Là học sinh thứ hai mang cầu truyền hình Olympia về trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) sau 17 năm, Nguyễn Việt Thái không nghĩ bản thân có thể đạt kết quả như vậy.
Muốn khẳng định chất riêng
Nguyễn Việt Thái bén duyên với sân chơi Đường lên đỉnh Olympia từ năm 11 tuổi khi tham gia cổ vũ trong trận chung kết năm 2015. Từ đó em luôn có ước nguyện được đứng trên sân khấu truyền hình tự tin, tỏa sáng thể hiện chính mình.
Đại diện cho THPT chuyên Ngoại ngữ sau một thời gian dài "vắng bóng" ở chung kết Olympia, Việt Thái thấy áp lực hơn bao giờ hết. Dù vậy, nam sinh tự nhủ sẽ biến áp lực thành động lực, không ngừng cố gắng mang về thành quả cho bản thân, khẳng định "chất" riêng của trường chuyên ngữ trên đấu trường Olympia năm thứ 21.
Để chuẩn bị cho chung kết năm, Thái vạch ra kế hoạch chi tiết, liên kết các thông tin để có chiến thuật tối ưu với đối thủ. Em rất ít khi xây dựng kế hoạch cho một ngày mà thay vào đó là kế hoạch cho một tuần. Ngoài việc đảm bảo tiến độ bài học trên lớp, em còn đọc thêm nhiều tài liệu để chuẩn bị cho Olympia chung kết năm.
Thái dự kiến không ôn quá nhiều kiến thức trong sách giáo khoa, mà chuyển sang đọc báo, tìm hiểu sự kiện thời sự và nghiên cứu sâu hơn các câu hỏi có thể gặp.
Cậu học sinh lớp 11 hiểu rõ thế mạnh của mình là phần thi Khởi động. Cậu tự tin ở khả năng đọc nhanh và lọc dữ liệu từ câu hỏi. Đây cũng là khả năng thiên bẩm của Thái - biết nói từ 27 tháng tuổi và biết đọc, ghép chữn Tiếng Việt khi tròn 30 tháng tuổi.
Tuy nhiên, đọc nhanh không phải là yếu tố duy nhất cần rèn luyện mà sự phản xạ và sở hữu kiến thức rộng vô cùng quan trọng. Em nghĩ mình gặp may ở phần thi Tăng tốc vì các câu hỏi IQ ở phần thi này là thứ luôn khiến em e ngại.
Nhờ vào việc thường xuyên đọc báo mạng, đọc các thông tin thời sự, Thái thấy bản thân có hiểu biết khá tốt về kiến thức xã hội. Ví dụ, trong cuộc thi Quý 2 phát sóng ngày 21/3, Thái đọc những thông tin liên quan, những sự kiện sẽ diễn ra như kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn… Quá trình tìm hiểu và tích lũy thông tin giúp em trả lời đúng câu hỏi phần thi Vượt chướng ngại vật khi chương trình chỉ mới đưa ra một gợi ý.
Biết đọc từ 2 tuổi
Chị Phạm Thị Tú - mẹ của Nguyễn Việt Thái chia sẻ, từ bé Thái lộ rõ sở thích với sách vở khi hay đòi chơi sách. Lắm khi, chị đưa sách hoặc quyển vở viết chữ ngoáy tít của người lớn mà cậu bé cứ quay ngược quay xuôi để xem.
Đến 2 tuổi rưỡi thì chị phát hiện con biết đọc. Trước đó thì con có đọc những chữ thường gặp trên ti vi như thời sự, phim truyện, hoặc đọc tên chị… Chị nghĩ con nhìn mấy chữ quen quen, người lớn nói nhiều thì con nhớ chứ không phải do con biết đọc.
Đến một ngày về nhà ông bà ngoại chơi, Thái đứng trước bản đồ to của nhà đọc vanh vách các tên trên bản đồ. Ông bà ngoại mang thử báo ra kiểm tra thì thấy Thái vẫn đọc được, chỉ có lỗi sai dấu.
Khi vào học lớp 1, Thái biết đọc chữ và làm các phép toán. Khi ấy chị Tú định cho con học vượt cấp nhưng vì con mới biết đọc mà không biết đánh vần, chưa biết viết chữ nên gia đình quyết định cho cậu học như bình thường.
Ngoài khả năng thông minh trời phú, Việt Thái cũng thừa hưởng khả năng ngôn ngữ của bố mẹ. Bố của em từng học tiếng Nga, mẹ em theo đuổi tiếng Pháp. Bởi vậy, Thái được gia đình cho học ngoại ngữ từ khi còn rất nhỏ. Lên đến bậc THPT, Thái chọn học lớp chuyên tiếng Đức, trường chuyên Ngoại ngữ. Thái luôn muốn thử sức và đầu tư thời gian vào ngoại ngữ thứ 2 thành thạo, giao tiếp tốt như vốn tiếng Anh của bản thân.
Ở trường, nam sinh lớp 11 tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Tiêu biểu, dự án gần nhất là "Nhạc đỏ" đã giúp em vượt qua 2 câu hỏi chướng ngại vật trong cuộc thi Olympia với từ khóa "Trường Sơn" ở cuộc thi Tuần và "Thanh niên làm theo lời Bác" ở cuộc thi Quý.
Thái có sở thích theo dõi rất nhiều chương trình game show đố vui. Nhờ đó em học được nhiều điều, trong đó cách những người chiến thắng "ăn mừng" cũng truyền cảm hứng cho em. Nam sinh 16 tuổi tự tin sẽ không để lãng phí những phút xuất hiện trên sóng truyền hình.
Nhà leo núi Việt Thái có đam mê nhất định với công việc lập trình máy tính, yêu thích những con số. Tin học khiến em hứng thú bởi em được tiếp xúc với máy tính từ sớm nhờ những cuộc thi giải toán trên mạng. Với khả năng lập trình, đồ họa em có thể làm lại các chương trình yêu thích trên phần mềm. Em dự định sẽ thi tuyển ngành công nghệ thông tin của một trường kỹ thuật nào đó để học hỏi và phát triển thế mạnh.
Về cơ hội du học, Thái nói em biết nước ngoài là môi trường đáng để thử sức, nhưng đó không phải là lựa chọn hàng đầu với nam sinh này. Thái nghĩ bản thân sẽ ở lại Việt Nam. Em nhận thấy hiện tượng "chảy máu chất xám" là vấn đề gây tranh cãi với cuộc thi có phần thưởng lớn như Olympia.
Với Thái, hướng về cội nguồn thì sẽ không thiếu cách để thể hiện, không bằng cách này thì bằng cách khác, không trở về nước thì họ vẫn có thể đóng góp từ trời Tây, từ phương xa.