'ATM gạo' đưa lòng tốt của người Việt lan tỏa ra thế giới

ngày 17/04/2020

“Việt Nam không phải đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những quốc gia nhân ái nhất”.

Một độc giả người nước ngoài đã thốt lên như thế dưới bài viết đăng trên tờ báo The Straits Times của Malaysia về những cây “ATM gạo” được lắp đặt ở Việt Nam nhằm giúp người nghèo có lương thực tránh đói trong mùa dịch.

Xuất hiện chưa lâu, những chiếc máy phát gạo miễn phí này đã thu hút sự quan tâm của nhiều tờ báo, hãng thông tấn quốc tế. Ý tưởng mới lạ, hành động thiết thực giữa mùa dịch là những gì người ta nói về “ATM gạo”.

Nhưng hơn cả lương thực, những chiếc máy này đang cho đi sự tử tế, lan tỏa lòng tốt của người Việt ra thế giới.

Người dân nhận gạo miễn phí tại cây “ATM gạo” đầu tiên ở Hà Nội (được đặt ở Trung tâm Thể thao - Văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) hôm 11/4. Ảnh: Hải Nam.

“Điều tuyệt vời tưởng như không thể có”

Gõ từ khóa “rice ATM” vào thanh tìm kiếm của Google, khoảng 28 triệu kết quả được trả về trong vòng 0,36 giây. Cụm từ này cũng xuất hiện trên tiêu đề các bài viết đăng trên tờ báo, hãng thông tấn quốc tế như Reuters (Anh), CNN (Mỹ), NHK (Nhật Bản), EFE (Tây Ban Nha)... những ngày qua.

“Một chiếc máy phát gạo miễn phí, điều tuyệt vời tưởng như không thể có nhưng lại là sự thật. Những chiếc máy ‘ATM gạo’ này được lắp đặt trên khắp Việt Nam để giúp những người đang cần được hỗ trợ nhất trong dịch Covid-19”, trích bài đăng trên CNN ngày 13/4.

Hãng tin của Mỹ còn đưa chi tiết rằng ở Hà Nội, gạo được phát từ 8-17h mỗi ngày. Mọi người được yêu cầu đứng xếp hàng cách nhau 2 m và phải rửa tay sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn trước khi nhận gạo.

Ở trung tâm TP Huế, máy ATM cung cấp khoảng 2 kg gạo miễn phí cho mỗi người dân địa phương. Tại TP.HCM, “ATM gạo” hoạt động 24/7. Còn ở Đà Nẵng, 2 máy phát gạo miễn phí sẽ được sớm lắp đặt.

Hình ảnh người dân Việt Nam tìm tới các địa điểm phát gạo miễn phí trong mùa dịch xuất hiện trong bài đăng của các hãng thông tấn quốc tế. Ảnh: Reuters, AFP.

Cùng ngày 13/4, hãng thông tấn Reuters khen ngợi sáng kiến máy phát gạo tự động 24/7 cho những người thất nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19.

Bài báo cũng dẫn lời của anh Hoàng Tuấn Anh - chủ nhân sáng kiến “ATM gạo” với chiếc máy đầu tiên đặt ở quận Tân Phú (TP.HCM) - cho biết: “Tôi gọi chiếc máy này là ‘ATM gạo’ vì mọi người có thể lấy gạo từ đó và mong họ hiểu rằng, ngoài kia vẫn có những người tốt muốn trao cho họ cơ hội thứ hai”.

Sau đó, hàng loạt tờ báo như New York Times, US News, New York Post (Mỹ), British Herald (Anh), ABC News (Australia), The Bangkok Post (Thái Lan), Times of India (Ấn Độ), Gulf News (UAE), Taipei Times (Đài Loan), Al Jazeera (Qatar)… đăng tải lại thông tin trên từ Reuters.

Trong khi đó, hãng thông tấn EFE ca ngợi sáng kiến “ATM gạo” là “ý tưởng mới lạ”. Còn tờ IBTimes (Mỹ) nói đây là cách làm “rất tài tình” giữa mùa dịch.

Channel News Asia nói thêm rằng có nhiều cá nhân và tổ chức tích cực quyên tặng từ vài chục đến hàng trăm kg gạo cho dự án ý nghĩa này.

Ngoài ra, thông tin về các cây “ATM gạo” được lắp đặt ở Việt Nam cũng lan tỏa khắp mạng xã hội. Trên mạng xã hội Weibo, cư dân mạng Trung Quốc để lại nhiều bình luận khen ngợi ý tưởng này. Dân mạng từ Malaysia, Ấn Độ bày tỏ mong muốn những cây “ATM gạo” tương tự được lắp đặt ở nước mình.

Giữa dịch bệnh, lòng nhân ái càng trở nên đáng quý

Câu chuyện về những cây “ATM gạo” ở Việt Nam thu hút sự quan tâm của cả thế giới có lẽ vì truyền đi cảm hứng, thắp lên hy vọng trong những ngày khó khăn.

Được gieo mầm từ tinh thần tương thân tương ái, không tuân theo bất cứ kế hoạch hay chỉ đạo nào, những dòng gạo chảy suốt ngày đêm được trao đi bằng lòng tốt, sự tử tế giữa người với người.

Cứ thế, sau cây phát gạo tự động đầu tiên ở quận Tân Phú (TP.HCM) của anh Hoàng Tuấn Anh, nhiều máy “ATM gạo” đã được lắp đặt thêm ở nhiều địa điểm trong thành phố. Mục tiêu của anh Tuấn Anh và cộng sự là hoàn thành 100 máy để lắp đặt từ Bắc vào Nam.

Theo ghi nhận của phóng viên Zing, hôm 11/4, cây “ATM gạo” đầu tiên ở Hà Nội được đặt ở Trung tâm Thể thao - Văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đã vận hành và phát hàng trăm kg gạo cho người lao động, khó khăn.

Tiếp đó, người dân cũng có thể đến nhận gạo miễn phí ở Đại học Kinh tế Quốc dân hay Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Thông tin quận Bắc Từ Liêm.

Ở Đắk Lắk, địa điểm đặt máy “ATM gạo” đầu tiên là tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Từ ngày 15/4, người dân Bình Định cũng có thể tới nhà văn hóa tỉnh để xếp hàng nhận gạo từ thiện. Hoạt động này cũng được triển khai tại số nhà 335 đường Nguyễn Văn Linh, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Trong buổi sáng 16/4, hơn 2.000 lượt người xếp hàng chờ lấy gạo miễn phí tại cây “ATM gạo” ở nhà văn hóa Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Việt Linh.

Những người đến xếp hàng nhận gạo miễn phí hầu hết là người cao tuổi, trung tuổi. Họ là những người làm việc tự do, vì ảnh hưởng của dịch bệnh mà mất việc, phải sống nhờ những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi và dựa vào các địa điểm phát đồ ăn từ thiện như này.

Mỗi kg gạo giá trị khoảng vài chục nghìn đồng nhưng cũng đủ giúp một gia đình đang gặp khó khăn không phải nhịn đói, ít nhất là 1-2 ngày giữa mùa dịch.

Đến nhận hỗ trợ ở cây “ATM gạo” quận Tân Phú (TP.HCM) hôm 11/4, bà Bùi Thị Kim Hoa (quận Phú Nhuận) cho Zing biết khoảng 2 kg gạo được nhận mỗi ngày giúp gia đình thoát đói. 5 năm nay, bà bán vé số mưu sinh, từ khi được thông báo ngừng hoạt động bán vé số, gia đình bà lâm cảnh khó khăn.

“Chẳng nói quá, nhưng nếu không có những phần gạo từ thiện này tôi không biết gia đình mình lấy gì ăn”, bà Hoa nói.

Còn với bà Lý (78 tuổi, ở Nghĩa Tân, Hà Nội) - người lâm vào cảnh thất nghiệp vì hàng bán vàng mã phải đóng cửa - túi gạo 3 kg nhận được từ cây ATM tại nhà văn hóa Nghĩa Tân thật sự quý giá, bởi nó giúp bà bớt gánh nặng khi đang nuôi 4 người thân gồm một người chạy thận, 2 người tâm thần, người còn lại ốm yếu.

Niềm vui ánh lên đôi mắt những người tới nhận gạo từ thiện tại các cây ATM đặc biệt vì có thể an tâm thoát đói trong ít nhất 2-3 ngày tới. Ảnh: Hải Nam, Phạm Ngôn.

Nhìn cảnh tượng mỗi người ra về với túi gạo đầy ắp và niềm vui ánh lên trong đôi mắt vì có thể an tâm thoát đói trong ít nhất 2-3 ngày tới, nhiều người bỗng cảm thấy ấm lòng.

Và nhìn cách người nghèo đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, hợp tác khai báo danh tính rồi xếp hàng chờ lấy gạo kiểu giãn cách 2 m đúng như khuyến cáo, nhiều người cũng chợt mỉm cười, cảm ơn lòng nhân ái và tự trọng của họ.

Dù một vài trường hợp chen lấn, xô đẩy, tranh giành nhau xảy ra ở cây “ATM gạo” Hà Nội hôm 14/4, tình trạng này nhanh chóng được khắc phục để hoạt động tốt đẹp tiếp tục được diễn ra.

Đâu đó trên mạng có người nhận xét rằng lòng nhân ái sinh ra và cứ thế nhân lên từ đây, dù đất nước chúng ta còn nghèo. Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi, nhưng lòng tốt, sự tử tế, tình yêu thương được lan tỏa từ những cây “ATM gạo” trong thời điểm khó khăn này sẽ là điều đọng lại.


Nguồn: Báo Zing