Phiên đấu giá đất tại Thủ Thiêm vừa qua với mức trúng đấu giá cao kỷ lục lên đến 2,4 tỷ đồng/m2 khiến dư luận 'dậy sóng', gây nhiễu loạn thị trường.
Ngày 10/12/2021, Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp TPHCM đã tổ chức bán đấu giá thành công 4 lô đất mang ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 thuộc khu chức năng số 3, khu dân cư phía Bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức gây chấn động, thu về cho ngân sách số tiền 37.346 tỷ đồng, cao gấp 7 lần giá khởi điểm.
Đáng chú ý, tại phiên đấu giá, lô đất 3-12 có diện tích hơn 10.059m2 với giá khởi điểm hơn 2.942 tỷ đồng. Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt đã trúng đấu giá lô đất này với mức giá 24.500 tỷ đồng (hơn 2,4 tỷ đồng/m2-PV), gấp 8,3 lần giá ban đầu sau 70 lượt đấu. Theo giới chuyên gia bất động sản, đây là mức giá giao dịch thành công tính theo mỗi mét vuông đất cao kỷ lục, chưa từng có trên thị trường bất động sản (BĐS).
Tương tự, lô đất 3-5 đã được bán thành công với giá 3.820 tỷ đồng, cao gấp 6,6 lần so với giá khởi điểm. Sau 130 lượt trả giá của 21 đơn vị tham gia đấu giá, Công ty CP Dream Republic đã trúng thầu.
Tiếp đến, lô đất số 3-8 với diện tích 8.500m2 cũng được đấu giá thành công với mức giá 4.000 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với mức giá khởi điểm. Phiên đấu giá có 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia nhưng chỉ có 6 đơn vị tham gia đấu giá. Qua 67 lượt trả giá với sự cạnh tranh gay gắt, Công ty CP Sheen Mega là đơn vị trúng giá.
Đấu thành công lô 3-9 có diện tích hơn 5.000m2 là Công ty TNHH Thương mại Bình Minh. Giá khởi điểm lô đất này là hơn 728,6 tỷ đồng, có 15 công ty bất động sản tham gia. Qua 140 lượt trả giá Công ty TNHH Thương mại Bình Minh trúng đấu giá với mức giá 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần giá khởi điểm.
Đến ngày 17/12, các công ty trúng đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã hoàn tất việc ký hợp đồng mua 4 lô đất trên với các cơ quan chức năng của TPHCM.
Sau khi ký hợp đồng, 4 công ty này sẽ nhận được thông báo thuế của cơ quan thuế. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải chuyển khoản 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước. 60 ngày tiếp theo, người trúng đấu giá thanh toán đủ số tiền còn lại. Nếu quá thời hạn thanh toán các đợt 1, đợt 2 thì doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp tiền chậm nộp theo quy định pháp luật về quản lý thuế.
Quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá sẽ bị xem là vi phạm hợp đồng mua bán. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo Sở Tài nguyên Môi trường trình UBND TPHCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
Như vậy, đến nay chỉ còn 10 ngày nữa, 4 doanh nghiệp trúng đấu giá 4 khu “đất vàng” Thủ Thiêm phải chuyển khoản 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước.
Trước việc phiên đấu giá đất Thủ Thiêm với giá trúng cao ngất, nhiều chuyên gia cảnh báo pháp luật hiện hành về đấu thầu quyền sử dụng đất còn nhiều kẽ hở có thể bị trục lợi, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS và nền kinh tế.
Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ đánh giá tác động của phiên đấu giá đất Thủ Thiêm, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, kẽ hở thứ nhất là tiền đặt trước tối đa chỉ ở mức 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá nhưng không quy định nhà đầu tư phải nộp thêm, hoặc phải cam kết nộp bổ sung hay có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng nếu họ trả giá đấu giá cao hơn rất nhiều lần so với mức khởi điểm.
HoREA cho rằng đây là một bất cập đáng quan ngại vì thực tế đã có một số trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá, đã nộp tiền đặt trước ít hơn mức trúng đấu giá nhiều lần nhưng sau đó không thanh toán tiền trúng đấu giá, chấp nhận mất tiền đặt trước; hoặc có trường hợp nhà đầu tư dây dưa kéo dài việc thanh toán.
Kẽ hở thứ hai mà HoREA chỉ ra là quy trình đánh giá năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá còn lỏng lẻo. Luật Đấu giá 2016 chưa quy định cụ thể về điều kiện "có năng lực tài chính", hoặc điều kiện "không vi phạm pháp luật về đất đai" của nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
Dù Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quy chế đấu giá, yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết bằng văn bản không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai và cam kết năng lực tài chính, nhưng yêu cầu tự cam kết bằng văn bản để chứng minh năng lực tài chính này chỉ mang tính hình thức" - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.
Kẽ hở thứ ba chính là biện pháp xử phạt do chậm đưa đất vào sử dụng không đủ sức răn đe. Nhiều năm qua nhiều dự án bất động sản, nhà ở tại các vị trí "đất vàng" hoặc dự án có quy mô diện tích rất lớn nhưng chủ đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, có dấu hiệu "găm" giữ đất, "đầu cơ" nhưng các biện pháp và mức xử phạt hiện hành quá nhẹ, chưa có trường hợp nào bị ra quyết định thu hồi dự án.
Kẽ hở thứ tư là các phương pháp xác định "giá đất cụ thể" để làm căn cứ tính "giá khởi điểm" đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, vẫn chưa đảm bảo nguyên tắc "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường".
Chủ tịch HoREA cũng bày tỏ quan ngại về việc kết quả trúng đấu giá 4 lô “đất vàng” ở Thủ Thiêm có thể đã bị đẩy lên mức quá cao so với giá trị thực tại thời điểm hiện tại, gây bất lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường BĐS.
"Khi giá đất trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể tác động tiêu cực lan tỏa đến tất cả các phân khúc thị trường BĐS theo hiệu ứng “bình thông nhau” gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại, trước hết là mục tiêu phát triển “nhà ở thương mại giá phù hợp” tại TPHCM", Chủ tịch HoREA lo ngại.
Mới đây, thảo luận tại tổ Quốc hội (ngày 4/1) về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.
Nói thêm về hiện tượng đấu giá đất Thủ Thiêm bên hành lang Quốc hội, ông Phớc cho hay, giá đất trung bình tại đường Nguyễn Huệ, nơi được ví là trái tim của TP HCM có giá khoảng 1,5 tỷ đồng một m2. Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực mà hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng là không phù hợp, giá không thực.
Mức giá này là không phù hợp, không thực khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần. Cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Với trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên Môi trường, kể cả vấn đề giá đất”, Bộ trưởng Tài chính - Hồ Đức Phớc nói.
Phát biểu tại tổ khi nhắc tới việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nói, đấu giá 1m2 đất ở Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2 là trường hợp "chưa bao giờ xảy ra". Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường không, còn nếu bình thường thì không sao.
Trước đó, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường. Từ đó, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng.
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Nguồn: https://tienphong.vn/nhin-lai-phien-dau-gia-dat-thu-thiem-bi-chuyen-gia-nhan-dinh-gay-nhieu-loan-thi-truong-post1407152.tpo
-
Giá vàng ngày càng giảm sâu
-
Barca – Espanyol: Tìm lại uy danh trước "hàng xóm"
-
Người đàn ông đột quỵ khi đang chơi thể thao
-
Ngắm vườn bưởi cảnh "độc nhất miền Bắc"
-
Năm 2022 'thổi bay' một nửa giá trị vốn hóa của Amazon
-
Sau nghỉ lễ 2.9, giá xăng dầu sẽ lại giảm?
-
Tháng ngâu, nhà đất bán `chạy như tôm tươi`
-
Heo rừng xào lăn, thơm ngon nức mũi
-
Báo Tây choáng với mức độ cuồng xe nhập của người Việt
-
Huyền thoại Ryan Giggs bị bắt