Bác sĩ căng thẳng rút cọc gỗ 1m xuyên qua người đàn ông Quảng Ninh

ngày 19/06/2019

Bệnh nhân Nguyễn Văn T., 50 tuổi ở TP.Hạ Long, Quảng Ninh được chuyển vào BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu trong tình trạng vẫn còn nguyên cây cọc xuyên qua người, từ bụng ra sau lưng, đau đớn.

Anh T. cho biết, trong lúc đang trèo cây, không may bị trượt chân rơi xuống đúng cọc gỗ, may mắn được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời.

Bệnh nhân được chuyển thẳng tới BV cùng chiếc cọc xuyên qua người

Bác sĩ xác định bệnh nhân bị tổn thương rất sâu, nguy hiểm, cần xử trí càng nhanh càng tốt vì nguy cơ chảy máu trong cũng như suy hô hấp nguy kịch nên bệnh nhân lập tức chuyển thẳng phòng mổ cấp cứu.

BS Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại cho biết, kíp mổ đã cưa ngắn đoạn gỗ dài bên ngoài cơ thể, sau đó mở bụng để đánh giá tổn thương phía trong.

Qua đường mổ bụng thấy cây gỗ xuyên thành bụng trước, qua dạ dày, lá lách, cơ hoành lên ngực trái, đi qua thùy dưới phổi trái và đâm gãy 2 xương sườn ra sau lưng.

Khi đánh giá và kiểm soát được toàn bộ thương tổn do cây gỗ gây ra, các phẫu thuật viên đã khéo léo, cẩn trọng lấy đoạn gỗ găm sâu ra khỏi cơ thể bệnh nhân mà không gây mất máu ồ ạt. Kíp mổ tiếp tục cắt lách, khâu lại 2 mặt dạ dày, xử trí các tổn thương ở phổi và lồng ngực trái, đặt dẫn lưu ngực trái, khâu vỡ cơ hoành và làm sạch vùng tổn thương cho người bệnh. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật căng thẳng, ca mổ đã thành công.

Sau mổ 6 tiếng, bệnh nhân tỉnh và được rút ống nội khí quản. Hiện tại, sau hơn 1 ngày phẫu thuật, các chỉ số bệnh nhân ổn định, đã nói chuyện trở lại, tiếp tục theo dõi nguy cơ nhiễm trùng.

Bệnh nhân tiến triển tốt sau ca phẫu thuật

Theo BS Hùng, trường hợp của anh T. là tai nạn chấn thương hy hữu, trong trường hợp này phải rơi chính diện từ độ cao khá lớn thì một cây cọc gỗ đầu tù mới có thể đâm xuyên qua được cơ thể một người trưởng thành.

Tuy nhiên khá may mắn, cây cọc chủ yếu xuyên qua các vùng có thể xử trí an toàn, ít tác động tới các bộ phận quan trọng. Nếu đâm xuyên ở vị trí cao hơn hay thấp hơn là vào tim hay các mạch máu lớn thì hầu như bệnh nhân không còn cơ hội sống sót cho đến khi vào viện.

“Quá trình phẫu thuật chúng tôi phải tuyệt đối thận trọng, chọn đường mổ hợp lý để kiểm soát tốt vị trí tổn thương, hạn chế nguy cơ chảy máu cấp và không gây ảnh hưởng các cơ quan khác”, BS Hùng chia sẻ.

Nguồn: Báo VietnamNet