Tháng 12/2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cổ phần hóa hai công ty con là Công ty TNHH Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty TNHH Vận tải đường sắt Sài Gòn.
Trong khi Vận tải đường sắt Sài Gòn bán hết số cổ phần chào bán trong đợi IPO, thì chỉ có 10 nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần lần đầu của Vận tải đường sắt Hà Nội, với lượng đặt mua vỏn vẹn chỉ 2% tổng lượng chào bán, tương đương 247.000 CP.
Ngày 18/1/2016, Vận tải đường sắt Hà Nội tổ chức ĐHCĐ lần đầu để hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp thành CTCP. Theo số liệu công bố, sau khi hoàn thành việc IPO, cổ đông Nhà nước (cụ thể là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) vẫn nắm giữ 73,35 triệu CP của Vận tải đường sắt Hà Nội, chiếm 91,62% vốn, người lao động nắm 8,15% và cổ đông bên ngoài nắm 0,23% vốn.
Phát biểu tại Đại hội, ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đại diện cho cổ đông lớn là Tổng công ty đã chia sẻ tâm tư về công cuộc đổi mới của ngành đường sắt.
“Trong quá trình đổi mới tái cơ cấu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ và việc đổi mới đó bước đầu đã được xã hội ghi nhận. Nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi rằng, tại sao ngành đường sắt lại phải tái cơ cấu? Trong những năm gần đây, đặc biệt từ 2015 trở đi, hệ thống giao thông đã thay đổi chóng mặt. Tôi cảm thấy rất sốt ruột khi chứng kiến tuyến phía Tây sau khi đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai khánh thành, sản lượng vận tải của đường sắt bị tụt 60%”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, trước sự cạnh tranh của vận tải hàng không, Vietnam Airlines hay Vietjet Air đã thay đổi rất mạnh mẽ. Với việc đầu tư đội tàu bay hiện đại nhất thế giới nhưng cho ra đời sản phẩm vé máy bay rẻ hơn vé tàu, ông Tùng cho rằng, ngành đường sắt không thay đổi thì sẽ có nguy cơ dừng hoạt động.
“Điều này bắt buộc chúng ta phải tái cơ cấu, phải đổi mới mô hình tổ chức để tăng sức cạnh tranh, rút ngắn thời gian chạy tàu, cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng để chiếm lĩnh lại thị phần vận tải đường sắt”, ông Tùng khẳng định.
Cũng theo ông Tùng, trong Chiến lược phát triển ngành được Chính phủ giao phó giai đoạn 2015 -2020, ngành đường sắt phải phấn đấu chiếm thị phần vận tải 1-2% của toàn ngành giao thông vận tải. Con số này dù rất khiêm tốn, nhưng sẽ khiến ngành đường sắt phải tăng sản lượng gấp đôi hiện tại. Để làm được điều này thì phải đi theo hai hướng, đó là hiện đại hóa tuyến đường sắt hiện có và phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng đường sắt tốc độ cao đường đô thị tuyến Hà Nội – TP. HCM.
Người đứng đầu Tổng công ty Đường sắt cho rằng, các công ty trong ngành phải cơ cấu lại các loại chi phí để điều tiết được giá thành, đồng thời giảm chi phí cung cấp dịch vụ điều hành vận tải, bởi chi phí này chiếm trên 50% tổng chi phí. Ngành đường sắt vừa phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nhưng đồng thời phải đưa ra được mức giá rẻ cạnh tranh, ngay cả các tuyến trung bình như Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Đà Nẵng là cự li sở trường của đường sắt, hiện nay ngành hàng không cũng đã cung cấp nhiều giá vé rất rẻ.
Ông Tùng cho rằng, ngành đường sắt phải làm sao để thiết kế ứng dụng phần mềm bán vé điện tử tăng giảm theo nhu cầu thị trường, ở thời điểm cận Tết có thể bán giá vé cao, nhưng khi thời điểm ít người mua có thể giảm giá vé theo thị trường. Ngoài ra, các công ty phải tổ chức lại sản xuất, tinh gọn bộ máy và cải thiện lại môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư.
“Tôi thực sự chạnh lòng khi thấy Vietnam Airlines hay Tổng công ty Cảng Hàng không ACV cổ phần hóa, rất nhiều nhà đầu tư tranh nhau mua vì đó là những doanh nghiệp tạo ra được giá trị rất tốt. Đây là cuộc chơi của thị trường, giá trị doanh nghiệp càng hấp dẫn thì càng có cơ hội thu hút nguồn lực ngoài xã hội”, ông Tùng tâm tư.
Với lộ trình đổi mới ngành đường sắt, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách thì sẽ không thể thực hiện được. Để làm được điều này, ngành đường sắt cần tới 3,3 tỷ USD, trong khi ngân sách chỉ đáp ứng được 30%, còn lại phải dựa vào nguồn vốn xã hội. Ông Tùng tiết lộ, Tập đoàn Sun Group đang chuẩn bị mua tàu về kinh doanh, lúc đó cạnh tranh trong ngành đường sắt sẽ gay gắt hơn nhiều, không chỉ với đường bộ và đường hàng không, thậm chí nếu không cẩn thận sẽ “thua ngay trên sân nhà”.
Năm 2016, Vận tải đường sắt Hà Nội đặt kế hoạch doanh thu 3.130 tỷ đồng, lợi nhuận 6,4 tỷ đồng, không chia cổ tức trong 2 năm 2016 và 2017. Sử dụng tốt số toa xe khách hiện có, đầu tư nâng cấp và cải tạo nâng cao chất lượng, nhất là những toa xe có lắp hệ thống điều hòa không khí. Hiện nay, Vận tải đường sắt Hà Nội đang quản lý 594 toa xe khách khổ đường 1.000 mm và 8 toa xe khách khổ đường 1.435 mm.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
Khu du lịch sẵn sàng “chặt chém”
-
Mùa đông 2017 đến muộn, có thể lạnh kỷ lục
-
Năng suất lao động của Việt Nam còn thua xa Singapore, Trung Quốc
-
Freelancer - Xu hướng khởi nghiệp của giới trẻ
-
Những điều chưa kể về “Thâm cung nội chiến 2”
-
Nhiệt độ trung bình năm 2021 ở Hàn Quốc cao kỷ lục
-
Lâm Đồng xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra phá rừng
-
HN: Chung cư ồ ạt bán, chênh "khủng" hết thời
-
Đã tiến hành gần 300 đại hội điểm cấp cơ sở trên toàn quốc
-
Tuyển sinh 2020: Đại học Bách khoa TP HCM mở thêm 5 ngành mới