart+ tại Tp.HCM. Với diện tích trung bình 8m2, bày trí tinh gọn và thừa hưởng lợi thế vị trí thuận tiện của các cửa hàng VinMart+, các Kiosk này đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ người tiêu dùng. Chị Phương Linh, một khách hàng quen thuộc của cửa hàng VinMart+ New City, quận 2 cho biết: “Tôi rất thích sự kết hợp này. Buổi sáng, tôi có thể ghé ngay VinMart+ ngay dưới chung cư của mình để mua cốc café yêu thích mang đi làm. Tôi nhận thấy rằng VinMart+ đang ngày càng “trẻ hóa” và có thêm nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu mua sắm hiện đại.”

Hiện nay, tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam ước tính là 2,3 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Trong đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25% bao gồm các thương hiệu lớn như Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng).

Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng với khoảng 56 triệu người trong độ tuổi lao động, tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng. Tiêu dùng - bán lẻ hiện đại được dự đoán sẽ là xu hướng chiếm lĩnh trong thời gian tới. Với tiềm năng dân số trẻ và nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ mới, Masan và Phúc Long tin rằng chuỗi bán lẻ cửa hàng trà và cà phê có thương hiệu sẽ bùng nổ trong thập kỉ tới.

Với kết quả thử nghiệm thành công của các Kiosk Phúc Long tại Hồ Chí Minh trong 3 tháng qua, hai bên tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu 1.000 Kiosk Phúc Long trong 18-24 tháng tiếp theo. Như công bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Masan đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu từ chuỗi bán lẻ F&B sẽ đóng góp 500 triệu USD.

TÍCH HỢP CÁC MẢNH GHÉP PHỤC VỤ TRỌN VẸN NHU CẦU TIÊU DÙNG

Chuỗi bán lẻ F&B là một phần trong chiến lược xây dựng nền tảng tiêu dùng - bán lẻ Point of Life của Masan. Point of Life là nền tảng “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, tài chính. Xa hơn là chăm sóc sức khỏe, giải trí, giáo dục. Tất cả các dịch vụ và sản phẩm này được tích hợp vào một nền tảng chung nhằm gia tăng giá trị và sự tiện lợi cho người tiêu dùng, dù họ đang mua sắm online hay tại cửa hàng.

Lãnh đạo cho biết hợp tác với Phúc Long sẽ giúp công ty thực thi chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life, trong đó chuyển đổi các cửa hàng VinMart+ thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và mọi nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Ở chiều ngược lại, các cửa hàng của Phúc Long cũng sẽ tận dụng được lợi thế điểm bán và độ bao phủ rộng khắp của VinMart+, gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng, cũng như tham gia vào nền tảng tích hợp từ online đến offline của Masan.

Theo kế hoạch, Kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với VinMart+. Dựa trên kết quả kinh doanh của mô hình thí điểm, hợp tác có khả năng tăng biên lợi nhuận cho hệ thống cửa hàng VinMart+ hơn 4% so với mức hiện tại.

Ông Trương Công Thắng, CEO VinCommerce chia sẻ: “Với mục tiêu cung cấp các sản phẩm thiết yếu đáp ứng tiêu chí “Tươi ngon thượng hạng”, chúng tôi tin tưởng sẽ biến mỗi cửa hàng VinMart+ trở thành biểu tượng phong cách sống mới và hiện đại, là điểm đến cho mọi lứa tuổi từ các bạn trẻ đến các cô chị nội trợ trên khắp Việt Nam.

Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn đưa thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và café Phúc Long vươn ra thế giới, góp phần lan tỏa bản sắc dân tộc và quảng bá các thức uống đặc sắc của Việt Nam. Đồng thời, hợp tác này cũng giúp thực thi chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life mà Masan đang hướng tới.”

Trước đó, chuỗi bán lẻ VinMart/VinMart+ thuộc VinCommerce (VCM) của Masan đã thiết lập Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược với Lazada. Theo đó, VCM sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada. Hai bên sẽ cùng chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành ngành hàng chủ chốt của thương mại điện tử.

Đồng thời, phát triển tính năng cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng online tại các điểm bán tại cửa hàng hay siêu thị. Nền tảng cung ứng và giao vận của hai bên cũng sẽ được tận dụng để phát huy sức mạnh hiệp lực, qua đó tối ưu hiệu quả và tiết kiệm chi phí, gia tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Với sự kết hợp của các thương hiệu mạnh và đối tác giàu kinh nghiệm, thị trường tiêu dùng bán lẻ của Việt Nam sẽ thay đổi cả về “chất” và “lượng”, tạo ra giá trị to lớn cho toàn chuỗi giá trị phục vụ người tiêu dùng. Trong đó, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được từ 5-10% cho các hàng hóa thiết yếu, nhà sản xuất và nông dân sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10%, đối tác nhượng quyền bán lẻ sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10% so với hoạt động hiện tại của họ.

“Chúng tôi có chiến lược về hàng hóa, có quy mô lớn để có thể đàm phán mua được hàng từ nhà cung cấp với giá tốt hơn, có sản phẩm tự sản xuất, có sự tinh gọn trong mô hình bán lẻ. Đây là mô hình “win - win” khi nhà bán lẻ có thể bán hàng tốt hơn, người mua hàng có trải nghiệm tốt hơn”. Đại diện Masan cho biết.

Định hướng đến năm 2025, Masan đặt mục tiêu phục vụ 30 - 50 triệu người tiêu dùng, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường bán lẻ hiện đại từ 1% lên gần 25%.

Nguồn VnEconomy