Những chuỗi trà sữa đắt khách nhất trên thị trường 8.500 tỷ của Việt Nam

ngày 22/08/2022

Phúc Long, KOI Thé, Tocotoco, Gong Cha, Bobapop, Dingtea là những chuỗi trà sữa quen tên nhất với người tiêu dùng hiện nay. Họ kinh doanh ra sao?

Theo báo cáo của Momentum Works và qlub, trong năm 2021, tổng khu vực Đông Nam Á đã chi 3,66 tỷ USD cho trà sữa. Trong đó, các quốc gia tiêu thụ trà sữa lớn nhất là Indonesia với 1,6 tỷ USD, Thái Lan 749 triệu USD và Việt Nam 362 triệu USD (khoảng 8.500 tỷ đồng).

Tại Việt Nam, thị trường trà sữa tăng trưởng nhanh chóng với nhiều thương hiệu mới được ra mắt hàng năm và trà sữa đang trở thành "món tủ" với nhiều bạn trẻ. Đối tượng khách chính mà các thương hiệu trà sữa ngắm đến thuộc thế hệ Millennials và Gen Z, đây là nhóm khách hàng trẻ tuổi, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dân số và cũng sẵn sàng chi tiêu dùng. Tuy nhiên, khách hàng của trà sữa đang ngày càng mở rộng và không còn bó hẹp trong phạm vi giới trẻ mà ngay cả nhiều người độ tuổi trung niên cũng đang trở thành những tín đồ của trà sữa.

Trong các chuỗi trà sữa nổi tiếng tại Việt Nam, quy mô của Phúc Long hiện đang lớn nhất. Năm 2020, doanh thu của Phúc Long là 793 tỷ đồng, gấp 3,4 lần Koi Thé, lợi nhuận sau thuế của Phúc Long cũng lớn nhất với 34 tỷ đồng, trong khi Koi lãi 16 tỷ đồng. Doanh thu của Phúc Long có thể sánh ngang với 1 số chuỗi cà phê lớn như Starbucks hay The Coffee House.

Phúc Long bắt đầu tăng trưởng vượt trội vào năm 2019 khi chuỗi mở rộng hệ thống từ Nam ra Bắc. Đến năm 2021, Phúc Long lọt vào "mắt xanh" của Masan Group – công ty bán lẻ, tiêu dùng lớn nhất Việt Nam và hai bên sẽ cùng nhau phát triển "Kiosk Phúc Long" tích hợp Phúc Long vào mô hình "Point of Life" của Masan giúp Phúc Long có mặt tại hàng nghìn cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, tiếp cận với đông đảo khách hàng hơn. Tính đến hiện tại, Phúc Long đang có 96 cửa hàng và 918 kiosk.

Báo cáo tài chính mới nhất của Masan cho biết: trong nửa đầu năm 2022, ghi nhận doanh thu Phúc Long đạt 820 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước và EBITDA 117 tỷ đồng. Sau 2 lần mua cổ phần của Phúc Long, vào ngày 1/8 năm nay, Masan tiếp tục thông qua công ty con mua gần 11 triệu cổ phiếu Phúc Long, tương đương 34% lợi ích vốn chủ sở hữu với 3.618 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu của Masan lên 85%.

Với thương vụ trên, Masan đang định giá Phúc Long lên đến 10.640 tỷ đồng.

Đứng sau Phúc Long là Koi Thé, tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của Koi Thé đi xuống trong 2 năm 2019 và 2020. Lợi nhuận ròng của Koi Thé trong giai đoạn 2017 – 2018 xấp xỉ 40 tỷ đồng, bỏ xa các đối thủ, ngay cả Phúc Long nhưng năm 2019 bất ngờ rơi xuống còn 14 tỷ đồng.

Dù vậy, trong năm 2020, Phúc Long và Koi cũng là 2 chuỗi trà sữa không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà lợi nhuận đều tăng trưởng so với năm 2019. Cụ thể, Phúc Long tăng 115% còn Koi tăng 12%.

Trong khi đó, các chuỗi khác như Gong Cha, Bobapop và Dingtea đều rơi vào thua lỗ. Đều là những thương hiệu được giới trẻ yêu thích nhưng năm 2020, Gong Cha lỗ 6 tỷ đồng, Bobapop lỗ 11 tỷ đồng, còn Dingtea trong 3 năm 2018 – 2020, mỗi năm đều lỗ 2, 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều thương hiệu trà sữa sau khi đạt được những thành công nhất định tiến hành nhượng quyền kinh doanh, do đó số liệu kết quả kinh doanh của công ty mẹ có thể chưa phản ánh hết quy mô của thương hiệu đó trên thị trường, ví dụ các thương hiệu như Royal Tea, Tocotoco, Gongcha, … đều có số lượng cửa hàng nhượng quyền chiếm tỷ lệ khá cao.

Nguồn: toquoc.vn