Chứng chỉ IELTS đã được cho phép thi trở lại ở Việt Nam sau một thời gian ngắn bị gián đoạn. Từ câu chuyện này, có ý kiến băn khoăn về việc người học có phải đang thần thánh hóa những chứng chỉ quốc tế hay không?
Ảnh minh họa.
Ưu thế khi du học, xét tuyển đại học
Thảo Uyên - học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, em và nhiều bạn trong lớp vừa thở phào vì thông tin chứng chỉ tiếng Anh được cấp phép thi trở lại. Nguyên nhân là vì Uyên đang hoàn thiện hồ sơ để nộp vào một số trường đại học ở Úc. Nếu không kịp thi chứng chỉ này trước tháng 12 thì con đường du học của em có thể bị ảnh hưởng, bao nhiêu công sức đã chuẩn bị trước đó phải đổ sông đổ biển…
Trên thực tế, đối với những ai có ý định đi du học thì việc sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một trong những điều kiện cần thiết để làm nền tảng xét học bổng và xem xét người học có đạt tiêu chuẩn để đi du học hay không. Ở Việt Nam, nhiều trường cũng áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, như các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Công nghiệp Hà Nội… nên không khó hiểu khi ngày càng nhiều người đặt mục tiêu thi các chứng chỉ này.
Nhìn nhận xu hướng này, thầy giáo Nguyễn Hữu Lộc - người có nhiều năm luyện thi IELTS ở Hà Nội cho biết, với học sinh khi tốt nghiệp THPT, sở hữu chứng chỉ này là có cơ hội rộng mở vào ĐH. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài việc được miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ, các chứng chỉ quốc tế có thể dùng để quy đổi sang điểm ngoại ngữ của các trường ĐH. Riêng đối với học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh muốn du học, việc sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ gần như là điều kiện bắt buộc nên vài năm trở lại đây, việc học ngoại ngữ với mục tiêu rõ ràng là đạt kết quả bao nhiêu sau khóa học được người học đặt ra trực tiếp với trung tâm hoặc giáo viên đứng lớp.
Trên thực tế, với các ứng cử viên nộp hồ sơ tuyển dụng, nếu đính kèm thêm chứng chỉ ngoại ngữ sẽ tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng. Theo phân tích của ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM, khả năng sử dụng thông thạo ngoại ngữ có thể giúp ứng cử viên mở ra những cánh cửa mới trên con đường sự nghiệp. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, các công ty đa quốc gia ngày càng phủ sóng độ lan tỏa ở nhiều nước trên thế giới. Ngay cả ở các công ty Việt Nam, nhiều vị trí đòi hỏi khả năng sử dụng ngoại ngữ lưu loát nên sở hữu IELTS sẽ tăng lợi thế cạnh tranh trong môi trường làm việc cũng như phát triển sự nghiệp.
Quan trọng là khả năng sử dụng ngoại ngữ
Theo anh Đỗ Văn Vượng - Cố vấn kỹ thuật sửa chữa chung tại Công ty TNHH Toyota Long Biên, công việc của anh đòi hỏi phải đọc hiểu, cập nhật các thông số, dữ liệu, tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Anh. Để không bị tụt hậu, anh chịu khó mày mò, tự học ngoại ngữ chuyên ngành để có thể đọc dịch tài liệu để mở mang kiến thức của mình. Bởi với nghề sửa chữa ô tô, nếu không thường xuyên cập nhật kiến thức, công nghệ mới, chắc chắn sẽ không thể “bắt bệnh” và xử lý được các tình huống, nhất là những “ca” khó, chưa có tiền lệ.
Khi công việc trở thành động lực để phấn đấu học ngoại ngữ, nhiều người đã và đang nỗ lực học tập và khi đó, chứng chỉ là không cần thiết. Thậm chí, để lọt vào vòng phỏng vấn, hồ sơ đẹp với chứng chỉ ngoại ngữ xuất sắc là một ưu thế nhưng không khó để nhà tuyển dụng biết được thực lực ngoại ngữ của ứng cử viên là thế nào. Nên nếu không học thật, thi thật để sở hữu chứng chỉ đúng với khả năng của mình thì kể cả khi sở hữu các chứng chỉ này cũng không giúp người học tiến xa hơn.
Gần đây nhất, trên mạng xã hội râm ran câu chuyện một cô gái trẻ sở hữu chứng chỉ IELTS với kết quả 9.0 khiến nhiều người trầm trồ nhưng sau đó bị phát hiện là… giả, “đi mượn” của người khác. Khi bằng cấp không đi cùng với thực lực thì sẽ rất nhanh bị phát hiện bởi thi lấy chứng chỉ không nên chỉ là để làm đẹp hồ sơ mà cao hơn, mục tiêu cuối cùng vẫn phải là khả năng sử dụng ngoại ngữ trong cuộc sống, công việc hàng ngày.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) các chứng chỉ ngoại ngữ dù là quốc tế hay của Việt Nam đều là công cụ đánh giá năng lực ngoại ngữ của người học theo bộ tiêu chuẩn của chứng chỉ đó. Các kỳ thi này dù kiểm tra đầy đủ cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết hay chỉ kiểm tra một số kỹ năng thì vẫn nên chỉ coi là một căn cứ để đánh giá năng lực của thí sinh.
Mới đây, nhiều trường ĐH của Việt Nam đã đưa ra thông báo sử dụng Chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (chứng chỉ VSTEP) trong mùa tuyển sinh 2023 cùng với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã được sử dụng phổ biến như IELTS, TOEFL… TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, để lựa chọn được công cụ đánh giá phù hợp, đảm bảo độ tin cậy, chính xác thì cần dựa trên các yếu tố về đội ngũ ra đề thi có kinh nghiệm dày dặn, chuyên nghiệp, cấu trúc đề thi đã được thử nghiệm, điều chỉnh để xây dựng thành đề thi chuẩn. Về khâu tổ chức thi, chấm thi phải chặt chẽ, nghiêm túc. Các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ cam kết tuân thủ theo quy trình về đảm bảo chất lượng. Cần có sự kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng để tránh tình trạng bát nháo mua bán chứng chỉ.
Nguồn: daidoanket.vn
-
Giá vàng giảm “tồi tệ”, USD đi ngang
-
Covid-19 là thất bại tình báo tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ?
-
Cào cào, sâu, rắn liu điu lổm ngổm ở chợ Sài Thành
-
Hà Nội: Đất thổ cư giá 1 tỷ đồng hấp dẫn hơn chung cư giá rẻ?
-
Оppo F19 và F19 Pro dự kiến ra mắt vào tháng 3
-
Ai có quyền khiếu kiện thành viên hội đồng quản trị?
-
Mark Zuckerberg dán kín webcam và jack micro của máy tính
-
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: `Kinh doanh fastfood như làm dâu trăm họ`
-
Vaccine Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả bảo vệ cao với thanh thiếu niên
-
Bát hương trong văn hóa thờ cúng: Sự kết nối với tổ tiên và thần linh