Tranh luận giữ hay tách Uỷ ban Chứng khoán khỏi Bộ Tài chính

ngày 14/06/2019

Đa số ý kiến đại biểu cho rằng nếu chuyển Uỷ ban Chứng khoán sang Chính phủ mà không trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì cũng không hiệu quả. 

Chiều 13/6, Quốc hội góp ý lần đầu dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), điểm nhận được góp ý, quan tâm nhiều nhất của các đại biểu Quốc hội là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nên thuộc Chính phủ hay vẫn thuộc Bộ Tài chính như hiện nay. 

Theo bà Vũ Thị Lưu Mai - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách, vẫn nên để UBCKNN thuộc Bộ Tài chính, nhưng bổ sung quy định đảm bảo tính độc lập, tuân thủ và tự chịu trách nhiệm của cơ quan này.

"Giả thiết nếu tách UBCKNN khỏi Bộ Tài chính, chuyển sang trực thuộc Chính phủ mà không trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì cũng không đem lại hiệu quả thiết thực", bà Mai đánh giá. 

Còn bà Mai Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học & Kỹ thuật tỉnh An Giang dẫn thông lệ quốc tế, thì cơ quan quản lý thị trường chứng khoán hoạt động theo mô hình độc lập, thuộc Chính phủ. Song với điều kiện Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ chính sách, nguồn lực Nhà nước, nên "UBCKNN thuộc Bộ Tài chính sẽ tránh sự xáo trộn khi quy mô thị trường chứng khoán chưa lớn". Cũng giống các đại biểu nêu quan điểm trước đó, bà Tuyết nhấn mạnh, dự luật sửa đổi cần thiết kế tăng thẩm quyền, tính độc lập của UBCKNN.

Bà Vũ Thị Lưu Mai - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Tranh luận lại, ông Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) lại không đồng ý với mô hình hoạt động hiện tại của UBCKNN. Theo ông, UBCK các nước có quyền rất lớn với các sàn giao dịch chứng khoán như cấp phép, đình chỉ, bổ nhiệm, chấp thuận nhân sự cao cấp... trong khi ở Việt Nam cơ quan này chỉ có quyền chấp thuận các quy chế của sàn giao dịch chứng khoán.

Mặt khác, quy mô thị trường chứng khoán sắp tới sẽ lớn hơn, có thể đạt tỷ lệ vốn hoá ngang hệ thống ngân hàng khi việc cổ phần hóa và bắt buộc các công ty niêm yết. "Với vị thế như vậy cần tăng tính độc lập và thẩm quyền của UBCK theo thông lệ quốc tế, nên cơ quan này phải thuộc Chính phủ", ông Thân dứt khoát.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, UBCKNN thuộc Bộ Tài chính là phù hợp thông lệ quốc tế và Hiệp hội Chứng khoán quốc tế cũng không khuyến nghị cơ quan quản lý thị trường chứng khoán phải là cơ quan độc lập của Chính phủ. 

Ông Dũng nói thêm, dự thảo luật đã bổ sung thêm 3 quyền quan trọng cho UBCKNN để tăng tính độc lập, chủ động và thẩm quyền của cơ quan này. Đó là quyền được tiếp cận thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động chứng khoán để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát thị trường.

Ngoài ra, UBCK cũng được bổ sung quyền chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho thị trường chứng khoán, xử lý các biến động, bất thường hoặc sự cố trên thị trường. Cuối cùng, cơ quan này được thêm quyền báo cáo trực tiếp các cấp có thẩm quyền về tình hình thị trường chứng khoán.

"Thị trường chứng khoán phát triển phải gắn với điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Dũng cho biết, và khẳng định một lần nữa, duy trì UBCKNN thuộc Bộ Tài chính phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, khuyến nghị của Hiệp hội Chứng khoán quốc tế về tính độc lập.

Nguồn Vnexpress