Cá chết hàng loạt: Kết quả bất ngờ sau phân tích mẫu nước biển ở Huế

ngày 27/04/2016

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã có kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lập An, cửa biển Lăng Cô thời điểm cá chết tràn lan.

Sáng 26/4, ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, xác nhận tại vùng biển gần bờ của xã này ở thôn Bình An 2, ngư dân tiếp tục phát hiện một con cá có trọng lượng lớn trôi dạt vào gần bờ.

Theo đó, vào khoảng 8h30 cùng ngày, khi ngư dân ra khơi tại vùng biển ở khu vực gần cảng Chân Mây (xã Lộc Vĩnh) thì phát hiện con cá vẩu khoảng 35kg còn thở, sắp chết và trôi lờ đờ trên mặt nước. Sau đó, người dân đã vớt con cá này lên bờ và tiến hành chôn cất. Đây là hiện tượng lạ vì cá này sống xa bờ.

Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã có kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lập An, cửa biển Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc vào thời điểm xuất hiện cá chết tràn lan.

Cá chết hàng loạt: Kết quả bất ngờ sau phân tích mẫu nước biển ở Huế - Ảnh 1

Con cá vẩu 35 kg trôi vào biển Chân Mây sáng nay. (Ảnh: NLĐO)

Kết quả cho thấy các chỉ tiêu về hóa lý như độ pH, hàm lượng ô xy hòa tan (DO), nhu cầu ô xy hóa học (COD), hàm lượng cyanua (CN-), tổng hàm lượng dầu mỡ, tổng các chất hoạt động bề mặt đều nằm trong giới hạn cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các thông số gồm tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, báo Người Lao Động đưa tin.

Theo đánh giá ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế, khả năng chất độc trong môi trường nước gây sự cố cá chết hàng loạt xuất hiện từ phía Bắc tỉnh này.

Cũng liên quan đến vụ việc, dư luận đang đặt câu hỏi số lượng cá chết đi về đâu? Báo Lao Động dẫn nguồn từ Tổng cục Thủy sản - Bộ NNPTNT cho biết đã có khoảng trên 40 tấn cá, tôm, hải sản các loại chết từ vùng biển Hà Tĩnh - Thừa Thiên-Huế trong thời gian này. Trong đó, Quảng Trị là địa phương có số lượng hải sản chết nhiều nhất (trên 30 tấn).

Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức; khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường; yêu cầu người dân không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường gây ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

 Cá chết hàng loạt: Kết quả bất ngờ sau phân tích mẫu nước biển ở Huế - Ảnh 2

Cá mới chết trôi dạt vào bờ sông Nhật Lệ (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) sáng 25/4. (Ảnh: LĐO)

Đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cho biết: C49 đang tăng cường điều tra, trinh sát để ngăn chặn tình trạng lén lút vận chuyển, buôn bán, chế biến số lượng cá chết.

Trong một diễn biến khác, có mặt tại Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa), báo Tuổi Trẻ đưa tin, ông Trần Vĩnh Long (ban giám đốc phòng năng lượng của công ty) cho biết ngày 11/12/2015 mới được phía cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép cho xả nước thải. Tổng lượng nước xả thải quý 1/2016 là 931.830m3, trong đó lượng xả thải bình quân mỗi ngày là 10.240m3.

Trả lời câu hỏi về việc từ đầu năm đến nay Formosa tiến hành súc rửa đường ống mấy lần, lần cuối cùng là khi nào, ông Khâu Nhân Kiệt (giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường Formosa) cho biết không thể nhớ mấy lần, chỉ nhớ lần gần nhất đây là vào khoảng tháng 3/2016.

“Trong quy trình súc rửa đường ống thì không chỉ dùng hóa chất mà chúng tôi còn dùng áp lực khí, áp lực nước (nước sạch)... để súc rửa. Về hóa chất súc rửa đường ống, chúng tôi dùng axit HCl, NaOH pha loãng. Sau quá trình súc rửa, các chất thải đều được xử lý an toàn theo tiêu chuẩn quy định mới thải ra môi trường (biển)”, ông này nói.

Nguồn Người đưa tin