Buôn tôm cá kiếm bộn tiền, bán nhà lầu thu bạc lẻ

ngày 03/01/2015

 Năm 2014, các đại gia buôn tôm cá gặt hái được nhiều thành công hơn đại gia bán nhà lầu.

Bán tôm cá kiếm bộn


Mặc dù suy giảm trong những tháng cuối năm nhưng tính chung cả năm, VN-Index đã có bước tăng trưởng khá tốt. Trong đó, cổ phiếu bất động sản liên tục được nhắc tới với nhiều phiên tăng trần liên tiếp. Thế nhưng, thủy sản mới là ngành mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư nhất.

MPC dẫn đầu với đà tăng chóng mặt. Sau 1 năm giao dịch, MPC tăng 83.400 đồng/CP, tương ứng 386% và chốt năm ở mức 105.000 đồng/CP. MPC tăng giá mạnh do công ty cổ phần Minh Phú kinh doanh thủy sản hiệu quả và mạnh tay trả cổ tức.

Cổ phiếu MPC bứt phá mạnh giúp vợ chồng ông chủ công ty Minh Phú kiếm bộn tiền trong năm 2014. Cụ thể, bà Chu Thị Bình, Phó giám đốc công ty Minh Phú có thêm 1.457 tỷ đồng. Tổng giá trị cổ phiếu MPC của bà Bình vọt lên con số 1.835 tỷ đồng. Bà Bình có vị trí cao trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

đại gia việt
Bà Nguyễn Thị Như Loan và bà Chu Thị Bình

Đứng sau bà Bình 2 bậc là ông Lê Văn Quang, chồng bà Bình. Ông Lê Văn Quang hiện đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Minh Phú. Nhờ đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu MPC, ông Quang có thêm 1.331 tỷ đồng.

Không đi lên mạnh mẽ như MPC nhưng VHC cũng là một trong những cổ phiếu thủy sản tăng đáng kể. Kết phiên ngày 31/12/2014, VHC dừng ở mức 37.900 đồng/CP sau khi có thêm 23.000 đồng/CP, tương đương 154% so với thời điểm cuối năm 2013.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) là người được hưởng lợi nhất khi VHC giao dịch lạc quan. Đà tăng của VHC mang về cho bà Khanh 1.048 tỷ đồng. Tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Khanh đạt 1.727 tỷ đồng.

Gây chú ý trên thị trường với những vụ tiêu tiền trăm tỷ nhưng công ty cổ phần Hùng Vương lại không được may mắn như Vĩnh Hoàn hay Minh Phú. Trong năm 2014, cổ phiếu HVG có tốc độ đi lên khiêm tốn hơn. Sau 1 năm giao dịch, HVG “chỉ” có thêm 6.200 đồng/CP và dừng ở mức 26.800 đồng/CP.

Điều đó khiến số tiền mà ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Hùng Vương kiếm được ít hơn các đồng nghiệp nữ. HVG chỉ giúp khối tài sản của ông Minh tăng thêm 311 tỷ đồng.

Bán nhà lầu nhặt bạc lẻ

Dù kiếm được ít tiền hơn các đồng nghiệp nữ nhưng số tiền có thêm trong tài khoản của ông Minh không hề nhỏ bé. Điều đó cho thấy sự thành công lớn mà các doanh nghiệp thủy sản gặt hái được trong năm 2014.

Trong khi đó, 2014 là năm thị trường bất động sản được nhắc tới nhiều khi nhiều phân khúc nóng lên trông thấy. Lượng tiêu thụ nhà ở tăng mạnh giúp các công ty địa ốc vượt khó. Tuy nhiên, những gì các công ty địa ốc làm được vẫn thua xa đại gia thủy sản.

Các đại gia thủy sản, người ít thì có thêm trăm tỷ trong tài khoản, người nhiều thì đơn vị tính được đổi sang ngàn tỷ. Nhưng một số đại gia địa ốc chỉ có cơ hội nhặt bạc lẻ.

Trong năm, dù có thời điểm giao dịch trên mệnh giá (10.000 đồng/CP) nhưng kết phiên 31/12, QCG chỉ dừng ở mức 9.700 đồng/CP. So với cuối năm 2013, QCG tăng 3.200 đồng/CP, tương ứng 50%. QCG giúp bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai có thêm 194 tỷ đồng.

Bà Loan là một trong những đại gia địa ốc kiếm được số tiền lên tới trăm tỷ đồng vì sở hữu lượng cổ phiếu “khủng”. Đa số các đại gia khác đều chỉ kiếm được “bạc lẻ”.

Tài sản của ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) chỉ tăng thêm 30 tỷ đồng trong năm 2014 khi cổ phiếu SCR tăng 1.600 đồng/CP lên 9.200 đồng/CP. SCR giao dịch kém lạc quan khi hoạt động của Sacomreal chưa có nhiều biến chuyển.

Ông Lý Điền Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) chỉ có thêm 28 tỷ đồng khi cổ phiếu KDH tăng 6.800 đồng/CP lên 20.200 đồng/CP.

Theo VTC News