Tranh 'vẽ theo' danh họa Việt xuất hiện ở sàn đấu giá quốc tế

ngày 21/06/2019

Ngày 12.6, bức tranh Hầu đồng được ghi là “vẽ theo Nguyen Phan Cham” - không biết là vô tình hay cố ý lại viết không đúng tên của cố họa sĩ Đông Dương Nguyễn Phan Chánh, tác giả của bức tranh Hầu đồng nổi tiếng - xuất hiện tại sàn đấu giá Rémy Le Fur (Pháp). Bức tranh “vẽ theo” này được bán với giá 1.875 euro (khoảng 49 triệu đồng) sau thuế tại sàn đấu giá nói trên.

Ngày 19.6, cũng tại sàn đấu giá này, một bức tranh chép lại bức Thiếu nữ của nữ họa sĩ Đông Dương Nguyễn Thị Nhung được bán với giá khởi điểm 600 - 800 euro (khoảng 16 - 21 triệu đồng), trong khi bức tranh thật vẫn được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

... bức tranh Hầu đồng được ghi là “vẽ theo Nguyen Phan Cham” bán tại sàn đấu giá Rémy Le Fur (Pháp) - Ảnh: NVCC

“Trong Tuần lễ Á châu diễn ra từ ngày 6 - 17.6 tại Trung tâm đấu giá Drouot Paris, Pháp, một số nhà đấu giá đưa ra những bức tranh của danh họa Việt như Nguyễn Phan Chánh, Đinh Cường, Tạ Tỵ được vẽ một cách vụng về và ghi chú là tác phẩm vẽ theo họa sĩ X, hay Y... Vẫn biết nơi đấu giá chỉ là một cái chợ, thuận mua vừa bán và tác phẩm nghệ thuật chỉ là một món hàng mua về để trang trí, nhưng một khi đã ghi “vẽ theo...” thì tác phẩm này đã vi phạm bản quyền”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim - Khôi nói.

Ông cho biết thêm, hiện tại không có quy định chính xác để xác định tranh đạt tiêu chuẩn như thế nào mới được lên sàn đấu giá. Tất cả tùy thuộc theo nhà đấu giá có bằng lòng nhận tranh để bán trên sàn của mình hay không. Ở những nhà đấu giá danh tiếng như Aguttes, Sotheby và Christie thì nguồn gốc của tranh sẽ được thông tin rõ ràng. Còn ở những nhà đấu giá bậc thường thì việc tranh giả trà trộn là điều không tránh khỏi.

Có hại cho mỹ thuật Việt

Khi phát hiện tranh giả mạo được đưa lên sàn đấu giá, người nhà của họa sĩ hoặc đơn vị liên quan phải lên tiếng. Đối với tranh giả, tranh chép trên sàn đấu giá quốc tế thì ai đứng ra khiếu nại để cơ quan thẩm quyền vào cuộc? Đây là một câu hỏi đáng buồn và chưa có câu trả lời

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim - Khôi

Song song với niềm vui tranh của các họa sĩ Đông Dương có giá bán vượt mốc 1 triệu USD, gần đây mỹ thuật VN đang đối mặt với việc tranh giả, tranh chép bán tràn lan tại sàn đấu giá quốc tế.

Điều đáng buồn là các tác phẩm giả mạo, sao chép này lại được những người đầu cơ lách luật bằng cách ghi là “vẽ theo”. Hiện tại chưa có bất kỳ giải pháp nào để ngăn chặn những trường hợp như trên. “Khi phát hiện tranh giả mạo được đưa lên sàn đấu giá, người nhà của họa sĩ hoặc đơn vị liên quan phải lên tiếng. Đối với tranh giả, tranh chép trên sàn đấu giá quốc tế thì ai đứng ra khiếu nại để cơ quan thẩm quyền vào cuộc? Đây là một câu hỏi đáng buồn và chưa có câu trả lời”, ông Ngô Kim - Khôi nói.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tiến, nhà môi giới mỹ thuật, từng cho biết: “Phải phản đối bằng mọi cách để bảo vệ quyền lợi của những họa sĩ bị chép và đạo tranh”. Bên cạnh đó, còn để bảo vệ giá trị tranh Việt trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nghệ sĩ Ưu Đàm thở dài: “Hiện chẳng có luật lệ nào để phân xử việc chép và đạo tranh. Cách đây mấy năm tranh giả được triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng được bỏ qua dễ dàng”.

Hiện tượng tranh giả tràn lan khiến tranh của các họa sĩ Việt không nhận được sự tin tưởng của người yêu nghệ thuật. Ông Ngô Kim - Khôi từng không ít lần cho rằng các tác phẩm của họa sĩ Bùi Xuân Phái là một ví dụ điển hình cho thấy tranh giả khiến tranh thật điêu đứng: “Vì tình trạng tranh giả mà tranh thật của Bùi Xuân Phái không được đặt đúng giá trị trên thị trường”.

Nguồn: Báo Thanh Niên