Chọn phiên bản Linux nào để cài đặt, “hồi sinh” cho máy tính cũ?

ngày 07/03/2017

Hiện nay có tới hàng trăm phiên bản Linux khác nhau, bởi vậy, người dùng khi mới làm quen thường không biết nên chọn phiên bản Linux nào để phù hợp với nhu cầu của mình.

Chọn phiên bản Linux nào để cài đặt, “hồi sinh” cho máy tính cũ?

Bạn có một chiếc máy tính cũ, cấu hình thấp nên khi cài đặt Windows, máy trở nên ì ạch và chậm chạp? Những lúc này, lựa chọn một phiên bản của hệ điều hành Linux để cài cho chiếc máy chính là việc làm cần thiết. Linux là hệ điều hành nguồn mở, nhẹ hơn khá nhiều so với Windows nhưng vẫn có đầy đủ các chức năng cơ bản để bạn sử dụng.

Tất cả các phiên bản (distribution, hay "distro") Linux đều được phát hành miễn phí, tuy nhiên, nếu chưa từng làm quen với Linux, bạn rất dễ bối rối. Hiện nay có tới hàng trăm phiên bản Linux. Chúng có nền tảng giống nhau nhưng giao diện người dùng, ứng dụng đi kèm, tần suất update… rất khác nhau. Bạn không biết đâu là phiên bản phù hợp nhất với mình? Hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời.

Xác định mục đích sử dụng

Trước khi đi tìm kiếm bản Linux phù hợp với mình, bạn cần trả lời được câu hỏi: mục đích sử dụng máy là gì. Ví dụ như, nếu bạn dự tính mang máy cho người thân gia đình (bố mẹ bạn) sử dụng, và họ có ít kinh nghiệm dùng máy tính, bạn cần chọn một phiên bản thân thiện với những người mới bắt đầu làm quen với máy tính.

Hoặc bạn muốn chiếc máy tính sắp chạy Linux của mình cho trải nghiệm tương tự Windows, hãy chọn một số phiên bản Linux "vay mượn" giao diện người dùng của Windows. Ngoài ra, nếu bạn xác định chiếc máy cũ này sẽ làm máy chủ file hoặc lưu trữ NAS (network-attached storage), bạn sẽ phải tìm các phiên bản Linux ở dạng cao cấp hơn.

Mint: Dành cho số đông

Dù Ubuntu được cho là distro đại diện cho Linux, Mint rõ ràng là phiên bản được dùng rộng rãi nhất, và trên thực tế đây cũng là một distro rất tuyệt vời.

Tuy nhiên, ngay từ khi mới bắt đầu tìm hiểu về Mint, bạn sẽ thấy mình phải đối mặt với rất nhiều sự bối rối. Nói vậy bởi Mint cung cấp khá nhiều desktop, và bạn không biết chọn desktop nào thì phù hợp nhất.

Mint có 4 tuỳ chọn giao diện: Cinnamon, KDE, Mate và Xfce. Dù tất cả đều có nhân Linux - cùng kernel - giao diện người dùng của chúng khá khác nhau.

Hầu hết người dùng nên chọn Cinnamon. Mate thì có giao diện hơi cổ, trong khi KDE sẽ phù hợp cho những ai muốn có các tuỳ chọn cấu hình menu nhiều hơn. Xfce phù hợp với máy tính cũ bởi nó nhẹ hơn tất cả giúp PC cấu hình thấp của bạn chạy mượt mà hơn.

Elementary OS: Phiên bản thân thiện với người dùng

Elementary nghĩa là cơ bản, và đúng như tên gọi, distro này ưu tiên tính đơn giản lên trên tất cả. Thay vì tìm cách học theo giao diện Windows hay các desktop Linux khác, nó sử dụng giao diện tập trung vào các biểu tượng được sắp xếp hợp lý hoá cùng bộ sưu tập các ứng dụng được biên tập cẩn thận.

Trên thực tế, Elementary khiến PC của bạn trông giống tablet với các icon lớn và các ứng dụng tập trung vào từng chức năng riêng như email, nhạc, ảnh. Nó còn có cả app store để giúp bạn tìm thêm các ứng dụng khác và cài vào.

Dù có vẻ như có giao diện người dùng nhẹ, Elementary khuyến nghị hệ thống ít nhất phải dùng chip Core i3 hoặc tương đương, do đó đây không phải là phiên bản phù hợp với các máy tính cũ. Chưa hết, khi tải về, bạn sẽ thấy các nhà phát triển Elementary yêu cầu trả một khoản phí tối thiểu 5 USD, tuy nhiên, bạn có thể lựa chọn mức phí tuỳ ý và chuyển về thành 0 USD.

Tails: Cho những ai ưu tiên quyền riêng tư


Bạn muốn một hệ điều hành giúp mình ẩn danh với thế giới bên ngoài? Tails chính là sự lựa chọn phù hợp cho nhu cầu này. Nó được thiết kế để có thể lưu trữ trên các bộ nhớ di động - ổ flash, thẻ nhớ hay thậm chí là đĩa DVD. Tails chính là hệ điều hành được cựu điệp viên nổi tiếng Edward Snowden dùng để tránh khỏi tai mắt của NSA.

Dựa trên phiên bản nổi tiếng Debian của Linux, Tails được tích hợp sẵn các công cụ cơ bản: trình duyệt web, phần mềm email, nhắn tin tức thì… Toàn bộ lưu lượng web của nó được truyền tải qua mạng Tor giúp người dùng ẩn danh trên internet.

KXStudio: Cho người thích âm thanh

KXStudio nghe giống như một phần mềm về nhạc nhưng thực tế nó là một distro Linux đầy đủ. Quả thực, tên gọi KXStudio cũng liên quan tới âm nhạc khi nó được tích hợp rất nhiều ứng dụng và tiện ích audio tuỳ biến, các plug-in nguồn mở. Dù là một dạng distro chuyên dụng (về nhạc), KXStudio vẫn có đầy đủ chức năng của những distro Linux truyền thống khác.

Zorin OS: Hỗn hợp cả Windows và Mac

Hầu hết các phiên bản Linux đều chỉ có một kiểu giao diện người dùng duy nhất, nhưng Zorin lại khác. Desktop của nó có phần giống Windows, nhưng cũng có thể biến hoá ra những thứ mà người dùng Mac cảm thấy quen thuộc.

Ví dụ như ở chế độ Windows, bạn có các thành phần như nút Start ở bên dưới góc trái màn hình, một danh sách các chương trình và công cụ tìm kiếm hiện ra khi click vào nút Start. Ở dưới cùng góc phải màn hình chúng ta có thanh notification, đồng hồ, chỉnh âm lượng…

Zorin tích hợp nhiều phần mềm hữu ích như Wine giúp cho phép nhiều ứng dụng Windows chạy bên trong hệ điều hành này. Người dùng cần lưu ý rằng, dù Zorin trông giống Windows nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Giống như bất kỳ phiên bản Linux nào khác, mọi thứ về giao diện có thể sẽ khác đi so với trên Windows khi bạn dùng sâu hơn vào các chức năng, ứng dụng.

Thử một distro khác

Trên thực tế, lựa chọn phiên bản Linux nào cũng giúp bạn giải quyết được hầu hết các yêu cầu cơ bản khi dùng máy tính - chưa kể trong một số trường hợp bạn giải quyết được cả các yêu cầu nâng cao.

Do đó, sẽ khó có chuyện một phiên bản Linux nào đó hoàn toàn không phù hợp. Đó là chưa kể, việc bạn có thể khởi động Linux từ ổ đĩa flash để thử nghiệm trước khi cài đặt, có nghĩa là bạn có thể dùng thử nó trước đưa ra quyết định cuối cùng.

Ngay cả sau khi sử dụng và cảm thấy không thích, bạn cũng rất dễ dàng để xoá bỏ và cài lại distro Linux khác. Trong trường hợp không thích tất cả các distro gợi ý ở trên, bạn có thể truy cập vào DistroWatch - một nguồn tuyệt vời cho mọi thứ liên quan tới Linux - để tìm lựa chọn phù hợp.

Ngoài Linux, đừng quên bạn còn có thể tìm tới Chrome OS để thay thế cho hệ điều hành Windows trên chiếc laptop/desktop cũ của mình.

Nguồn GDTĐ