Cần cơ chế mở cho đường vành đai

ngày 23/05/2022

Khi làm đường vành đai, nhất là Vành đai 3 TP HCM, rất cần cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như Quốc hội đã cho phép thực hiện ở tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông để dự án triển khai nhanh, bảo đảm chất lượng

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội (ĐBQH), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho biết trong các kỳ tiếp xúc cử tri, rất nhiều cử tri mong muốn QH thông qua chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP HCM, đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội nói riêng và ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho Hà Nội và TP HCM nói chung.

. Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 3, QH sẽ xem xét, thảo luận, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP HCM và Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội. Ông nhận định gì về tầm quan trọng của việc đầu tư 2 dự án này, nhất là Vành đai 3 TP HCM?

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN

- PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Đầu tư hạ tầng giao thông là vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay của Việt Nam. Tại kỳ họp thứ 3 này, QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án lớn nhằm đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia, gồm: đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP HCM, đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đường Vành đai 3 TP HCM thuộc vùng Đông Nam Bộ. Khi đầu tư tuyến đường này sẽ tạo thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics. Cụ thể là kết nối các tuyến cao tốc của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long với Đông Nam Bộ, hình thành nên mạng lưới giao thông huyết mạch của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể là rút ngắn thời gian đi lại từ TP HCM đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An; các tỉnh Tây Nam Bộ đi ra khu vực phía Bắc... Khi khép kín tuyến đường này sẽ thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh với nhau, thúc đẩy kinh tế toàn diện cho các vùng và là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư tới những dự án liền kề Vành đai 3.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM còn giúp kết nối khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp tới vùng cốt lõi của khu vực Đông Nam Bộ; nâng cao năng lực cạnh tranh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng cường cơ hội và khả năng hợp tác đầu tư giữa các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Riêng với TP HCM, tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng khi mở ra hướng phát triển các đô thị mới của TP HCM và các thành phố vệ tinh; giúp phân luồng giao thông quá cảnh qua TP HCM, tránh ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng môi trường...

Cần nhấn mạnh vùng Đông Nam Bộ đầu não kinh tế của cả nước khi chiếm tới 40% GDP và 40% tổng thu ngân sách nhà nước. Đường Vành đai 3 TP HCM nếu hình thành, với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao sẽ tạo động lực, sức lan tỏa để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thị sát vị trí nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc TP HCM - Trung Lương vào ngày 19-5. Ảnh: THU HỒNG

. Được biết, tổng kinh phí đầu tư tuyến đường Vành đai 3 TP HCM rất lớn, khoảng 80.000 tỉ đồng. Cần những cơ chế, chính sách nào để dự án sớm hoàn thành, bảo đảm chất lượng, thưa ông?

- Dự án đường Vành đai 3 TP HCM dài khoảng 76,34 km, đi qua 4 địa phương: TP HCM (dài 47,51 km), Đồng Nai (11,26 km), Bình Dương (10,76 km) và Long An (6,81 km). Về tiến độ, dự kiến trong quý I/2023 giải phóng mặt bằng, khởi công vào quý II/2024, trong năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành phần cao tốc và hoàn thành toàn dự án vào năm 2026.

Để làm dự án này, ngân sách trung ương cấp 50%, phần còn lại là ngân sách địa phương. Vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển, vì vậy vốn không phải là điều quá băn khoăn. Nhưng điều chúng ta ngại nhất là thể chế. Do đó, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như QH đã cho phép thực hiện ở tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông bằng Nghị quyết 43 để triển khai dự án nhanh, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người dân; bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án.

Tôi cũng cho rằng Chính phủ cần tăng cường công tác đôn đốc, giám sát để các tuyến đường bộ cao tốc đang triển khai đồng loạt sớm hoàn thành, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, dở dang gây lãng phí, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của đất nước.

. TP HCM kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 3, TP HCM cần có một số cơ chế, chính sách đặc biệt. Quan điểm của ông về đề xuất này?

- TP HCM đã có những cơ chế về chính sách đặc thù giống như trong Nghị quyết 54/2017/QH2014 như HĐND được quyền quyết định những chủ trương đầu tư dự án nhóm A; được quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa... Như vậy, rõ ràng QH đã rất tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo TP HCM. Vì vậy theo tôi, nên phân cấp, phân quyền rộng hơn cho TP HCM để địa phương thực hiện nhiều dự án một cách nhanh chóng, tránh các vướng mắc về cơ chế làm chậm tiến độ. Tất nhiên, lãnh đạo TP HCM phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước trung ương về quyết định thực thi, triển khai các dự án tại thành phố.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/can-co-che-mo-cho-duong-vanh-dai-20220522210810387.htm