US Open: Djokovic đủ sức cho mọi thách thức

ngày 05/09/2014

Hầu hết những phẩm chất xuất sắc nhất của Djokovic đã được phô diễn trong trận thắng Murray 3-1 ở vòng tứ kết.

Đó là sức mạnh tâm lý mà sự can trường và tự tin của Djokovic đã giúp anh chiến thắng ở loạt tie-break trong set một và những game quyết định của set đấu thứ tư.

Với Djokovic, thắng trong loạt tie-break vốn dĩ chẳng có gì quá sức (tỉ lệ trong năm 2014 dù thấp cũng là 12-8), nhưng thắng trước một Murray lúc đó đang cực kỳ hưng phấn, chơi rất tốt từ thế bị dẫn trước tới 1-4 sau năm game không phải chuyện giản đơn.

Như ngắt được loạt tie-break ra khỏi dòng tâm lý, và coi nó như một phần riêng biệt, và vô cùng tập trung để giành từng điểm một thì không phải ai cũng làm được.

Cũng từ cách thắng trong set một ấy còn có một phẩm chất khác của Djokovic, đó là anh vẫn có thể thắng ngay cả khi không phải là người chơi xuất sắc hơn.

Hẳn là chúng ta chưa thể quên được cách Djokovic đánh bại Federer ở set thứ năm tại chung kết Wimbledon hồi tháng Bảy: Anh vẫn chiến thắng, dù huyền thoại người Thuỵ Sĩ ở thời điểm đó vượt trội về thể lực và tấn công rất tốt.

Một phẩm chất khác nữa của Djokovic là sự bền bỉ ở những trận đấu năm set, giống như anh đã từng chứng tỏ trong suốt thời gian qua, rằng trận đấu càng kéo dài thì cơ hội chiến thắng của anh càng lớn.

Trận thắng này là sự tái hiện trận chung kết US Open 2012 giữa chính Djokovic và Murray mà người vô địch càng chơi càng xuất sắc.

Lúc đó, Murray thắng set một sau cuộc đấu cực nặng về thể lực và Murray tỏ ra lấn lướt hơn, dù cho cả hai không ai bẻ được game giao bóng của đối thủ.

Còn lần này, Murray đã không thể duy trì được chất lượng cho set thứ ba và thứ tư sau khi đã chơi rất hay trong nửa cuối set một và toàn bộ set hai.

Có thể cho rằng Murray ở giai đoạn này bị ảnh hưởng bởi chấn thương trước đó và không có sự chuẩn bị tốt nhất (HLV của anh, Mauresmo nói rằng Murray chỉ đạt được tối đa phong độ và thể lực ở đầu năm sau), nhưng Djokovic cũng vừa mới trải qua một giai đoạn tương đối khó khăn: Thua sớm ở cả hai giải Masters 1000 là Rogers và Cincinnatti.

US Open: Djokovic đủ sức cho mọi thách thức - 1

Nole hướng đến chức vô địch

Một phẩm chất tinh tuý và quen thuộc của Djokovic đã được nhận thấy là anh biết cách chiến thắng trong những điểm then chốt để không chỉ giành được điểm mà còn đánh gục ý chí của đối thủ.

Hầu hết những loạt bóng bền mà cả hai chạm vợt trên dưới hai chục lần Djokovic đều là người chiến thắng. Như loạt 27 lần chạm vợt ở set thứ nhất, và 18 lần chạm vợt ở game cuối set thứ tư để rồi anh có được hai match points.

* Sẵn sàng cho những cuộc chinh phục tiếp theo

Murray bước vào trận đấu này sau khi đã đánh bại Tsonga cực kỳ ấn tượng. Đấy được coi là trận đấu xuất sắc nhất của Murray kể từ đầu năm 2014 và cũng được nhìn nhận như là sự chuẩn bị lý tưởng để bước vào đấu với Djokovic.

Và trong các cuộc đấu giữa các tay vợt trong nhóm Big 4 với nhau, Murray “hợp” với Djokovic hơn cả trong khi anh thực sự lép vế trước Nadal và Federer ở các giải Grand Slam.

Tỉ lệ đối đầu 5-4 nghiêng về Murray ở các giải Grand Slam trong khi đối đầu trên mọi mặt trận trước trận đấu này là 12-8 nghiêng về Djokovic đã nói lên tất cả. Murray đã đánh bại chính Djokovic ở trận chung kết US Open 2012 để bước lên ngôi vô địch.

Murray trận này có những điều chỉnh, có sự cải thiện đáng kể từ các cú thuận tay để có thể chơi tấn công chủ động. Murray nhiều lần tấn công ngay từ những cú trả giao bóng cực tốt, nặng và rất sâu, nhưng Djokovic phản xạ cực nhanh ngay khi anh vừa hoàn tất kỹ thuật lấy thăng bằng sau khi giao bóng.

Chính những cú đáp trả đó của Djokovic làm Murray bối rối và hiếm khi có thể thực hiện được nhiều cú đánh tấn công chí mạng liên tiếp mà vẫn chính xác. Nó là nguyên nhân dẫn tới một thực tế là Murray dù ghi điểm trực tiếp nhỉnh hơn Djokovic (47 – 46), nhưng anh mắc lỗi nhiều hơn (65 – 48).

Thắng một Murray có hồ sơ như thế và cũng đã có những thay đổi trong chiến thuật đối đầu để tiếp tục gây khó khăn cho Djokovic có thể là một chuẩn mực để đánh giá phong độ của tay vợt người Serbia.

Những thất bại sớm ở trước thềm US Open đã là quá khứ và Djokovic đã sẵn sàng cho mọi thách thức từ các đối thủ.

Đối thủ tiếp theo sẽ là Nishikori, một người Nhật Bản đang nỗ lực làm nên lịch sử vĩ đại cho tennis nam châu Á. Người từng được coi là xuất sắc nhất châu Á ở kỷ nguyên Mở, Srichaphan (Thái Lan) hơn chục năm trước cũng chỉ vào tới vòng bốn các giải Grand Slam và đứng thứ 9 thế giới.

Nishikori giờ đã vào tới bán kết US Open sau khi đã chạm tới mốc tứ kết ở Australian Open hồi đầu năm.

Thành tích của Nishikori còn thực sự ấn tượng ở việc anh đã giành hai chiến thắng liên tiếp cùng sau năm set đấu mà trận ở vòng bốn với Raonic kéo dài gần bốn tiếng rưỡi và chỉ kết thúc vào khoảng 2h30 sáng (giờ New York).

Djokovic đã từng hai lần đối đầu với Nishikori và thắng một thua một, nếu như bỏ qua trận đấu hồi đầu năm nay mà Nishikori phải rút lui vì chấn thương tại Miami Masters.

Đó cũng chính là giải đấu mà Djokovic đã lên ngôi vô địch sau khi đánh bại Nadal chỉ sau hai set, 6-3 và 6-3, còn trước đó một tuần anh vượt qua Federer ở chung kết Indian Wells.

Giờ thì phong độ của Djokovic cũng đã gần xuất sắc như thế!

 

{fcomment}