Mẹ chồng đổi tính nết đổ vạ con dâu trộm cắp, nguyên nhân đằng sau mới thực đáng thương

ngày 24/11/2021

Chứng sa sút trí tuệ kèm theo hoang tưởng khiến mẹ chồng chị Hà luôn nghi ngờ con dâu làm những điều sai trái.

Gia đình bất hòa khi người già nhớ nhớ, quên quên

Chị Vũ Thị Hà (phường Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự rằng hai vợ chồng chị cưới nhau được hơn 6 năm nhưng khoảng 2 năm gần đây thường xuyên có mâu thuẫn, thậm chí nhiều lần chị đã nghĩ tới ly hôn. Theo chị thì nguyên nhân của những mâu thuẫn đó xuất phát từ cảnh sống chung với mẹ chồng.

Mẹ chồng chị Hà năm nay 70 tuổi. Năm 36 tuổi bà mới sinh được người con trai duy nhất nên rất cưng chiều con. Chồng chị cũng vô cùng yêu thương mẹ nên không có ý định ra ở riêng.

Ban đầu, cuộc sống hôn nhân diễn ra bình lặng. Chỉ tới khi chị Hà sinh bé thứ 2 thì bà nội mới thay tính đổi nết. Bà thường xuyên “soi” lỗi con dâu. Có lần bà để quên đồ ở đâu đó nhưng lại đổ cho con dâu lấy trộm. Nhiều đêm bà không ngủ mà đi lang thang quanh nhà để kiểm đếm đồ đạc xem có mất gì không.

Mỗi lần như vậy chị Hà và mẹ chồng lại xung đột, trong khi chồng chị thì bênh mẹ chằm chặp và quay sang mắng vợ.

Ảnh minh họa

Còn trường hợp nhà Nguyễn Văn Quân (quận Long Biên, Hà Nội) cũng không khác gì. Vợ chồng anh Quân sống chung với bố mẹ anh trong căn hộ chung cư 130m2 với 3 phòng ngủ, 2 phòng vệ sinh. Tuy nhiên, thời gian gần đây tính tình bố anh thay đổi. Ông không thích sử dụng nhà vệ sinh chung mà lại đi vào phòng ngủ của con trai để dùng. Mỗi lần như vậy, vợ anh lại khó chịu.

Nhiều lần anh dặn bố nhưng rồi ông lại quên. Có lúc hai vợ chồng đang ngủ, đèn điện lại bật sáng trưng để ông vào đi vệ sinh.

Hai vợ chồng anh rơi vào cảnh cãi nhau liên miên vì tính tình ông thay đổi. Chỉ đến khi anh Quân đưa bố đi kiểm tra sức khỏe mới biết ông mắc chứng sa sút trí tuệ trầm trọng nên hay quên quên, nhớ nhớ.

Triệu chứng của sa sút trí tuệ tuổi già

Thạc sĩ Bùi Văn San - phòng M8, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cho biết sa sút trí tuệ là nhóm bệnh suy giảm trí nhớ, giảm khả năng suy nghĩ và giao tiếp xã hội. Triệu chứng này ảnh hưởng rất nhiều tới xã hội.

Hằng ngày, nhiều người than phiền về trí nhớ của mình nhưng sa sút trí tuệ khác với việc chúng ta quên quên, nhớ nhớ do nhiều việc.

Nguyên nhân dẫn tới chứng sa sút trí tuệ: Alzheimer là bệnh phổ biến do đột biến gen và di truyền; Các tổn thương mạch máu ví dụ như do đột quỵ gây tổn thương khác nhau; một số tổn thương ở vỏ não sau đột quỵ thì sau này biểu hiện sa sút trí tuệ rất rõ ràng. Ngoài ra, các chấn thương sọ não do tai nạn, lúc đầu bệnh nhân được can thiệp qua cơn nguy kịch nhưng sau đó sẽ có ảnh hưởng dẫn tới chứng sa sút trí tuệ.

Triệu chứng của sa sút trí tuệ:

Thứ nhất, trí nhớ người bệnh thường có triệu chứng khó nhớ, khả năng giao tiếp khó hơn, không tìm được từ giao tiếp.

Thứ hai, nhận thức thay đổi, trước nhận thức vấn đề nhanh nhưng giờ chậm.

Thứ ba, khả năng tri giác về thời gian, không gian bị lẫn, đi lạc đường.

Thứ tư, khó khăn trong làm việc, giải quyết các vấn đề. Ví dụ như nấu cơm quên cho nước, để lẫn lộn vị trí các đồ dùng...

Thứ năm, khó khăn trong vận động, tắm gội.

BS Bùi Văn San cho biết, trong thực tế còn có nhiều bệnh nhân có thêm ảo giác, hoang tưởng nghi ngờ có người theo dõi mình, lấy đồ của mình. Bệnh nhân có thể thay đổi tính cách, ăn mặc cẩu thả hơn, ghen tuông, có xu hướng trầm cảm, thu mình lại. Nếu nặng hơn có hành vi đi kèm, rối loạn về đêm. Nhiều trường hợp sa sút trí tuệ la hét suốt đêm khiến gia đình đảo lộn.

Khi thấy người già có các triệu chứng này, con cái không nên xem nhẹ đó chỉ là bệnh tuổi già mà cần đưa người bệnh đi kiểm tra để giảm bớt gánh nặng cho mỗi gia đình. Các bác sĩ có thể cho thuốc để giảm bớt cảm xúc, hành vi của bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân sa sút trí tuệ có thể kèm theo các bệnh lý khác như rối loạn điện giải, bệnh cấp tính tăng hạ đường máu... cần được điều trị.

Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/chuyen-nha/me-chong-doi-tinh-net-do-va-con-dau-trom-cap-nguyen-nhan-dang-sau-moi-thuc-dang-thuong-397775.html