Sốt đất hầm hập, "cò" mạo danh chủ đầu tư để nhận tiền khách

ngày 26/04/2018

Giá đất nền đang bị đẩy lên cao "chóng mặt". Không ít nhân viên môi giới "tung chiêu" để hút sự quan tâm và xuống tiền của khách hàng. Thậm chí, có cả tình trạng mạo danh cả chủ đầu tư để chào bán dự án. 

Thị trường bất động sản tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam đang "sốt hầm hập". Đi kèm với cơn sốt địa ốc là những chương trình mở bán, môi giới tấp nập của các doanh nghiệp, sàn bất động sản và nhân viên môi giới.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là việc nhiều nhân viên môi giới tung nhiều chiêu gian dối để "gài bẫy" khách hàng.

Mới đây nhất, ông Phạm Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc Lộc Phát đã có đơn kêu cứu về việc đơn vị này bị một số tổ chức, cá nhân mạo danh là chủ đầu tư để chào bán các dự án của chính công ty mình. Điều đáng nói, dự án chưa hề có chính sách chào bán với bất kỳ hình thức nào.

Điều đáng lo ngại chính là việc nhiều nhân viên môi giới tung nhiều chiêu gian dối để gài bẫy khách hàng.
Điều đáng lo ngại chính là việc nhiều nhân viên môi giới tung nhiều chiêu gian dối để "gài bẫy" khách hàng.

Dự án đang bị môi giới đem ra "chiêu dụ" khách hàng là khu phức hợp Sóng Việt thuộc khu chức năng số 1, đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty CP Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư. Dự án hiện đang được triển khai nhiều hạng mục và chưa có chính sách chào bán sản phẩm ra thị trường với bất kỳ hình thức nào.

Thế nhưng, một số trang điện tử, trang mạng xã hội đã đăng công khai các tin chào bán sản phẩm khiến cho nhiều khách hàng hiểu nhầm là chủ đầu tư đã công khai mở bán nhằm thu lợi bất chính.

Nghiêm trọng hơn, các trang điện tử, mạng xã hội còn đăng tải thông báo với khách hàng thay mặt chủ đầu tư nhận tiền giữ chỗ mua sản phẩm, với số tiền từ 200-500 triệu đồng/căn hộ.

Ông Hưng khẳng định, đến thời điểm này, công ty chưa có kế hoạch bán sản phẩm cũng như chưa huy động vốn từ khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào. Vì vậy, các cá nhân, tổ chức, các trang điện tử đưa tin mạo nhận là chủ đầu tư để nhận tiền giữ chỗ, tiền cọc của khách hàng trong thời gian vừa qua là giả mạo, không đúng sự thật, có dấu hiệu lừa đảo…

“Khách hàng tìm hiểu thông tin chính xác nhất về dự án có thể liên hệ trực tiếp với công ty để tránh thiệt hại và những rủi ro không đáng có", ông Hưng nói.

Tương tự như Quốc Lộc Phát, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng "khóc dở, mếu dở" vì bị nhiều website, trang mạng xã hội mạo danh, gây nhầm lẫn đối với khách hàng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh cũng từng bị một số website mạo danh này ngang nhiên sử dụng trái phép hình ảnh và đưa ra nhiều thông tin sai lệch về dự án khu đô thị Sala, ghi số điện thoại hotline giả mạo. Thậm chí, có trang web tự nhận là nhà phân phối chính thức của dự án khu đô thị Sala và thông báo sẵn sàng nhận tiền đặt cọc mua bán sản phẩm dự án.

Không chỉ "mạo danh chủ đầu tư", trong cơn sốt đất hiện nay, môi giới còn giở chiêu tự đăng thông tin một đằng rồi dẫn khách đi một nẻo.

Trên một số trang rao bán, môi giới đăng tin dự án vị trí đẹp, giá tốt kèm theo số điện thoại của mình nhằm kích thích sự tò mò. Khi khách hàng gọi đến thì nhân viên này nói dự án đã "cháy hàng" và ra sức mời mọc khách đến một dự án khác. Trong khi đó, qua khảo sát thực tế thì dự án mà môi giới tự đăng đều là ảo. Mục đích của việc đăng tin này là nhằm "hút" sự quan tâm của khách hàng thay vì mỗi ngày, môi giới phải gọi điện thoại cho từng khách.

 Doanh nghiệp phải kêu cứu vì dự án của mình bị môi giới mạo danh là chủ đầu tư

Doanh nghiệp phải "kêu cứu" vì dự án của mình bị môi giới mạo danh là chủ đầu tư

Một vụ tự nhận chủ đầu tư đã bị cơ quan chức năng "sờ gáy" xảy ra cuối năm 2017. Khi đó, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án Khu đô thị Tây Bắc TPHCM. Tuy nhiên, Ban Quản lý đầu tư, xây dựng Khu đô thị Tây Bắc đã có công văn khẳng định, dự án do Công ty Alibaba đề xuất chưa được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên việc rao bán là trái với các quy định pháp luật hiện hành.

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cá nhân cảnh báo khách hàng cần tỉnh táo và tìm hiểu cặn kẽ về dự án trước khi xuống tiền để tránh tình trạng "tiền mất tật mang".

"Phải dành nhiều thời gian kiểm tra quy hoạch thông qua các kênh khác nhau. Xác định tính chính danh của chủ nhà (chính chủ) bằng cách tìm đến họ hỏi thông tin. Định giá bằng cách so sánh với các bất động sản xung quanh, nếu giá quá cao hoặc quá rẻ khi mua phải hết sức cân nhắc; Tuyệt đối không tham chỉ vì giá rẻ hoặc chạy theo lời rao "hết hàng" của môi giới", ông Phan Công Chánh cảnh báo.

Công Quang

Nguồn Dân trí