Ba trụ cột vĩ mô gồm chính sách tiền tệ, tỷ giá và tăng trưởng giúp định hình thị trường cuối năm, theo Giám đốc khối Chứng khoán Dragon Capital.
TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối Chứng khoán, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital phân tích, việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là động lực lớn nhất dẫn dắt nhà đầu tư trong nước quay trở lại thị trường.
So với hồi đầu năm, lãi suất tiết kiệm ở các ngân hàng giảm khoảng 3-4% đặc biệt từ kỳ hạn 6 tháng thúc đẩy dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân dịch chuyển sang các kênh sinh lời cao hơn, trong đó có chứng khoán.
Ngoài ra, cung tiền của nền kinh tế cũng có chỉ báo tích cực khi đã tạo đáy ở cuối 2022 và đang có xu hướng đi lên. Chuyên gia Dragon Capital nhận định, chính sách tiền tệ đang rất ủng hộ nền kinh tế, trong đó cấu phần quan trọng nhất là việc hạ lãi suất.
Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2023, VNDirect cũng chỉ ra xu hướng vận động ngược chiều nhau của VN-Index và lãi suất. VNDirect dự báo lãi suất tiết kiệm sẽ về vùng 6-6,5% có thể giúp VN-Index hình thành xu hướng tăng ổn định. Lãi giảm, trong bối cảnh lợi nhuận của doanh nghiệp trên sàn bắt đầu phục hồi giúp chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng định giá cao hơn.
Ngoài lãi suất, ông Lê Anh Tuấn đánh giá, chính sách tiền tệ được nới lỏng kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng có thể giúp nền kinh tế hồi phục, đồng thời, tạo tín hiệu tích cực hơn cho thị trường chứng khoán.
Đồng quan điểm, VNDirect nhận định, chính sách nới lỏng tài khóa và lãi suất trong nước giảm là hai yếu tố chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Công ty này dự báo, GDP 2023 đạt 5,5%, trong đó, giai đoạn nửa cuối 2023 có thể tăng trưởng 7,1%.
GDP tăng một phần đến từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ phục hồi trong các tháng cuối năm do "ngấm" các chính sách điều hòa nền kinh tế. Điều này giúp định giá của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
"Dự đoán tăng trưởng ESP của doanh nghiệp trên HoSE sẽ đạt 10,4% vào năm 2023 và 19,3 vào năm sau", báo cáo của VNDirect viết.
Ngoài ra, mức định giá của VN-Index vẫn tương đối hấp dẫn so với quá khứ và các nước trong khu vực. TS. Lê Anh Tuấn nói, mức định giá hấp dẫn quay lại giai đoạn trước Covid-19 sẽ thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư. Hiện, VN-Index giao dịch ở mức P/E 12,6 lần cho ước tính năm 2023. Mức định giá này thấp hơn trung bình 5 năm (14,5 lần) và trung bình năm 2021 (15,6 lần).
Một yếu tố mới có khả năng tác động đến thị trường chứng khoán ở phần còn lại của năm 2023 là dư địa của chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10-11/9. Việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở ra nhiều cơ hội trong trung và dài hạn.
Song bên cạnh các yếu tố trợ lực, thị trường cũng tiềm ẩn các yếu tố rủi ro như việc Fed có thể quyết liệt hơn trong việc thắt chặt các chính sách tiền tệ.
Dẫn chứng điều này, báo cáo của Chứng khoán KB Việt Nam cho biết, trong bối cảnh áp lực lạm phát trong nước đã hạ nhiệt, việc Fed giữ nguyên quan điểm diều hâu là yếu tố rủi ro chính cản trở xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, qua đó tiềm ẩn các rủi ro đối với thị trường chứng khoán.
GDP tăng chậm hoặc không như kỳ vọng cũng có thể khiến các doanh nghiệp duy trì mức độ EPS thấp. Dưới góc độ thận trọng hơn, sau khi ghi nhận tăng trưởng thấp ở quý II/2023, chứng khoán Yuanta điều chỉnh GDP dự báo cả năm 2023 về mức 4,9% so với mức 6% hồi cuối tháng 3. Đồng quan điểm, SSI Research duy trì dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm ở mức 4,5% - 5,0%.
Ngoài ra, chênh lệch giữa VND và USD có thể tạo áp lực lên tỷ giá, khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp rút khỏi Việt Nam, đồng thời gia tăng áp lực lên nợ công. Tuy nhiên, theo đại diện Dragon Capital, rủi ro từ tỷ giá không quá đáng ngại vì hiện Việt Nam đang đạt thặng dư về cán cân thanh toán và cán cân thương mại.
Trước các yếu tố sáng - tối đan xen, báo cáo của VNDirect đưa ra hai kịch bản dự báo, trong đó khả năng rơi vào kịch bản cơ sở chiếm xác suất 70%. Với kịch bản cơ sở, công ty này cho rằng VN-Index có thể đạt 1.300 điểm trong nửa sau năm 2023, tương ứng với mức P/E năm 13,3 lần. Với kịch bản tiêu cực hơn, VNDirect dự báo VN-Index ở ngưỡng 1.100 điểm trong phần còn lại của năm 2023.
Với việc đánh giá các yếu tố trợ lực và rủi ro của thị trường, báo cáo xu hướng thị trường chứng khoán cuối năm của KBVS giữ nguyên quan điểm VN-Index giao dịch quanh mức 1.240 điểm.
"Bối cảnh vĩ mô trong nước sẽ chỉ thực sự khởi sắc từ quý 4, trong khi quý 2 và quý 3 sẽ tiếp tục ảm đạm và đối diện với nhiều rủi ro khiến hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp tiếp tục kém khả quan", báo cáo nêu rõ.
Theo ông Tuấn, trong môi trường tiền tệ nới lỏng, lãi suất thấp, kinh tế vĩ mô ổn định và có dấu hiệu hồi phục như hiện nay, nhà đầu tư có thể xem xét chuyển một phần tài sản từ các kênh trú ẩn truyền thống như tiết kiệm, vàng, USD sang kênh có mức độ rủi ro cùng tiềm năng sinh lời cao hơn như cổ phiếu.
Kênh đầu tư chứng chỉ quỹ cũng tiềm năng cho nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm thực chiến. Với chứng chỉ quỹ, tiền của nhà đầu tư được quản lý bởi các chuyên gia tài chính nên có thể hạn chế được rủi ro và tối ưu lợi nhuận trong dài hạn.
nguồn: Vnexpress
-
Đề xuất không thả bóng bay trong Lễ khai giảng
-
Bắt đầu thử nghiệm `đường bay vàng`
-
Nên loại bỏ ngay tư duy huy động vàng trong dân thông qua ‘vàng giấy’
-
Tp Thanh Hóa : UBND tỉnh chính thức vào cuộc vụ cô giáo "lừa" học sinh đi tiếp khách
-
Cô gái mất tích bí ẩn, cả làng đi tìm
-
Thịt lợn 'đại kỵ' với những món này, đừng nấu chung kẻo rước họa vào người
-
Bỏ cả tỷ để 'nâng cấp', vợ nhận lại điều cay đắng không thể ngờ từ chồng
-
Khi nào cần điều trị cận thị? Điều trị cận thị bằng biện pháp nào?
-
Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tuyên dương 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân
-
Giết người vì bị “bắt lỗi” chửi tục