Thị trường bán lẻ có tiếp tục rơi vào tay đại gia ngoại?

ngày 20/05/2021

Ngày 19/5, đại diện Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) xác nhận sẽ mua lại 100% vốn Công ty TNHH Emart Việt Nam từ Emart Hàn Quốc. Giá trị thương vụ chưa được tiết lộ, nhưng thỏa thuận chính thức dự kiến sẽ được ký trong tháng 5.

Theo đó, Thaco sẽ vận hành đại siêu thị Emart duy nhất ở Việt Nam tại quận Gò Vấp, TP.HCM dưới dạng nhượng quyền thương mại và trả phí cho Emart.

Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp Việt thể hiện vị thế trên thị trường bán lẻ nội địa.

Những thương vụ M&A 'ngược dòng'

Năm 2016, TCC Holdings (Thái Lan) mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu euro. Ngay sau đó, Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Big C với giá 1,4 tỷ USD. Cũng trong năm này, Aeon (Nhật Bản) khai trương trung tâm mua sắm thứ 4 và tuyên bố đã đầu tư 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam.

Khi đó, không ít chuyên gia trong ngành cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dần thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam. Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú còn cho rằng hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm hơn 50% thị phần kênh bán lẻ hiện đại.

"Mặc dù chỉ có 110 trong tổng số 800 điểm siêu thị trên cả nước, tức chỉ bằng 1/8, nhưng doanh số một điểm bán của doanh nghiệp FDI có thể gấp 7-8 lần doanh nghiệp nội", vị chuyên gia bán lẻ ước tính.

Tuy nhiên, đến nay, một số doanh nghiệp nội địa đã chứng minh không dễ để mất thị trường nội địa một cách dễ dàng. Lần lượt từ năm 2018 đến nay, thị trường chứng kiến không ít lần đổi chủ của các thương hiệu bán lẻ quốc tế.

Cuối năm 2018, Vinmart sáp nhập chuỗi 23 cửa hàng Fivimart (thuộc Aeon) vào hệ thống. Đến tháng 4/2019, đơn vị này mua lại toàn bộ 87 cửa hàng Shop&Go (Singapore) với giá 1 USD. Sau đó 4 tháng, 8 cửa hàng Queenland Mart của Công ty CP thực phẩm Bông Sen cũng về tay Vinmart.

Cũng trong năm 2019, đại gia bán lẻ Pháp Auchan tuyên bố rời khỏi thị trường Việt Nam, nhượng lại 18 siêu thị cho Saigon Co.op. Điểm chung của những thương hiệu phải rút lui này là tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong nhiều năm liền.

Thương vụ Saigon Co.op mua lại Auchan từng khiến ngành bán lẻ xôn xao năm 2019. Ảnh: Auchan VN.

Mới nhất là thương vụ giữa Thaco và Emart, bởi đại siêu thị Hàn Quốc này vốn là điểm đến được ưa chuộng của không ít người dân TP.HCM. Theo nguồn tin của The Korea Times, sự ra đi của Emart là bởi những trở ngại trong việc mở rộng hoạt động. Từ giữa năm 2018, Emart đã có kế hoạch mở đại siêu thị thứ hai tại quận Tân Phú nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc về giấy phép xây dựng.

Tuy vậy, cũng có doanh nghiệp nội từ rời bỏ ngành bán lẻ do thay đổi chiến lược. Vingroup từ cuối năm 2019 lại bắt đầu rút lui khỏi mảng bán lẻ. Tuy nhiên, đơn vị được lựa chọn để chuyển nhượng là một doanh nghiệp nội địa khác, Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Hiện tại, Vingroup đã ký hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần còn lại trong The CrownX (doanh nghiệp được Masan và Vingroup thành lập để nắm giữ vốn tại VinCommerce và Masan Consumer Holdings.

Ở diễn biến mới nhất, The CrownX được Alibaba và Baring Private Equity Asia rót 400 triệu USD mua cổ phần phát hành mới. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ Việt Nam này được định giá đến 6,9 tỷ USD (trước phát hành).

Những thay đổi này càng khẳng định hơn nghiên cứu của Deloitte cho biết Việt Nam xếp thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2020, Việt Nam được xem là hiện tượng tăng trưởng vượt bậc trong ngành bán lẻ trong khu vực Đông Nam Á.

Có lẽ cũng vì vậy mà không chỉ riêng Thaco, ông lớn bất động sản Novaland vừa qua đã chính thức nhảy vào thị trường tiêu dùng, bán lẻ. Nova Consumer Group là một thành viên mới của Nova Group, được thành lập nhằm phát triển mảng thực phẩm, thức uống, dinh dưỡng với mô hình 3F (chuỗi sản xuất thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn).

Lãnh đạo Nova Consumer cũng tiết lộ trong mấy năm qua đã đầu tư hơn 200 triệu USD để quy tụ nhiều thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng về hệ sinh thái này.

Bán lẻ Việt dần lấy lại thị phần

Với hàng loạt thương vụ M&A như vậy, thị phần bán lẻ đã dần nghiêng về doanh nghiệp nội. Theo số liệu từ Kantar Worldpanel, top 4 siêu thị, đại siêu thị chiếm thị phần cao nhất tại Việt Nam là Saigon Co.op, Central Retail, The CrownX và Bách Hóa Xanh. Như vậy, chỉ duy nhất một tên tuổi ngoại góp mặt là Central Retail.

Xét về số lượng điểm bán, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gần như áp đảo. Trong báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu Q&Me, động lực tăng trưởng chính của ngành bán lẻ Việt Nam là doanh nghiệp nội địa.

Mặc dù hàng trăm cửa hàng Vinmart+ đã dừng hoạt động từ năm 2020 nhằm cải thiện biên lợi nhuận gộp, tính chung hệ thống bán lẻ của The CrownX gồm cả chuỗi Vinmart và Vinmart+ vẫn đạt số lượng điểm bán cao nhất .

Trong khi đó, Bách Hóa Xanh không ngừng gia tăng độ phủ thông qua chiến lược phát triển mạnh mẽ ở các vùng ngoài 2 thành phố chính, đặc biệt là nông thôn, nhanh chóng tăng số lượng điểm bán gấp 4 lần chỉ trong 2 năm, đạt gần 1.600 cửa hàng dù "sinh sau đẻ muộn".

Còn với Saigon Co.op, nếu chỉ tính riêng các mô hình Co.opmart, Co.opFood, Co.opXtra, Co.opSmile, con số cửa hàng đến hết tháng 4 là 624. Nhưng nếu xét toàn hệ thống bán lẻ này, con số lên đến hơn 800 điểm bán, trải rộng khắp 45 địa phương. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt tối thiểu 2.000 cửa hàng vào năm 2025, phủ kín toàn quốc.

Năm 2020, tổng doanh thu Saigon Co.op ước tính vượt 33.000 tỷ đồng, riêng tại TP.HCM chiếm hơn 45% thị phần kênh siêu thị. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của hệ thống này ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, cao hơn so với kế hoạch ban đầu.

Đối thủ ngoại vẫn đáng gờm

Mặc dù vậy, những tên tuổi ngoại còn đứng vững trên thị trường vẫn không ngừng bứt tốc. Đầu tháng 4 vừa qua, Central Retail công bố kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 5 năm tới tại Việt Nam, với tổng giá trị đầu tư khoảng 35 tỷ bath (tương đương 1,1 tỷ USD).

CEO Philippe Broianigo cho biết doanh nghiệp này sẽ tập trung phát triển đa ngành, đa nền tảng để gia tăng sự hiện diện tại 55 tỉnh, thành phố, từ thành thị đến nông thôn. Riêng năm 2021, tập đoàn đẩy mạnh phát triển mở rộng với tổng giá trị đầu tư khoảng 6,6 tỷ bath (tương đương 211 triệu USD).

Trong đó, chuỗi siêu thị Big C đi đầu với chiến lược tái định vị và đổi tên thành siêu thị Tops Market, đại siêu thị Go!. Đồng thời, hàng loạt trung tâm thương mại và siêu thị mini Go! cũng liên tục khai trương ở nhiều địa phương, mới nhất là Go! Thái Nguyên - được coi là đại siêu thị lớn nhất Việt Nam (36.000 m2) với số vốn đầu tư 540 tỷ đồng.

Central Retail là số ít doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài còn trụ vững và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Ảnh: Central Retail.

Trước đó, Aeon Mall cũng nâng số lượng trung tâm thương mại tại Việt Nam lên con số 6 vào cuối năm 2020, bất kể tình hình dịch bệnh Covid-19. Chuỗi này hiện chuẩn bị mở rộng quy mô với Aeon Mall Hoàng Mai (Hà Nội) và Aeon Mall TP.HCM.

Mới đây, siêu thị FujiMart thuộc FujiMart Vietnam Retail LLC - liên minh giữa Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) mới khai trương siêu thị thứ 3 tại Hà Nội. Sự hợp tác giữa ông lớn bán lẻ Nhật Bản với kinh nghiệm hơn 50 năm cùng sự am hiểu thị trường từ BRG được dự đoán sẽ tạo lợi thế cho FujiMart.

Theo đánh giá của Nielsen Việt Nam, tăng trưởng kênh bán hàng hiện đại được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ sự mở rộng của các loại hình nhỏ, đặc biệt là siêu thị mini.

Tuy nhiên, mỗi loại hình bán lẻ vẫn có một đối tượng khách hàng riêng. Nếu khách hàng siêu thị có xu hướng già hóa (50-65 tuổi) thì giới trẻ (18-24 tuổi) lại ưa chuộng mô hình cửa hàng tiện lợi. Trong khi đó, các siêu thị mini thu hút nhóm tuổi đi làm (25-34 tuổi).

Dựa trên quan sát người tiêu dùng, Nielsen khuyến nghị các đại siêu thị và siêu thị tập trung theo định hướng mua sắm kết hợp giải trí và phát triển các sản phẩm hàng nhãn riêng, đồng thời tăng cường trải nghiệm mua sắm, thanh toán cho khách hàng thông qua ứng dụng công nghệ.

Nguồn Zing