Yên tâm đón Tết

ngày 24/01/2022

Thương lái lùng sục thu mua để phục vụ nhu cầu thị trường do sản lượng ít hơn các năm trước nên hoa, kiểng và nhiều loại trái cây, sản vật ở ĐBSCL đang hút hàng, được giá, nhà nông thắng lớn vụ Tết Nhâm Dần 2022

Những ngày này, tại các khu vực trồng hoa, kiểng và vườn cây ăn trái ở ĐBSCL luôn rộn vang tiếng cười nói của bà con nông dân lẫn thương lái thu mua. Ai nấy đều tất bật vận chuyển hoa, trái đến các điểm tập kết để thương lái sẵn sàng đưa tới các chợ tiêu thụ.

Hoa, kiểng: Cầu vượt cung

Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Tết năm nay, cúc tiger, cúc Đài Loan, cúc pha lê, cúc mâm xôi, hoa hồng các loại, hạnh (tắc), vạn thọ, cát tường, hoa đồng tiền, bông giấy… được trồng chủ lực tại làng hoa Sa Đéc. Ngoài ra, nông dân còn sưu tầm một số giống hoa từ nước ngoài và cấy ghép một số loại có tính đặc thù như: hồng xanh, hồng siêu nụ, bông trang thơm... Sản lượng hoa kiểng Tết của nông dân Sa Đéc trồng và cung cấp cho thị trường Tết ước khoảng 1,5 triệu giỏ các loại.

Ông Nguyễn Văn Tài - ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc - năm nay trồng gần 9.000 giỏ cúc mâm xôi mà không đủ bán cho thương lái. "Chỉ 1 tháng trước, vợ chồng tôi như ngồi trên lửa vì chờ hoài mà chẳng thấy bóng dáng thương lái nào đến mua hoa. Sợ dịch bệnh bán không được hoa nên khi có người hỏi mua, tôi liền bán gần phân nửa vườn với giá 155.000 đồng/cặp. Sau đó, nhiều thương lái đến mua nên tôi bán được 180.000 đồng/cặp. Trừ chi phí, tôi lãi hơn 200 triệu đồng, khá hơn mọi năm" - ông hồ hởi.

Theo ông Tài, nhiều nhà vườn đã chủ động giảm diện tích cúc mâm xôi nên sản lượng loại hoa này tại làng hoa Sa Đéc giảm phân nửa. Do hoa hút hàng nên mấy ngày gần đây, nhiều nhà vườn đã bán với giá hơn 200.000 đồng/cặp. Ngoài ra, sản lượng hoa, kiểng Tết giảm khiến nguồn cung giảm theo; giá thành sản xuất, vật tư, phân bón tăng nên giá hoa bán ra cũng tăng 10.000 - 15.000 đồng/chậu, tùy loại.

Nhà vườn ở làng hoa Sa Đéc phấn khởi vì giá hoa, kiểng Tết tăng cao so với những năm trước. Ảnh: TÂM MINH

Tết năm nay, ông Phạm Văn Khoa, chủ vườn hồng Mười Lý ở xã Tân Khánh Đông, đã mạnh dạn chuyển đổi 2 công đất trong số hơn 10 công đất của gia đình để đầu tư trồng cúc pha lê. Tùy theo kích thước chậu hoa, vườn cúc pha lê của ông Khoa đã được thương lái mua toàn bộ với giá từ 70.000 đồng đến 1.250.000 đồng/chậu.

Ông Khoa nhớ lại: "Năm nay, nghĩ rằng dịch bệnh khó khăn nên tôi đã thay đổi giống hoa cho phù hợp nhu cầu thị trường. Nhờ thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt nên vườn cúc pha lê của gia đình tôi đạt 100%, bán xong trừ chi phí còn lãi hơn 300 triệu đồng".

Bên cạnh đó, nắm bắt được nhu cầu thị trường có thể sẽ khan hiếm hoa trưng bày dịp Tết do nhiều nông dân ít trồng vì lịch xuống giống trùng với thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, nhiều hộ tại làng hoa Sa Đéc đã nhạy bén trồng thêm một số giống mới mang lại giá trị kinh tế cao.

Tại Bến Tre, nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Lách cũng đang chộn rộn vì hoa, kiểng hút hàng nhưng không có nhiều để bán. Ông Nguyễn Văn Liệt - ngụ xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách - cho biết năm nay, ai trồng hoa, kiểng Tết ở địa phương này đều thắng lớn do thương lái lùng sục thu mua.

"Loại hoa bán chạy nhất là cúc mâm xôi, được thương lái mua khoảng 150.000 đồng/cặp nhưng nhiều nhà vườn không có nhiều để bán. Ngoài ra, các loại như vạn thọ, cúc Hà Lan cũng đắt hàng. Do năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà vườn chủ động giảm sản lượng hoa Tết nên hiện nay cầu vượt cung" - ông Liệt giải thích.

Vừa điều khiển nhân công khiêng 300 chậu mai lên xe tải cho khách hàng chở ra Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đấu - ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách - vừa khoe: "Không chỉ cúc, tắc mà mai vàng cũng đang rất hút hàng. Vụ Tết năm rồi, tôi trồng 2.000 chậu, giá bán chỉ từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/chậu. Năm nay, do tình hình dịch bệnh, tôi giảm sản lượng chỉ còn 300 chậu nhưng đầu tư nâng chất lượng cho mai đẹp hơn. Một khách hàng tại Hà Nội đã mua hết 300 chậu mai này với giá dao động từ 1 triệu đến gần 20 triệu đồng/chậu".

Giá cua biển Cà Mau cũng đang tăng mạnh. Ảnh: VÂN DU

Xoài, bưởi, cua biển hút hàng, tăng giá

Cùng niềm vui với những nhà vườn trồng hoa, kiểng mấy ngày qua, nhiều loại trái cây chưng Tết bắt đầu tăng giá mạnh, thương lái đến tận nơi "xí" phần khiến người trồng ở ĐBSCL hết sức phấn khởi. Suốt thời gian dài ảnh hưởng dịch, nhiều nhà vườn bắt đầu nở nụ cười thật tươi, hy vọng đón cái Tết thật ấm áp, an lành.

Ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc HTX Xoài cát Hòa Lộc (tỉnh Tiền Giang), cho biết: "Tết năm nay, xoài cát rất được giá nhưng tiếc là sản lượng ít do bị mất mùa. HTX chúng tôi có khoảng 5 tấn xoài bán trong dịp Tết, chủ yếu phục vụ thị trường TP HCM. Nhiều cơ quan, đơn vị cũng mua xoài để biếu, tặng. Xoài cát loại 1 (2 trái/kg) hiện có giá 85.000 đồng/kg, cận Tết dự báo còn tăng lên khoảng 100.000 đồng/kg".

Tại một số địa phương như Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre…, bưởi da xanh đang tăng giá 5.000-10.000 đồng/kg. Theo đó, bưởi loại từ 1,4 kg/trái trở lên còn cành, lá để chưng Tết được thương lái mua tại vườn với giá 29.000 - 30.000 đồng/kg, loại 1,2-1,4 kg/trái có giá 26.000-28.000 đồng/kg.

Trong khi đó, đến hẹn lại lên, giá cua biển tại Cà Mau đang tăng mạnh do nhu cầu mua loại sản vật nức tiếng miền Tây này để làm quà biếu người thân, bạn bè tăng cao vào dịp Tết. Theo ông Nguyễn Văn Luận - ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau - cua gạch được thương lái đến tận vuông thu mua với giá 700.000 đồng/kg, cua y nhất 300.000 đồng/kg…

Ông Luận hào hứng: "Mỗi ngày, tôi đặt rập được khoảng 4 kg cua các loại, thu được trên dưới 2 triệu đồng. Cua tăng giá dịp này giúp gia đình tôi và nhiều hộ nuôi khác có thêm một khoản kha khá để lo cho gia đình có cái Tết đầy đủ và tươm tất hơn". Lão nông Nguyễn Văn Quân, có vuông nuôi cua kế bên ông Luận, bày tỏ: "Những ngày này, chỉ cần mỗi ngày bắt vài ký cua bán thì gia đình có thể yên tâm đón Tết. Nếu không có gì thay đổi, giá cua sẽ còn tiếp tục tăng cho đến Tết".

Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su/yen-tam-don-tet-20220123190359646.htm