Ưu tiên bán lẻ, ngân hàng tăng tuyển nhân viên

ngày 21/08/2014

Sau giai đoạn cắt giảm cuối năm ngoái và đầu năm nay, nhiều ngân hàng bắt đầu tăng cường tuyển dụng trong quý II để đẩy mạnh lĩnh vực bán lẻ.

Tại 11 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý II (không tính công ty con), tổng nhân sự tăng thêm 1%, lên 96.716 người vào cuối tháng 6, sau khi đã giảm gần 500 người trong quý đầu năm. Trong đó, 5 ngân hàng tăng nhân viên quý II, 2 đơn vị giữ nguyên quân số và 4 ghi nhận giảm nhân sự.

nhan-vien-ngan-hang-2033-1408531415.jpg

Nhiều nhà băng vẫn tăng cường tuyển nhân sự để phát triển mảng bán lẻ.

Ngân hàng Quân đội (MB) là đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất với 810 nhân sự tăng thêm trong quý II, tiếp đến là Sài Gòn Thương tín (Sacombank) với hơn 300 người.

Trao đổi với VnExpress, ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc Sacombank cho biết việc tuyển thêm nhân viên nhằm mục tiêu tăng cường mảng ngân hàng bán lẻ cũng như mở thêm nhiều chi nhánh ở các địa phương, nông thôn. "Các nhân sự được tuyển thêm tập trung ở nhóm quan hệ khách hàng, nhân viên kinh doanh (sales) và cũng để tăng cường cho các phòng giao dịch tại các huyện lớn", ông Khang nói.

Báo cáo của MB cũng cho thấy mảng cho vay cá nhân đã có sự tăng trưởng vượt trội trong kỳ vừa qua, khi tỷ trọng cho vay cá nhân tăng từ 13,91% cuối năm 2013 lên 16,34% vào cuối tháng 6 năm nay, trong khi tỷ trọng cho vay tổ chức, doanh nghiệp lại giảm từ hơn 83,8% xuống còn 81,9%.

nhan-su-ngan-hang-JPG.jpg

Tổng nhân sự của 11 nhà băng tăng trong quý II/2014. Đơn vị: người

Theo các chuyên gia, xu hướng chuyển mình sang mô hình ngân hàng bán lẻ là phù hợp thực tế Việt Nam hiện nay và trong tương lai, lĩnh vực này sẽ đem lại nguồn thu lớn cho các ngân hàng.

Tiến sĩ Hà Huy Tuấn - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định với dân số khoảng 90 triệu người và đa phần trong độ tuổi lao động, các ngân hàng Việt Nam có thuận lợi lớn trong việc tìm ra nguồn khách hàng mới, bù đắp cho việc tín dụng doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tình hình kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục. Một nghiên cứu của Ernst & Young cũng cho hay phần lớn các nhà băng đang trông đợi nhu cầu tăng mạnh nhất ở lĩnh vực cho vay bán lẻ và tiêu dùng.

Một số ngân hàng vẫn tiếp tục quá trình sàng lọc nhân sự, trong đó, Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) giảm mạnh nhất với gần 240 người trong quý II. Từng bị cổ đông chất vấn về vấn đề chảy máu chất xám, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank lại không tỏ ra quá lo ngại bởi vị này cho rằng những nhân sự chủ chốt, cấp bậc cao phần lớn vẫn ở lại, nhóm ra đi chủ yếu là cán bộ cấp bậc thấp. Ngân hàng Quốc dân (NCB) trong kỳ vừa qua cũng giảm hơn 130 nhân viên, trong bối cảnh vừa trải qua một năm tái cấu trúc.

Ngân hàng Thu nhập bình quân mỗi tháng trong quý II/2014 Thu nhập bình quân mỗi tháng trong nửa đầu 2014 Lợi nhuận trên mỗi nhân viên trong quý II/2014
MB 23,2 18,5 40,1
Vietcombank 22,8 20,2 26,9
Sacombank 20,2 17,7 18,7
BIDV 20,0 20,0 9,2
Techcombank 16,5 16,5 10,0
ACB 15,8 15,3 11,0
Vietinbank 14,8 18,0 34,5
Eximbank 13,0 12,9 10,4
PVcombank 10,5 12,3 4,2
SHB 8,2 12,0 13,8
NCB 8,2 10,0 0,1

Đơn vị: triệu đồng

Theo một lãnh đạo ngân hàng cổ phần phía Bắc, nhân viên nhà băng, nhất là bộ phận quan hệ khách hàng đang ngày càng phải chịu áp lực lớn trong công việc khi chỉ tiêu doanh số bị áp chặt cho từng người và là thước đo cho sự hoàn thành công việc, thu nhập cũng như tính thưởng. "Lĩnh vực ngân hàng đang có sự cạnh tranh nhân sự mạnh mẽ, nhiều đơn vị sẵn sàng thu hút các người ở các nơi khác bằng mức lương cao hơn vì họ có kinh nghiệm cũng như mối quan hệ với khách hàng. Ngược lại, cũng có nhiều người không chịu được áp lực phải xin nghỉ", ông chia sẻ.

Thống kê cho thấy, tại MB, mỗi nhân viên trong quý II tạo cho ngân hàng 40 triệu đồng lợi nhuận sau thuế mỗi tháng, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) là 27 triệu đồng. 

Trong bảng lương của 11 ngân hàng quý II/2014, MB là đơn vị dẫn đầu với thu nhập bình quân cho nhân viên là 23,2 triệu đồng mỗi tháng, bằng gần 60% lợi nhuận mà từng nhân viên mang lại. Tại Vietcombank, tỷ lệ này là 85%. Thu nhập bình quân tháng được tính dựa trên tổng quỹ lương, chi phí cho nhân viên chia cho tổng số lao động bình quân trong quý.

Song, số này vẫn còn khả dĩ hơn những nhân viên ngân hàng đang có thu nhập giảm, như trường hợp của Vietinbank và SHB. Trong quý II, mỗi nhân viên của Vietinbank có thu nhập bình quân 14,8 triệu đồng, giảm 6,4 triệu đồng so với quý trước. Thu nhập nhân viên tại SHB ở mức 8,25 triệu đồng, giảm 5,9 triệu đồng so với quý I.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm, lương lại Vietcombank vẫn mơ ước nhất với 20,2 triệu đồng một tháng, tiếp đến là BIDV với gần 20 triệu và MB là 18,5 triệu đồng.

Theo đánh giá của trang web việc làm VietnamWorks, nhu cầu tuyển nhân sự trong các ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2014 đã tăng 15% so với cùng kì năm 2013, cho thây lĩnh vực này đang trải qua thời kỳ phục hồi về nhu cầu nhân lực. Thời gian tới, cùng với xu hướng phục hồi của nền kinh tế, dự đoán nhu cầu nhân sự của lĩnh vực ngân hàng tiếp tục gia tăng để đáp ứng các hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Huyền Thư

nguồn: vnexpress

{fcomment}