Cao cấp hơn quạt con cóc nhưng cuối cùng quạt tai voi của Liên Xô lại “nghỉ hưu” sớm hơn “đồng nghiệp” Việt Nam.
Hàng xa xỉ đến từ Liên Xô
Trước khi quạt con cóc “làm mưa làm gió” tại Hà Nội thì những chiếc quạt máy Liên Xô cánh cao su đã xuất hiện đầu những năm 60. Chẳng ai nhớ thương hiệu của chiếc quạt có 3 cánh bằng cao su mềm. Tất cả đều gọi là nó quạt tai voi.
Quạt tai voi có cấu tạo rất đơn giản, chỉ gồm 3 cánh bằng cao su mềm, màu trắng. Đế quạt được đúc bằng gang, rất bền, bị ném cũng khó vỡ. Dù không có lồng bảo vệ nhưng quạt tai voi không phải là mối nguy hiểm với trẻ em.
Thứ nhất, khi các em bé hiếu động hoặc người lớn lơ đễnh thò tay vào cánh quạt, cánh quạt chỉ đập nhẹ, không gây cảm giác đau đớn hay tổn thương. Thứ hai, quạt tai voi rất quý, luôn được xem là tài sản lớn nên trẻ em bị cấm động vào quạt vì cha mẹ sợ con có thể làm hỏng quạt.
Chiếc quạt tai voi lừng lẫy một thời |
Vì được coi là tài sản lớn nên quạt tai voi rất được nâng niu. Chỉ khi nào có khách quan trọng đến nhà, gia chủ mới bật tiếp khách. Vì vậy, ngoài chức năng xua đi cái nóng, quạt tai voi còn dùng để khẳng định “đẳng cấp”.
Thời bao cấp, hàng hóa hiếm hoi một thì quạt tai voi hiếm hoi 10. Quạt chủ yếu về Việt Nam qua đường “xách tay”. Ông Nguyễn Văn Hùng (Lê Văn Hưu – Hà Nội) kể thời đó những người đi Liên Xô về nước thường tranh thủ “xách” theo rất nhiều đồ dùng. Trong đó có quạt tai voi.
Ngoài ra, quạt tai voi cũng được phân phối giống như quạt con cóc. Quạt được phân phối về các cơ quan để nhân viên bốc thăm cùng nhiều hàng hóa khác như nan hoa xe đạp, săm lốp,…. Khi về cơ quan, các sản phẩm được chia theo đầu người bốc thăm.
Nếu không đi Liên Xô hoặc không bốc thăm thành công tại cơ quan, những người lắm tiền vẫn có cơ hội sở hữu quạt tai voi nếu chịu khó giao dịch trên thị trường “chợ đen”. Ông Hùng kể, thời đó, kể cả nếu mua tại “chợ đen”, khách hàng cũng không lo bị chặt chém vì chênh lệch giá không hề cao. Nên với ông Hùng, việc xách hàng mỗi lần từ Liên Xô về để bán lại cho người tiêu dùng kiếm được vài hào lãi làm ông rất vui.
Giống như ông Hùng, nhiều người cao tuổi sống ở thời bao cấp không nhớ chính xác giá của chiếc quạt tai voi. Tuy nhiên “tôi nhớ giá một chiếc quạt tai voi cao gấp vài lần, thậm chí gấp gần 10 lần một chiếc quạt con cóc”. Thời bao cấp, chiếc quạt con cóc có giá 35 đồng, thấp hơn một chút so với mức lương 60 đồng của nhân viên mới đi làm.
Vì quá gắn bó với thời bao cấp nên cả quạt con cóc và quạt tai voi đều có những câu chuyện đáng nhớ. Nếu quạt con cóc khiến người ta ngỡ ngàng vì khả năng tự đi, tự nhảy bật lên như con cóc thì quạt tai voi lại được nhắc nhiều về độ bền.
Quạt tai voi rất ít khi đổ vì đế được sản xuất từ thép đúc. Mà giả sử nếu có đổ, quạt vẫn không hỏng hóc. Chỉ cần được dựng dậy, quạt lại quay tít như chưa từng có sự cố gì. Không chỉ có vậy, đến bây giờ, người dân vẫn “lưu truyền” câu chuyện có những gia đình đi sơ tán không kịp tắt quạt. Mấy tháng sau trở về nhà, chiếc quạt vẫn chạy tốt.
“Nghỉ hưu” và làm đồ cổ
Thời kỳ những năm đầu của thập niên 90, khi cơ chế bao cấp bị xoá bỏ, hàng hóa đổ vào thị trường ngày càng nhiều với sức cạnh tranh lớn cả về giá cả lẫn tính năng sử dụng. Vì vậy, cả quạt con cóc và quạt tai voi đều bị lép vế và dần lùi vào dĩ vãng.
Tuy nhiên, cho tới ngày nay, quạt con cóc vẫn giữ được chỗ đứng, dù rất khiêm tốn. Trong khi đó, quạt tai voi hoàn toàn biến mất. Có thể thấy, quạt tai voi đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình một cách xuất sắc và để lại nhiều dấu ấn trong lòng người dùng.
Hiện tại, quạt tai voi đã “nghỉ hưu”. Nhưng điều đó không có nghĩa chiếc quạt bé nhỏ này bị lãng quên. Vẫn nhiều gia đình giữ lại quạt tai voi và xem đó là kỷ niệm đáng nhớ cho một thời kỳ nhiều biến chuyển của đất nước.
Không chỉ có vậy, quạt tai voi luôn trở thành một trong món đồ sưu tập được nhiều người quan tâm. Trên các diễn đàn rao vặt như muare hay ttvnol, thỉnh thoảng các thành viên vẫn thấy ai đó đăng tin mua quạt tai voi làm vật trưng bày. Các thành viên còn lại hướng dẫn khá nhiệt tình nơi bán “đồ cổ” này.
Quạt tai voi được bán online thì ít, đa số đều xuất hiện tại nhà của một số người sưu tập quạt lâu năm. Bát Đàn và Tạ Hiện (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là những con phố được nhiều nhà sưu tập quạt tai voi ghé đến khi thăm Hà Nội. Giá bán quạt tai voi hiện tại cũng khá mềm, chỉ dao động trên dưới 500.000 đồng một chiếc. Tuy nhiên, nếu may mắn gặp được vị khách tha thiết muốn sở hữu món đồ này, giá giao dịch có thể vọt lên hàng triệu đồng.
Theo VTC News
{fcomment}
-
Mr. Đàm diễn thời trang 'Vết sẹo cuộc đời'
-
Real – Bale: Bom tấn đã kích hoạt
-
Ưu điểm vượt trội của cốm Protect Kid cho sự phát triển toàn diện của trẻ
-
Những 'thây ma' đại gia ở sòng bạc 5 sao
-
Cách chức Giám đốc Ngân hàng Quốc Dân Bạc Liêu
-
Cầu thủ Hà Nội FC thế chỗ hậu vệ HAGL ở ĐT Việt Nam
-
Hàng loạt phí, lệ phí sẽ được bãi bỏ
-
Nợ 200 triệu đồng mà “áp tội” phá sản thì 99% doanh nghiệp đều… đang nguy!
-
6 điều bạn cần ghi nhớ để có một chuyến du lịch hoàn hảo
-
Sau 1 năm thành công vang đội, dàn sao Hậu duệ mặt trời đang làm gì?