Xăng đang lãi 1.000 đồng/lít, sao chưa giảm giá?

ngày 18/04/2013

(Dân trí) - Giá xăng thành phẩm tại Singapore - thị trường nhập khẩu của Việt Nam - liên tục giảm trong thời gian gần đây và đang thấp hơn khoảng 5 - 6% so với ngày 9/4. Theo đó, giá xăng trong nước tính theo chu kỳ 10 ngày đang lãi khoảng 1.000 đồng/lít. 

 

 

 Nhiều cơ hội giảm giá xăng dầu (ảnh minh họa).
 Nhiều cơ hội giảm giá xăng dầu (ảnh minh họa).

Thời gian gần đây, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm và nhiều khả năng còn giảm sâu. Tại Singapore - thị trường nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam - cũng liên tục giảm những ngày gần đây và đang thấp hơn thời điểm ngày 9/4 khoảng 5 - 6%.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 16/4, giá xăng giảm còn 104,93 USD/thùng, dầu thô còn 88,72 USD/thùng. Đây là mức thấp kỷ lục trong nhiều tháng nay. Và tính từ ngày 4/4 đến nay, giá xăng A92 đã giảm rất mạnh so với đầu tháng 3 khi giao dịch trong khoảng 108,44 USD - 114,13 USD/thùng.

Với mặt bằng giá xăng dầu thế giới hiện nay, theo tính toán, giá cơ sở trung bình 30 ngày (từ ngày 14/3 đến 12/4) của mặt hàng xăng A92 chỉ khoảng 23.850 đồng/lít, và so với giá bán lẻ hiện nay, doanh nghiệp lãi khoảng 200 đồng/lít. Nếu cộng cả khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít thì các doanh nghiệp đầu mối lãi 500 đồng/lít.

Còn tính theo chu kỳ 10 ngày gần đây, các doanh nghiệp đầu mối có thể lãi tới 1.000 đồng/lít đối với xăng và 500 đồng/lít đối với dầu. Một số doanh nghiệp xăng dầu cũng thừa nhận cơ hội giảm giá xăng dầu đang hiện hữu nhưng thực tế giá có giảm hay không còn phụ thuộc vào sự điều hành của Nhà nước. Nếu cơ quan chức năng ưu tiên việc điều chỉnh thuế, trích lập Quỹ Bình ổn giá thì cơ hội giảm giá bán lẻ xăng dầu sẽ bị chia nhỏ.

Gần đây nhất, vào ngày 9/4, liên Bộ Tài chính - Công Thương cũng đã có quyết định điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng giảm nhưng lại gây nhiều tranh cãi. Bởi dư luận cho rằng, giá xăng dầu khi tăng thì rất nhanh, rất nhiều, còn giảm lại nhỏ giọt.

Vào thời điểm đó, theo yêu cầu của liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng bán lẻ được các doanh nghiệp đầu mối giảm 500 đồng/lít, còn giá dầu diezel và dầu hỏa giảm 450 đồng/lít. Trước đó, ngày 28/3, giá xăng A92 trong nước leo lên mức cao nhất trong lịch sử khi tăng hơn 1.400 đồng/lít lên 24.530 đồng/lít (tính giá ở vùng 2).

Tuy nhiên, theo khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thì: Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều hành giá xăng dầu theo tín hiệu thị trường và tuân thủ đúng những nội dung của Thông tư 234 và Nghị định 84.

Cụ thể, ở lần điều chỉnh giảm giá vào chiều 9/4, chiếu theo Nghị định 84, chốt ngày 8/4, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thấy có chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ nên đã yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá cơ sở và phù hợp với các quy định hiện hành nhằm tạo lập mặt bằng giá bán xăng dầu cạnh tranh, nhưng tối thiểu không thấp hơn mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở.

Cũng theo thống kê từ Bộ Tài chính, trong 3 tháng đầu 2013, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã 4 lần điều hành để giữ ổn định giá bán xăng dầu thông qua biện pháp cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng hoặc tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu.

Đến ngày 28/3/2013, mặc dù giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao; trong khi, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã hết; giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp.

 

An Hạ

 

 

 

 

 

{fcomment}