Xuất khẩu gạo gặp khó

ngày 15/02/2017

Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 6,748 triệu tấn gạo, năm 2014 là 6,461 triệu tấn, năm 2015 đạt 6,615 triệu tấn và năm 2016 giảm mạnh còn 4,890 triệu tấn.

Năm 2016, cả nước xuất khẩu được 4,890 triệu tấn gạo các loại, trị giá hơn 2,128 tỉ USD, về số lượng giảm 25,54%, về giá trị giảm 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình xuất khẩu gạo năm nay sẽ tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế thế giới sút giảm; xu hướng tự túc lương thực, hạn chế nhập khẩu ở các nước tăng lên; cộng với xu hướng tăng tiêu thụ thực phẩm lúa mì và bắp do nguồn cung dồi dào, giá rẻ.

Khách hàng truyền thống cũng cắt giảm nhập khẩu

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết xuất khẩu gạo ngày càng khó khăn, do dự trữ gạo tăng, giá cả cạnh tranh, nguồn cung dồi dào. Nhiều nước nhập khẩu gạo tăng cường sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu. Chẳng hạn những năm trước Việt Nam thường xuất khẩu một lượng lớn cả triệu tấn gạo sang Philippines nhưng năm 2016 vừa qua Việt Nam chỉ bán được cho Philippines khoảng 200.000 tấn. Cũng theo ông Năng, vừa rồi khi ký lại thỏa thuận với nước này họ cũng chỉ gia hạn nhập khẩu 200.000 tấn nhưng cũng không xác nhận thời gian và số lượng cụ thể. Ngoài ra, Philippines còn đưa ra thông tin là đến năm 2019 sẽ dừng nhập khẩu gạo. Một khách hàng lớn khác là Indonesia trong năm ngoái đã không còn nhập khẩu gạo từ Việt Nam và năm nay cũng vậy.

Một thị trường lớn khác là Trung Quốc, lâu nay vẫn tiêu thụ một lượng lớn gạo, nếp từ Việt Nam nhưng thời gian gần đây đã lập hàng rào kỹ thuật về việc nhập gạo từ Việt Nam bằng cách Tổng cục Chất lượng Trung Quốc tiến hành khảo sát các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam và họ chỉ chọn 22 đơn vị. Trung Quốc còn đặt vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cho mặt hàng gạo. Lâu nay phía Trung Quốc không hạn chế nhập khẩu nếp từ Việt Nam nhưng sắp tới, họ sẽ áp dụng quota đối với mặt hàng này.

Xuất khẩu gạo gặp khó - 1

Giá lúa gạo trong nước không giảm cũng gây khó cho xuất khẩu

Cũng theo ông Năng, giá gạo của Việt Nam trên thế giới liên tục giảm trong thời gian qua và giá thế giới cũng có xu hướng giảm. Trong khi đó, giá lúa gạo trong nước lại không giảm, thậm chí có thời điểm còn tăng. Điều này gây khó khăn cho các DN xuất khẩu gạo trong thời gian qua cũng như sắp tới.

Tồn kho tăng

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng lúa gạo niên vụ 2015-2016 ước giảm 1,3% so với vụ trước đó. Thế nhưng vụ 2016-2017 sản lượng ước đạt kỷ lục 480 triệu tấn gạo, cao hơn năm trước 1,6%. Sản lượng toàn cầu tăng chủ yếu do tăng diện tích trồng lúa ở các nước Úc, Myanmar, Brazil, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Thái Lan, Mỹ, Philippines.

Cũng theo USDA và FAO, lượng lúa gạo tồn kho toàn cầu liên tiếp tăng trong 3 năm qua, kể cả niên vụ 2016-2017 cũng sẽ tiếp tục tăng do sản lượng tăng cao. Tuy nhiên, tồn kho ở các nước xuất khẩu chính giảm, trong khi các nước nhập khẩu và xuất khẩu thấp lại tăng. Được biết việc phân bổ tồn kho cũng không đều ở các nước. Chẳng hạn tồn kho ở Thái Lan giảm ở mức thấp nhất trong 6 năm do chính phủ nước này tăng cường giải quyết tồn kho tích lũy từ nhiều năm (mặc dù sản lượng tăng). Dự báo năm nay tồn kho ở Ấn Độ cũng giảm. Trong khi đó, do tiêu dùng bão hòa và chính sách ưu đãi mở rộng sản xuất trong nước, lượng tồn kho của Trung Quốc dự báo khá cao, ở mức 69,3 triệu tấn, chiếm gần 60% lượng tồn kho toàn cầu vào cuối niên vụ 2016-2017.

Tình hình thị trường gạo thế giới 2017 dồi dào do sản lượng và tồn kho tăng cao. Nhu cầu chưa thể xác định do nguồn cung cấp tăng và các nước không cần nhập khẩu gấp. Dự báo nhu cầu sẽ còn yếu ở các thị trường chính thuộc khu vực châu Á và tiếp tục tăng nhẹ ở châu Phi. Giá gạo trong năm 2017 sẽ còn suy yếu do cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung cấp.

Thông tin từ Tổng Công ty Lương thực miền Nam cho thấy các DN thành viên đang tăng cường việc tiêu thụ gạo trong nước. Theo đó, các DN đã có hơn 1.500 đại lý kinh doanh gạo, tỉ lệ tiêu thụ gạo nội địa trong năm qua đã tăng gấp đôi so với năm trước. Các DN đang phối hợp, hợp tác để mở rộng thị trường nội địa cũng như hướng đến yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Nguồn 24h