Cần thay đổi tư duy trong giao dịch điện tử

ngày 13/09/2017

Hiện nay, trong khi trên 97% doanh nghiệp đã tham gia sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, hải quan thì các cơ quan quản lý liên quan khác ngoài cơ quan tài chính vẫn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các hồ sơ thực hiện thủ tục thuế, hải quan dạng giấy.

Đến năm 2018 toàn bộ các doanh nghiệp sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử

“Tư duy giấy” trong giao dịch điện tử

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc tăng cường giao dịch điện tử sẽ giúp giảm nhũng nhiễu phiền hà cho DN do hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa DN với cán bộ Nhà nước. Trong khi đó, Nhà nước cũng sẽ tiết kiệm được về nhân lực, giải quyết công việc hiệu quả hơn, quản lý chặt chẽ hơn nhờ sự kết nối, liên thông thông tin...

Thời gian qua, thực hiện Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, hải quan đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, thách thức của giao dịch điện tử là sự không đồng đều giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. 

“Một mặt chúng ta khuyến khích DN ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, hóa đơn điện tử, nhưng mặt khác, một số cơ quan Nhà nước mức độ chuyển động chưa được tương xứng nên DN vẫn gặp trở ngại. Chẳng hạn như DN sử dụng hóa đơn, chứng thư điện tử nhưng khi hàng hóa lưu thông trên đường thì công an, quản lý thị trường vẫn tiếp tục bắt cung cấp hóa đơn giấy...” - ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, trong khi trên 97% DN đã tham gia sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, hải quan thì các cơ quan quản lý liên quan khác ngoài cơ quan tài chính vẫn yêu cầu DN cung cấp các hồ sơ thực hiện thủ tục thuế, hải quan dạng giấy. Điều này dẫn đến DN thường xuyên phải chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy, gây phiền hà, giảm tác dụng của việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan...

Lo ngại tính bảo mật

Bộ Tài chính cho rằng, sau hơn 10 năm, đến nay, phần lớn các quy định tại Nghị định 27 không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành. Các quy định chưa được sửa đổi của Nghị định 27 thiên về mô phỏng thực hiện theo phương thức giấy tờ truyền thống trên môi trường điện tử, chưa mạnh dạn khai thác lợi thế của phương thức điện tử (xử lý tự động, giảm thao tác thủ công và can thiệp của con người)... 

Do vậy, Bộ Tài chính đang trong quá trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 27. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này được mở rộng trong các lĩnh vực: Tài chính (ngân sách Nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách Nhà nước, dự trữ Nhà nước, tài sản công, các quỹ tài chính Nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính DN, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm (không bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp); dịch vụ tài chính.

Dự thảo cũng đề xuất nhóm chính sách về cụ thể hóa và mở rộng điều kiện chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử như sửa đổi, bổ sung quy định về chấp nhận giá trị pháp lý chứng từ điện tử; sửa đổi, bổ sung quy định về việc chuyển đổi chứng từ giấy sang chứng từ điện tử; bổ sung quy định về việc kiểm tra chứng từ, giao dịch điện tử bằng phương thức điện tử...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Hùng, cơ quan soạn thảo cũng lường trước những khó khăn về sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan liên quan. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền nhận thức đối với các cơ quan quản lý; DN, tổ chức, người dân sử dụng giao dịch điện tử; đặc biệt là các cơ quan giám sát. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng dự thảo Nghị định sửa đổi cần có thêm những quy định về an toàn bảo mật vì nguy cơ đánh cắp thông tin trên Internet là rất lớn.

“Nhiều DN vẫn sợ giao dịch bằng chữ ký số vì tất cả chứng từ thu chi, kế toán nếu không có quy chế kiểm soát thì rất có thể bị những người có chữ ký số đó lợi dụng…” - chuyên gia thuế, hải quan Đặng Thị Bình An nói. Ngoài ra, nếu an toàn hệ thống không đảm bảo thì nguy cơ lộ, lọt thông tin DN thông qua giao dịch điện tử là rất lớn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng rủi ro trong giao dịch điện tử là đương nhiên có, giống như giao dịch giấy tờ cũng không tránh khỏi rủi ro. “Tuy nhiên, Việt Nam đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng có những quy định cụ thể về vấn đề này, đồng thời trong dự thảo sửa đổi chúng tôi cũng xem xét toàn vẹn tính khả dụng, tính bí mật của các thông tin giao dịch” - ông Nguyễn Việt Hùng cho biết. 

(Theo einvoice.vn)