Thủ tướng yêu cầu xác thực lại tình hình tài chính ở Vinalines

ngày 16/06/2012

Sau khi kết luận Vinalines còn gặp rất nhiều khó khăn Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá đầy đủ và chính xác về thực trạng tình hình tài chính của Tổng công ty, phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

17062012qt11

Tình hình tài chính của Vinalines thể hiện qua các bản báo cáo vẫn bị vênh nhau về con số. Số liệu cuối cùng phải chờ Bộ Tài chính kết luận.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình tài chính và Đề án tái cơ cấu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Theo đó, Thủ tướng khẳng định, việc tiếp tục củng cố và phát triển Vinalines trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, nằm trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Thủ tướng ghi nhận những đóng góp của Vinalines trong thời gian vừa qua đối với nền kinh tế. Tính đến ngày 31/12/2011, Tổng công ty quản lý đội tàu vận tải biển khá lớn mạnh trong khu vực với154 tàu với tổng trọng tải trên 3,4 triệu tấn.

Tuy nhiên, qua đánh giá của Thủ tướng, Vinalines vẫn còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, sớm có biện pháp để khắc phục, mà nguyên nhân chủ yếu là nội bộ mất đoàn kết và sai phạm, tiêu cực trong quản lý sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Vinalines đã không thực hiện đúng pháp luật về đầu tư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, gây thiệt hại về kinh tế, mất lòng tin của xã hội.

Hiện nay, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn do yếu tố khách quan của thị trường vận tải biển và do yếu kém của Tổng công ty trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mới đây, như đã đưa tin, báo cáo của Chính phủ trình lên Quốc hội cho thấy, lỗ và nợ ở Vinalines đã gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Tại thời điểm cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu của Vinalines đạt 9.411 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 55.853 tỷ đồng; nợ phải trả là 43.135 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 9.309 tỷ đồng và nợ dài hạn là 33.826 tỷ đồng.

Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2011, Vinalines bắt đầu gánh lỗ. Cụ thể, sau khi lỗ 434 tỷ đồng vào năm 2011 (số liệu của Bộ giao thông vận tải) thì Vinalines tiếp tục lỗ trong 4 tháng đầu năm 2012. Còn tại kết luận của Thanh tra Chinh phủ, tỷ lệ nợ cuối năm 2010 tại Vinalines bằng 4,27 lần vốn điều lệ (cao hơn so quy định là 3 lần), chiếm 75,6% tổng tài sản, khả năng thanh toán giảm mạnh, hiệu quả kinh doanh giảm dần do phải tăng chi phí về lãi vay, chi phí quản lý và khối lượng lớn vốn đầu tư chưa có hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Tổng công ty cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, phát huy những điểm mạnh, thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tăng cường đoàn kết, vượt qua khó khăn với sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển trong giai đoạn mới.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính đánh giá đầy đủ, chính xác thực trạng tình hình tài chính của Tổng công ty, phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, đến hiện tại, những kết luận cuối cùng của Chính phủ về Vinalines vẫn đang phải chờ.

Về Đề án tái cơ cấu, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty cần thực hiện tái cơ cấu để mạnh hơn, tập trung vào 3 nhóm kinh doanh chính, bao gồm vận tải biển, cảng biển và dịch vụ. Theo đó, Vinalines cần phải tính toán cụ thể, xác định quy mô hợp lý đối với từng nhóm phù hợp với điều kiện của Tổng công ty và thị trường.

Liên quan đến những sai phạm tại Vinalines, chiều 13/6, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh mặc dù thừa nhận có một phần trách nhiệm của Bộ trong sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty vốn Nhà nước song về về Vinalines, ông Vinh thú nhận không nắm được.

Lãnh đọa Bộ KHĐT cho biết, các sai phạm của Vinalines, trong các luật quy định chỉ báo cáo chủ sở hữu, không báo cáo lên bộ ngành. Do đó, kể cả trường hợp Bộ KHĐT có đến xin các báo cáo cũng không được, và như vậy Bộ trưởng Vinh cho biết ông chỉ nhận có trách nhiệm liên quan đến quản lý chung.

Đến chiều 14/6, trong phiên đăng đàn của mình, trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã nhận trách nhiệm về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng.

Theo Báo Dân trí