CEO Facebook còn bao nhiêu tiền sau khi hiến 99% tài sản

ngày 05/12/2015

CEO Facebook vừa chia sẻ niềm hạnh phúc khi đón con gái đầu lòng. Cùng với đó là quyết định hiến 99% cổ phần từ Facebook để làm từ thiện, tương đương với số tiền lên tới 45 tỷ USD ở thời điểm hiện tại. Mark Zuckerberg chỉ giữ lại 1% tổng số cổ phiếu cho mình.

Ông chủ Facebook hiến tặng 99% tài sản là “khôn”?

Cách đây ít hôm, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và vợ là Priscilla Chan đã khiến cả thế giới xôn xao khi nói sẽ hiến tặng 99% cổ phần của họ trong mạng xã hội này cho hoạt động từ thiện.

Số tài sản mà cặp vợ chồng này hứa cho đi trong phần đời còn lại của họ hiện trị giá tới gần 45 tỷ USD.

Theo tờ The Newyorker, dĩ nhiên, phần lớn những lời bình luận về hành động trên của Zuckerberg-Chan là những đánh giá tích cực. Thế giới không thể không cảm kích khi Zuckerberg, Bill Gates, Warren Buffett và nhiều tỷ phú khác gia nhập sáng kiến “Giving Pledge” (“Lời hứa hiến tặng” - người tham gia hứa tặng ít nhất một nửa tài sản cho hoạt động từ thiện). Những đóng góp của các tỷ phú này đến nay đã có ảnh hưởng đáng kể đến thế giới.

Năm ngoái, quỹ Bill & Melinda Gates Foundation của vợ chồng nhà sáng lập hãng phần mềm Microsoft đã giải ngân số tiền từ thiện khoảng 4 tỷ USD. Một phần lớn của số tiền này dành cho việc chống lại những căn bệnh như HIV/AIDS, sốt rét, bại liệt, và lao - những căn bệnh khiến hàng triệu người ở các nước nghèo thiệt mạng.

CEO Facebook còn bao nhiêu tiền sau khi hiến 99% tài sản - 1

CEO Facebook và niềm hạnh phúc khi đón con gái đầu lòng.

Zuckerberg và Chan cũng đã tặng hàng trăm triệu USD cho các hoạt động từ thiện, trong đó có chiến dịch chống virus Ebola. Trong tuyên bố từ thiện mới nhất viết trong lá thư ngỏ gửi con gái mới sinh đăng trên trang Facebook cá nhân của Zuckerberg, cặp vợ chồng trẻ nói “Sáng kiến Chan Zuckerberg” - tổ chức từ thiện mà họ đang thành lập - sẽ tập trung vào “thúc đẩy tiềm năng của con người và sự bình đẳng”.

Sau khi tạo ra được những công ty cực kỳ thành công và những khối tài sản khổng lồ, Zuckerberg, Gates và Buffett đang gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà quản lý quỹ đầu cơ ở Phố Wall, các nhà tài phiệt Nga, các nhà công nghiệp châu Âu, các ông hoàng dầu lửa Trung Đông, và bất kỳ ai khác đã tích lũy được tài sản “khủng”: “From those to whom much is given, much is expected” (tạm dịch: “Những ai được nhận nhiều thứ, thì cũng sẽ phải cho đi nhiều thứ”).

Đây là câu nói mà Bill Gates đưa ra khi phát biểu tại Đại học Harvard vào năm 2007. Gates cho biết câu nói này là của mẹ ông, người có công lớn trong việc khuyến khích ông làm từ thiện. Năm 2010, Gates cùng Buffett đưa ra sáng kiến “Giving Pledge” mà đến nay đã có hơn 100 tỷ phú tham gia.

Một số nhà tài trợ lớn trong số này như Buffett sẵn sàng để người khác định hướng cho các khoản tài trợ của họ. Vào năm 2006, Buffett tuyên bố sẽ đưa phần lớn tài sản làm từ thiện của ông vào Bill & Melinda Gates Foundation.

Tuy nhiên, tờ The Newyorker nhận xét, ngày càng có nhiều người giàu tại Mỹ tự lập tổ chức từ thiện của riêng mình - một trào lưu được gọi là “philanthrocapitalism” (tạm dịch: “chủ nghĩa tư bản từ thiện”).

Trào lưu này là tích cực, nhưng cũng cần lưu ý rằng cách làm từ thiện như vậy có thể gây tổn thất cho cơ quan thuế vụ.

Nếu Zuckerberg và Chan bán cổ phần để lấy tiền thay vì đưa vào quỹ từ thiện, thì họ sẽ phải đóng thuế và tiền thuế này sẽ được dùng cho các chương trình chi tiêu của chính phủ.

Nếu họ cho con cháu thừa kế tài sản, thì tài sản đó cũng sẽ bị đánh thuế khi chuyển giao lại cho thế hệ sau.

Nhưng nếu tài trợ cho từ thiện dưới dạng cổ phần, vợ chồng ông chủ Facebook và con cháu họ sẽ hoàn toàn thoát khỏi hai loại thuế trên.

Thậm chí, đó chưa phải là toàn bộ lợi ích mà vợ chồng Zuckerberg nhận được. “Hành động từ thiện này cực kỳ hiệu quả xét về mặt thuế”, chuyên gia thuế Robert Wood nhận định.

Theo luật thuế liên bang Mỹ, Zuckerberg và Chan sẽ nhận được tín dụng thuế bằng với giá trị thị trường của cổ phần Facebook vào thời điểm mà họ trao tặng cho quỹ từ thiện mà họ sáng lập.

Trong những năm sau đó, họ có thể sử dụng tín dụng thuế này để không phải đóng thuế cho các khoản thu nhập mới, chẳng hạn lương của Zuckerberg tại Facebook hay cổ tức phát sinh từ cổ phần mà anh vẫn sở hữu.

Quỹ Sáng kiến Chan Zuckerberg sẽ được tổ chức như một công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) thay vì một quỹ từ thiện truyền thống. Một số chuyên gia đã chỉ ra rằng, các LLC từ thiện đang ngày càng trở nên phổ biến. Chỉ cần đóng góp cho các công việc từ thiện và thuộc sở hữu gia đình, các quỹ dạng này có thể được miễn thuế.

Ngoài ra, một công ty dạng này cũng có thể dùng tiền đầu tư vào các dự án tư nhân mang lại lợi nhuận, chứ không chỉ bó buộc trong hoạt động phi lợi nhuận như tổ chức từ thiện. Chưa kể, thông qua LLC, Mark Zuckerberg hoàn toàn kiểm soát số lượng và phương thức chi tiêu cổ phiếu của mình.

Và cuối cùng, các LLC từ thiện còn không phải đóng một đồng thuế nào trong trường hợp bán ra cổ phiếu mà nhà tài trợ hiến tặng.

Nói cách khác, bằng cách làm từ thiện, các tỷ phú như Zuckerberg và Gates đã đưa một phần lớn tài sản của họ ra khỏi tầm với của cơ quan thuế.

CEO Facebook còn bao nhiêu tiền sau khi hiến 99% tài sản - 2

Giá trị thị trường của 1% cổ phiếu mà Zuckerberg sở hữu có trị giá khoảng 450 triệu USD. Tuy nhiên, đây không phải là tất cả tài sản còn lại mà ông chủ Facebook có, bởi giá trị tài sản hiến tặng của Mark không bao gồm lương, tiền mặt và các bất động sản.

Tỷ phú Facebook còn bao nhiêu tài sản?

Theo Telegraph, giá trị thị trường của 1% cổ phiếu mà Zuckerberg sở hữu có trị giá khoảng 450 triệu USD. Tuy nhiên, đây không phải là tất cả tài sản còn lại mà ông chủ Facebook có, bởi giá trị tài sản hiến tặng của Mark không bao gồm lương, tiền mặt và các bất động sản.

Thực tế, giá cổ phiếu của Facebook hiện nay đã tăng khoảng 180% so với năm 2012. Nhà đầu tư vẫn tiếp tục xu hướng mua, chứng tỏ sức tăng cổ phiếu Facebook trong tương lai còn rất lớn. Mark Zuckerberg cũng được nhận 1 USD lương cơ bản mỗi năm khi giữ ghế CEO Facebook, cùng với vài trăm nghìn USD tiền phúc lợi như những lãnh đạo khác của công ty.

Trước đó, khi Facebook bán cổ phiếu ra công chúng vào năm 2012, Zuckerberg đã bán khoảng 30,2 triệu cổ phiếu sở hữu, thu về 1,13 tỷ USD.

Năm 2013, ông chủ Facebook cũng đã bán quyền mua cổ phiếu của mình để thu về 3,3 tỷ USD. Khi đó, CEO Facebook cho biết, số tiền này được dùng để chi trả cho chi phí máy bay riêng vì lý do an ninh, đồng thời thanh toán một số hóa đơn cá nhân.

Về bất động sản, Mark Zuckerberg đang sở hữu một biệt thự ở San Francisco, Mỹ với giá 10 triệu USD. Năm ngoái, thị trường cũng có tin đồn ông chủ của Facebook đã chi khoảng 200 triệu USD để mua Kauai, hòn đảo nhỏ nhất thuộc quẩn đảo Haiwaii.

Nguồn 24h