Chỉ viết sách giáo khoa xã hội, dịch các môn tự nhiên

ngày 29/08/2014

 Nhiều chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” của Bộ GD-ĐT.

Ngày 28/8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ nên viết SGK các môn khoa học xã hội
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ nên viết SGK các môn khoa học xã hội
Đóng góp về vấn đề này, GS Trần Thị Tâm Đan (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng Bộ GD-ĐT nên viết 1 bộ SGK, nhưng vẫn khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác biên soạn bộ SGK.

“Nếu có nhiều bộ SGK thì Bộ GD-ĐT cần đối xử công bằng, không được phân biệt, việc chọn bộ SGK nào hoàn toàn là quyền của người học”, bà Tâm Đan nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng nếu Bộ GD-ĐT không viết SGK, để cho các tổ chức cá nhân biên soạn thì sẽ chứa đựng nhiều rủi ro vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc này.

Bên cạnh đó, GS Tâm Đan cung đề nghị phải giải quyết tốt bài toán cơ sở vật chất, vì đó là điều kiện quan trọng để thực hiện thành chương trình – sách giáo khoa mới.

Bộ GD-ĐT cần rút kinh nghiệm từ việc thực hiện chương trình – sách giáo khoa hiện hành đã không mấy thành công do chưa chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất.

“Cần theo hướng tỉnh nào khá thì tự lo, còn tỉnh nào còn khó khăn thì ngân sách hỗ trợ để hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất”, bà Tâm Đan kiến nghị.
GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông của Bộ GD-ĐT (Ảnh: Phạm Thịnh)

Đóng góp nhiều ý kiến về chương trình – sách giáo khoa, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng những đánh giá báo cáo tác động trong đề án của Bộ GD-ĐT không có thực tiễn, không có dữ liệu chứng minh.

Ông Thuyết lấy ra ví dụ không thấy có căn cứ để khẳng định chương trình – sách giáo khoa mới bảo đảm giảm tải được chương trình; giáo viên chủ đông-sáng tạo hơn: thi cử sẽ trung thực hơn.

Thực tế, hiện nay giáo viên không phải là không muốn sáng tạo, nhưng họ đổi mới thì được gì, hay là cứ cuồng chân ôn luyện cho học sinh thi cử.

Bên cạnh đó, ông Thuyết cũng chỉ ra chưa có những phân tích tác động đến ngân sách. Trong khi đó, khi một đề án được trình ra, các thành viên Quốc hội rất quan tâm đến 2 vấn đề là “tiền và có phiền dân hay không”.

Tuy vậy, GS Thuyết cũng ủng hộ chủ trương có nhiều bộ SGK để học sinh lựa chọn vì mang nhiều yếu tố tích cực.

“Nhưng ai là người chọn SGK. Liệu em có học được sách của anh không?”, GS Thuyết đặt thêm câu hỏi để thảo luận.

Về biên soạn chương trình – sách giáo khoa mới, GS Thuyết cho rằng nên chú trọng đến phương pháp thực hiện chứ không chỉ viết dựa vào câu chữ.

Vị chuyên gia này cũng đề xuất Bộ GD-ĐT nên thực hiện theo 3 bước: Điều chỉnh chương trình trước, sau đó yêu cầu giáo viên điều chỉnh phương pháp, trong thời gian đó thì tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Cách làm đó hay hơn so với đồng loạt thay hết SGK.

GS Thuyết cũng cho rằng Bộ GD-ĐT nên có một bộ SGK nòng cốt, nhưng chỉ làm một số môn khoa học xã hội (ngữ văn, địa lý, lịch sử…), còn các môn khoa học tự nhiên thì xã hội hóa, hoặc có thể dịch SGK nước ngoài để không tốn nhiều kinh phí.

Ông Thuyết cũng cho rằng, những sách giáo khoa về khoa học tự nhiên các nước phát triển trên thế giới đã làm rất tốt vì vậy không nên mất công để làm lại những nội dung này.

“Kinh nghiệm của Hàn Quốc là Nhà nước viết SGK tiểu học và khoa học xã hội”, GS Thuyết lấy ví dụ.

Nguồn: VTC News

{fcomment}