Nợ công: Nhà đầu tư và chuyên gia hiến kế

ngày 27/10/2014

Giải pháp giải quyết gốc rễ vấn đề bội chi ngân sách quá cao và nợ công sắp vượt ngưỡng an toàn là phải xem lại vấn đề đầu tư công, chuyên gia kinh tế nhận định. Còn nhà đầu tư nước ngoài cho rằng nên bán đa số cổ phần DN nhà nước.

Nợ lớn không lo bằng chưa thấy nguồn trả

Phiên khai mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã xác nhận tỷ lệ bội chi ngân sách trung bình giai đoạn 2011 - 2014 khoảng 5% GDP, riêng năm 2014 sẽ lên 5,3% GDP. Còn nợ công, Chính phủ ước tính 64,5% GDP, tức đã chạm mức trần.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lý giải, những con số trên chỉ là phương pháp tính. Ông lấy ví dụ ở các nước châu Âu xem lạm phát vượt qua 3% và nợ công trên 60% là rất xấu. “Còn Việt Nam quy định lớn hơn 65% mất an toàn”, ông Long nói.

Tuy nhiên, ông Long khẳng định các con số báo cáo của Chính phủ chỉ tính nợ Chính phủ, chưa tính các khoản nợ doanh nghiệp nhà nước, các bảo lãnh ngành, địa phương.

Thực tế, theo thẩm tra của Ủy ban tài chính - Ngân sách Quốc hội, nếu cộng thêm 85 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bội chi đã là 7% GDP, lớn hơn nhiều con số của báo cáo Chính phủ.

“Tính trung bình, mỗi người dân Việt Nam đang nợ gần 1.000 USD”, ông Long nói. Song ông lại cho rằng, con số đó không đáng báo động, điều lo ngại nhất là tốc độ nợ công tăng nhanh, trong khi chưa tìm thấy nguồn trả nợ hợp lý.

“Báo động nợ công nguy hiểm ở chỗ khả năng chi trả không có, vay về nhưng sử dụng không hiệu quả. Nguồn thanh toán chi trả nợ từ ngân sách. Trong khi ngân sách lại đang bội chi quá lớn”, ông Long phân tích.

Ông Long dẫn chứng có những nước tỷ lệ nợ công rất cao, nhưng vẫn an toàn. “Nhật Bản nợ công có lúc lên tới 300% GDP, nhưng họ không quan ngại, bởi sử dụng vốn vay hiệu quả. Họ vay 1 đồng, làm ra nhiều hơn 1 đồng. Còn Việt Nam vay 1 đồng, làm ra ít hơn 1 đồng.

Vị chuyên gia này kết luận rằng hiệu quả sử dụng vốn vay của Việt Nam không cao. Đó cũng là lý do buộc nhà nước phải đi vay để đảo nợ.

Một chuyên gia kinh tế khác cho rằng, hướng giải quyết gốc rễ vấn đề là cần đầu tư công có hiệu quả, tránh dàn trải.

“Cần phải đánh giá lại đầu tư công. Công trình nào cần thiết hãy đầu tư, phải có nguồn lực tài chính đảm bảo mới làm”, vị này nói.

Nợ công: Nhà đầu tư và chuyên gia hiến kế - 1

Được đầu tư nhiều tỷ đồng, Công viên Hòa Bình vừa đưa vào sử dụng đã có một số hạng mục xuống cấp. Ảnh: Như Ý

Nên bán đa số cổ phần

Trong vai trò người dẫn dắt các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam, Tổng GĐ VinaCapital Don Lam nói về nỗi lo ngại khi tiếp cận các DN nhà nước (cổ phần hóa): “Giới hạn sau cổ phần hóa cho nhà đầu tư chỉ 49%, trong khi họ muốn Chính phủ nâng lên khoảng 60%.

Ngoài ra, một số công ty đang cổ phần có cổ phiếu bán ra thị trường quá thấp với tâm lý học hỏi khoảng từ 10-15%, sau mới phát hành thêm. Như thế các nhà đầu tư lớn không muốn tham gia từ đầu vì tính thanh khoản không có. Họ yêu cầu ít nhất trong lần đầu tiên khoảng 25-30%”. Điều này cũng dễ hiểu vì những nhà đầu tư này muốn tham gia sâu vào công tác quản trị.

Ông Don Lam cũng cho biết, một số nhà đầu tư chờ đợi các nhà máy thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản (VINACOMIN) cổ phần hóa để mua lại cổ phần. Theo nhận định của vị này, VINACOMIN khả năng sẽ bán cho các nhà đầu tư chiến lược khoảng 35%. VinaCapital chờ đợi VINACOMIN chọn nhà tư vấn, thông qua đó sẽ tham gia vào quá trình cổ phần hóa.

“Một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới cổ phần hóa các nhà máy phát điện, số khác quan tâm đến các cảng dự kiến được cổ phần hóa. Họ có nhiều kinh nghiệm lĩnh vực này, nhưng vẫn có nhiều lo ngại, như tốc độ cổ phần hóa chậm, lượng thông tin chia sẻ cho nhà đầu tư và niêm yết ít trên thị trường chứng khoán”.

Tổng GĐ VinaCapital Don Lam

Theo 24h

{fcomment}